Hoa khôi Diệu Thúy: 23 tuổi rời showbiz vào nhà máy, 26 tuổi dốc cạn tiền tiết kiệm mạo hiểm học làm phi công
5 điều Thuý luôn làm hằng ngày để không trở thành một “bà cô già xấu xí" hay một người vợ "bà chằn" sau những áp lực trên bầu trời là: Vui vẻ, vui vẻ, vui vẻ, vui vẻ và vui vẻ.
"Tận cùng thế giới là gì? Đâu có ai mà biết được
Những hóa đơn và trách nhiệm làm giấc mơ ta khiếp nhược.
Ta không muốn những ngày trẻ trở nên gầy gò xanh xao.
Ta muốn là cánh chim nhỏ giữa bầu trời trong xanh chao" - Đi theo bóng mặt trời, Đen.
Không chờ tới ngày bị Đen vâu "xúi dại", Diệu Thúy đã trở thành "cánh chim nhỏ giữa bầu trời trong xanh chao" theo cách của riêng mình.
Diệu Thuý tên đầy đủ Nguyễn Trần Diệu Thuý (sinh năm 1989) là cựu sinh viên ngành Bảo hộ lao động, ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM).
Từ một hoa khôi, diễn viên, kỹ sư, tiếp viên hàng không... Diệu Thuý trở thành phi công của một hãng bay mới thành lập. Một điều mà ít người phụ nữ có thể chinh phục ở lứa tuổi còn trẻ như cô.
Từ thời sinh viên, Thuý đã nổi danh khi đại diện trường tham gia nhiều cuộc thi nhan sắc. Gái xinh Quảng Trị sở hữu hàng loạt danh hiệu như Miss thân thiện cuộc thi Duyên dáng sinh viên thế kỷ 21 năm 2009, Miss Áo dài trong cuộc thi Người đẹp Hoa anh đào 2010..., Diệu Thúy cũng là gương mặt mẫu quảng cáo cho nhiều mặt hàng tiêu dùng quen thuộc của Việt Nam.
Gương mặt điện ảnh trời phú cộng với khả năng diễn xuất tự nhiên giúp Thuý có được cảm tình của khán giả trong nhiều bộ phim ăn khách một thời như: Dốc sương mù, Huyền thoại 1C, Bên kia sông, Người giúp việc, Những mảnh đời giông bão, Đồng tiền đen... Tuy nhiên, Thuý không chọn nghệ thuật là "bến đỗ" của sự nghiệp.
Tháng 9/2013, Thuý rời showbiz trở thành kỹ sư an toàn tại nhà máy sản xuất đồ nội thất của Mỹ ở Bình Dương.
Năm 2014, Thuý nghỉ việc kỹ sư, du lịch trải nghiệm và trở thành tiếp viên hàng không của Etihad Airways - một hãng hàng không ở Dubai sau đó.
Năm 2016, sau hai năm rưỡi làm TVHK, Thuý (khi đó 26 tuổi) thi tuyển phi công tại Trường bay Việt, nơi huấn luyện phi công cho Hãng hàng không Vietnam Airlines. Như một con đường dài đầy thử thách, Thuý sang Mỹ học thực hành bay.
Năm 2018, Thúy lấy được bằng phi công tại Mỹ (tính từ thời điểm bắt đầu khoá học, Thuý tốt nghiệp vượt chỉ tiêu 3 tháng).
Tháng 4/2018, Thuý kết hôn với một doanh nhân người Pháp.
Tháng 5/2018, Thuý trở thành phi công của một hãng bay mới thành lập tại Việt Nam.
Cuộc sống sau buồng lái của một nữ phi công như thế nào? Đẹp có phải là một lợi thế trong nghề làm chủ bầu trời nổi tiếng hào nhoáng nhưng cũng gắn liền với đầy áp lực? Chúng ta cùng đến với cuộc trò chuyện cùng Diệu Thuý nhé!
Nữ phi công gây chú ý trên mạng với hình ảnh xinh đẹp, gợi cảm.
Làm giúp việc trước khi có việc kỹ sư, phi công
Chào Diệu Thuý,
Từ một người đẹp được công nhận ở các cuộc thi nhan sắc, thử sức ở vai trò diễn viên, được chú ý khi làm phi công, cảm giác của Thuý khi chạm vào những nghề nghiệp hào nhoáng, thời thượng ấy như thế nào?
Thú thực là tôi rất áp lực. Đó đều là những công việc được dư luận quan tâm, mọi người ngưỡng mộ. Để đáp lại điều đó, tối thiểu tôi phải hoàn thành nhiệm vụ, chưa nói là phải thực hiện nó một cách tốt nhất và xuất sắc nhất.
Để nổi trội ở một lĩnh vực, ai cũng phải trải qua quãng thời gian học tập, rèn luyện, tích luỹ. Khi tôi là diễn viên, tôi đặt mục tiêu đóng tròn vai trước rồi sau đó mới nghĩ đến diễn xuất đa dạng. Những bộ phim tôi đóng đều được nhận xét là tròn vai. Tôi khá mãn nguyện. Về công việc tiếp viên hàng không, tôi không dám nói mình làm nó tốt vì chưa thật sự yêu thích nghề này. Nhưng đến phi công thì tôi biết mình thật sự thích và sẽ cố gắng hết sức để không thấy hổ thẹn.
Nhìn vào những công việc hào nhoáng, được mọi người ngưỡng mộ tôi chỉ vui nhất thời. Niềm ấy ngắn ngủi nhưng đa số thời gian còn lại tôi phải sống trong áp lực xứng đáng với sự ngưỡng mộ đó.
Thuý xếp hạng một công việc lộng lẫy hay bình thường dựa vào những tiêu chí gì?
Mọi nghề đều có giá trị và vẻ đẹp riêng. Khi bạn làm một công việc với tất cả sự yêu thích thì nó sẽ trở nên lộng lẫy vô cùng.
24 tuổi nghỉ việc để đi du lịch rồi bất ngờ tìm thấy đam mê trong một lĩnh vực mới - tuổi trẻ luôn khao khát thứ tự do đầy bứt phá ấy. Thuý đã có được nó. Vậy mọi chuyện có thật sự đơn giản chỉ là đi - tìm kiếm đam mê - chinh phục?
Ở tuổi 24, nếu không mạnh dạn rời bỏ công việc an toàn, rời bỏ vùng an toàn, một cuộc sống tẻ nhạt... để đi tìm chính mình thì tôi sẽ không có câu chuyện nào được kể ở đây. Mọi thứ chúng ta sẽ chẳng dễ dàng có được thứ gì nếu chỉ ngồi một chỗ mà mơ chứ không sẵn sàng lựa chọn, đánh đổi, hi sinh, phấn đấu, nỗ lực.
May mắn là một phần, quyết định của bản thân là phần còn lại đưa bạn đến hạnh phúc thực sự. Quyết định đúng vào thời điểm đúng dĩ nhiên không bao giờ là chuyện đơn giản với tuổi trẻ.
Vậy có thể hiểu như thế này không: 24 tuổi bạn phải có một khoản tiết kiệm kha khá thì mới mong nghĩ tới việc sống như mình muốn, theo cách mà Thuý đã từng?
Đúng vậy! Công việc diễn viên giúp tôi có được khá nhiều tiền so với bạn bè đồng trang lứa tốt nghiệp đi làm. Tôi lại học được cách tiêu tiền khoa học, không lãng phí để nếu thất nghiệp một thời gian thì vẫn lo được cho bản thân vài năm.
Tôi chưa vội nghĩ đến việc lập gia đình, mua nhà hay mua xe, chỉ muốn cuộc sống của bản thân hạnh phúc. Nghe thì ích kỷ nhưng đó là logic cá nhân của tôi. Như các bạn tiếp viên hàng không và phi công được huấn luyện phải đảm bảo sự an toàn cho bản thân trước mới có thể đảm bảo an toàn và giúp đỡ người khác.
Thẳng thắn là lúc ấy Thuý đã tiết kiệm được bao nhiêu và phân xén nó cho việc học phi công như thế nào?
Tôi tiết kiệm được vài trăm triệu lúc nghỉ việc để đi du lịch. Sau khi làm tiếp viên hàng không và quyết định học phi công, tôi có tầm 2,2 tỷ, vừa đủ để học hết các khoá lý thuyết và thực hành trong vòng 2 năm. 500 triệu tiền học chuyển loại, tôi đã đi vay.
Thuý lên tinh thần và chuẩn bị cho mình như ra sao nếu việc học không đạt kết quả mong muốn dù đã cố gắng hết sức?
Tôi xác định là mình đã mất rất nhiều năm để dành dụm tiền đi học thì sẽ rất buồn nếu mất số tiền đấy mà không có kết quả. Tuy nhiên nếu mọi việc không như ý, tôi vẫn có thể chăm sóc bản thân vì tôi có tấm bằng đại học, có trình độ mà. Kể cả phải làm công việc không tương xứng với trình độ nhưng lương thiện, tôi vẫn không thấy xấu hổ về điều đó.
Trước 2 tháng nghỉ làm diễn viên để bắt đầu chuyển qua công việc kỹ sư, tôi nghỉ ngơi 2 tháng và đi dọn nhà cho bạn mình. Bạn tôi là người nước ngoài sống tại Việt Nam. Tôi đề nghị: Mày cứ trả lương, tao làm ô sin dọn nhà cho mày!
Quãng thời gian ấy, cứ sáng ra là tôi đến dọn nhà cho bạn, trưa xong việc, chiều ngồi làm hồ sơ xin việc hoặc đi phỏng vấn các công ty tôi nộp đơn ứng tuyển. Công việc đó kéo dài trong 1 tháng.
Nếu không đi học chắc bây giờ tôi cũng có 2 cái nhà rồi đó. Hiện tại, thứ tôi có là mấy tấm bằng phi công mà nó sẽ hết hạn trong vòng 2 năm. Nếu không bay nữa thì đem về nhà treo tường ngắm cho vui. Đôi khi bạn chấp nhận đánh đổi rất nhiều thứ để lấy về những cái có hạn sử dụng, nhưng tôi mãn nguyện với những lựa chọn ấy.
Văn phòng trên mây không có nỗi buồn
Khi ở trên bầu trời, Thuý nghĩ về điều gì?
Thú thật khi ở trên bầu trời ngoài công việc ra, tôi không nghĩ về vấn đề nào hết. Có lẽ là do quá trình huấn luyện. Khi tôi là tiếp viên hàng không, tôi đã được mài dũa kỹ năng đặt lại mọi muộn phiền sau cánh cửa máy bay.
Lúc ở trên không, bạn có nhiều thứ để làm lắm. Nhận tàu và kiểm tra xem có an toàn không, các thông số kỹ thuật có đảm bảo không, hôm nay mình có bay được hay không, thời tiết như thế nào, có bị delay không… mọi thứ cứ liên tục theo chuỗi. Hiện tại công việc của tôi là bay từng chặng ngắn, mỗi chặng tầm 1 tiếng đến 1 tiếng 30 phút, có chặng chỉ 45 phút thôi. Với khối lượng công việc liên tục như thế, tôi không có thời gian để muộn phiền trên không.
“Phòng làm việc" của Thuý như thế nào?
Buồng lái thực sự rất cool.
Lái máy bay và chinh phục đàn ông, giữa hai việc ấy Thuý có tìm thấy điểm chung nào thú vị?
Tôi còn chưa chinh phục được chính mình đâu dám chinh phục đàn ông. Nghề phi công là một nghề thú vị tuy nhiên nó đòi hỏi trách nhiệm trên cả tuyệt đối, phía sau buồng lái là tính mạng của hàng trăm hành khách (gia đình). Tôi chưa bao giờ dám đặt phép so sánh như thế trong suy nghĩ của mình.
Giữa việc lão hoá nhanh vì lao động quá nhiều và trở thành một người vô vị trong công việc, Thuý bị ám ảnh bởi cái nào hơn?
Không ai muốn thành người thừa hay vô vị trong công việc cả. Còn chuyện lão hoá theo thời gian thì đó là quy luật tự nhiên, ai cũng phải chấp nhận, không có gì phải sợ.
Nhưng thú thật là tôi không còn có thời gian nghĩ đến cái đẹp nữa. Đã lâu lắm rồi tôi chưa có thời gian đến spa chăm sóc da. Hiện tại, tôi vẫn đang trong quá trình huấn luyện đường dài và bay tích lũy thời gian. Có quá nhiều thứ để học và không đủ thời gian để đọc nên làm đẹp là ưu tiên cuối cùng.
Thuý từng chia sẻ cuộc đời mình thay đổi 180 độ sau câu hỏi: “Em có muốn trở thành phi công không?”. Vậy trong đời - để sống hết mình hơn - chúng ta luôn cần một câu hỏi mang tính gợi mở như thế sao?
Không phải ai cũng có thể nhìn thấy giá trị của bản thân, nhưng cũng không phải câu nói nào cũng giúp bạn trở thành một phiên bản tốt hơn. Với tôi, thì là trở thành phi công. Mọi lời nói chỉ là chất xúc tác nhẹ. Tuy nhiên, mọi sự động viên trong đời này luôn có ích, tại sao không?
Mệnh lệnh của chồng: Đây là số tiền anh muốn em tiêu, em phải tiêu cho bằng hết!
Nói đến chuyện hôn nhân, Thuý chia sẻ mình và chồng Pháp 2 tháng gặp nhau 10 ngày - vợ chồng người ta sớm sớm tối tối bên nhau còn chưa ai ăn ai huống hồ…?
Sau khi cưới vào năm 2018, chồng tôi ở Pháp còn tôi ở Việt Nam. Thú thật, có đôi vợ chồng nào mới cưới mà muốn ở xa nhau. Thi thoảng bọn tôi có cãi nhau một tí vì nhớ nhau, thường khi nhớ nhau quá hay giận nhau lắm. Nhưng chúng tôi đành phải chấp nhận.
Ngay từ đầu ông xã rất muốn tôi ở lại châu Âu nhưng yêu cầu trở thành phi công ở bên đó quá cao. Vả lại, tôi chưa phải là người châu Âu nên nó gặp nhiều khó khăn hơn. Anh biết tôi vì sự nghiệp nên mới đánh đổi hạnh phúc riêng.
Nhưng bản thân ảnh thi thoảng cũng trách móc tôi: "Anh nhớ em quá, anh thật sự rất muốn chúng ta ở chung với nhau nhưng sao em lúc nào cũng chỉ có công việc của em thôi!".
Vì sự nghiệp đã rất nỗ lực để có được, Thuý phải đánh đổi hạnh phúc riêng.
Tuy nhiên chúng tôi rất tin tưởng nhau. Ví dụ thi thoảng nói anh đi du lịch với một cô bạn gái. Tôi hỏi là anh đi riêng hay đi chung, anh nói anh đi riêng. Tôi cũng hờn ghen chứ. Còn tôi thường bay với những anh phi công đẹp trai đến những địa diểm hay ho... muốn êm thấm buộc lòng chúng tôi phải có niềm tin và sự dung hoà.
Tôi lúc nào cũng muốn nhắn nhủ đến anh rằng: "Anh hãy kiên nhẫn đợi em, lúc em ổn định trong công việc của em thì em hoàn toàn có thể bù đắp những gì em đã bắt anh phải chờ đợi".
Chồng Pháp đã dạy Thuý điều gì và Thuý đã dạy anh điều gì trong cuộc hôn nhân này?
Ảnh thường đưa tiền cho tôi và bảo rằng: Đây là số tiền mà anh muốn em tiêu, em phải tiêu cho bằng hết!
Mỗi lần, ảnh không đưa nhiều tiền, chỉ 10 triệu thôi. Hầu hết là tôi không tiêu, chỉ mua những đồ giảm giá này nọ. Tôi mua xong về trình ra với anh và bảo: Đây, em mua hết tiền rồi đó. Nhưng thật ra là không, tôi mua rất ít còn lại thì cất tiền vào trong ngân hàng.
Ảnh biết.
Lần qua Mỹ, ảnh tiếp tục đưa cho tôi 500 USD để mua những món đồ mình thích và bảo: Em phải tiêu cho hết và trình hoá đơn ra cho anh.
Tôi mua hết có 300 USD và ảnh đòi hoá đơn. Ảnh lấy lại 200 USD tiền thừa và nói: Đây là bài học cho em vì cái tội không tiêu hết tiền. Vì số tiền này không phải để em để dành, số tiền này là để em hưởng thụ cuộc sống.
Chồng tôi là người rất độc lập về kinh tế, ảnh từng nói nếu tôi thiếu tiền học thì anh cho em vay nhưng em cần bao nhiêu và bao giờ em trả?
Qua những câu chuyện như thế, ảnh dạy tôi bài học: Lời hứa và uy tín trong cuộc sống rất quan trọng.
Còn tôi, có lẽ tôi dạy anh rằng yêu người phụ nữ Việt thì cần sự mềm mỏng. Nếu anh quá cứng rắn, anh sẽ làm cho người ta không hạnh phúc. Người phụ nữ ai cũng muốn được che chở. Tuy anh không phải là người lãng mạn nhưng anh biết giữ trái tim tôi bằng những điều lãng mạn mà tôi muốn, như là sáng tác nhạc, đàn cho tôi nghe, ôm tôi ngủ hàng tối khi chúng tôi ở bên nhau.
5 điều Thuý luôn làm hằng ngày để không trở thành 1 “bà cô già xấu xí" hay một người vợ "bà chằn" sau những áp lực trên bầu trời là?
Vui vẻ, vui vẻ, vui vẻ, vui vẻ và vui vẻ.
Nếu một ngày Thuý có con, Thuý muốn con mình sẽ bắt đầu kể với các bạn về mẹ như thế nào?
Bà là một người phụ nữ độc lập và luôn cố gắng hoàn thành những gì mà bà muốn làm. Không dựa dẫm vào ai. Mỗi khi bà muốn làm gì thì sẽ không bao giờ bỏ cuộc.
Cảm ơn những chia sẻ từ Diệu Thuý, chúc chị có những chuyến bay an toàn.