Hô hấp và sốt xuất huyết tăng cao, viện nhi quá tải

Theo Vietnamnet,
Chia sẻ

Mùa mưa đến, lượng trẻ bị bệnh hô hấp và sốt xuất huyết tăng cao, nhiều ca nặng.Các bé phải nằm ghép, nằm tràn ra hành lang do lượng giường bệnh không đủ để đáp ứng.

100 giường điều trị cho gần 400 bé

Sáng 13/8, Thạc sĩ – bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết lượng bệnh nhi tới khám và nhập viện do bệnh hô hấp tăng cao rõ rệt.

hô hấp, sốt xuất huyết, quá tải, nằm ghép
Khoa Hô hấp của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang quá tải. Ảnh: Thanh Huyền.

“Hôm nay, bệnh cũ nội trú tại khoa là 276 bé, thêm 94 bé vừa nhập mới (26 ca nhập viện trong đêm). Như vậy tổng số bệnh nhi nội trú của khoa Hô hấp đang là 370 bé, mà chỉ tiêu giường bệnh của khoa chỉ có 100 chiếc” , bác sĩ Tuấn nói.

Trong số các bệnh nhi nói trên, 30 trường hợp rất nặng, phải thở oxy. Các bé chủ yếu bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi. 80% bệnh nhi viêm tiểu phế quản ở độ tuổi dưới 2, còn lại là bị viêm phổi.

hô hấp, sốt xuất huyết, quá tải, nằm ghép
Nhiều bé bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản phải chích kháng sinh mạnh. Ảnh: Thanh Huyền.

Theo bác sĩ Tuấn, nguyên nhân khiến bệnh hô hấp tăng cao do thời tiết lúc mưa, lúc nắng làm độ ẩm không khí gia tăng, tạo điều kiện phát triển cho mầm bệnh, virus.

Sức đề kháng của trẻ còn nhỏ nên chưa thích ứng được với điều kiện khí hậu thất thường.

Những bé có nguy cơ cao dễ chuyển biến nặng khi mắc bệnh hô hấp là trẻ sơ sinh, có bệnh mãn tính đi kèm, dị tật bẩm sinh, bị bệnh lý về não, suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng.

Chẳng hạn, một loại virus gây viêm tiểu phế quản nếu lây cho người lớn thì chỉ bị ho, cảm nhẹ vài ngày, sau đó bệnh tự khỏi. Thế nhưng trẻ sơ sinh mà lây loại virus trên thì cứ 2 bé lại có một bé suy hô hấp nặng.

Từ đó, bác sĩ Tuấn khuyên phụ huynh hãy chú ý chăm sóc trẻ, trời mưa không để trẻ ở vị trí gió lùa, sử dụng điều hòa, quạt hợp lý.

Bên cạnh đó cũng cần bổ sung dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ, ăn nhiều thực phẩm có vitamin để tăng cường đề kháng. Đặc biệt tránh để trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng ho, cảm.

Chuẩn bị tới ngày tựu trường, thậm chí một số trường đã khai giảng sớm, khi trẻ đi học, nguy cơ lây nhiễm bệnh hô hấp còn tăng cao thêm nữa.

Nếu bị bệnh hô hấp, không được khám, điều trị kịp thời, trẻ có thể bị biến chứng suy hô hấp, nặng hơn thì viêm phổi, viêm phổi áp xe có mủ, thậm chí tử vong.

“Đánh giá tình trạng bệnh của con nặng hay nhẹ phải căn cứ vào hơi thở của bé. Phụ huynh nên quan sát con có khó thở hay không, chứ không phải ho ít hay ho nhiều” , bác sĩ Tuấn nhắn nhủ.

Sốt xuất huyết tăng gần 30%

Không chỉ riêng bệnh hô hấp gia tăng, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 rất nhiều bé bị sốt xuất huyết phải nhập viện.

Theo Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, vào tháng 4 – 5, đơn vị mình chỉ có khoảng 30 ca sốt xuất huyết, nay tăng thành 90 ca.

Riêng ngày 13/8, khoa Sốt xuất huyết đang điều trị cho 92 bé, 10 bé rất nặng.

Chỉ tiêu của khoa Sốt xuất huyết chỉ có 90 giường nhưng còn phải điều trị thêm một số bệnh lý khác nên tổng số bệnh lên tới 208, quá tải là điều không thể tránh khỏi.

Các ca sốt xuất huyết đang nhập viện điều trị, 60% bệnh nhi sinh sống tại TP.HCM. Đa số các bé cư trú tại các quận, huyện như Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Q. 8.

hô hấp, sốt xuất huyết, quá tải, nằm ghép
Bác sĩ đang khám cho trường hợp bị bệnh nặng . Ảnh: Thanh Huyền.

“Sở dĩ những quận huyện nói trên có nhiều người mắc sốt xuất huyết như vậy do tồn tại nhiều kênh rạch, phòng trọ, khu công nghiệp. Người dân vẫn có thói quen trữ nước mưa trong lu mà không che đậy, tạo điều kiện cho bọ gậy phát triển” , bác sĩ Tuấn nói.

Ngoài lời khuyên làm sạch môi trường sống, không để vật chứa nước tù đọng, bác sĩ Tuấn cảnh báo phụ huynh cách nhận biết bệnh sốt xuất huyết sớm cũng như dấu hiệu trở nặng nhằm đưa trẻ đi bệnh viện kịp thời.

hô hấp, sốt xuất huyết, quá tải, nằm ghép
Cháu bé bị sốt xuất huyết, do bệnh viện quá tải phải nằm ở hành lang. Ảnh: Thanh Huyền.

Đặc thù riêng của sốt xuất huyết, ngay từ đầu trẻ đã sốt rất cao (39 độ), mệt mỏi, lừ đừ, ngày thứ 3 có thể xuất hiện chấm xuất huyết trên da, chảy máu chân răng…

Bệnh thường trở nặng sau ngày thứ 3, tức là khi trẻ bớt sốt. Nếu lúc này thấy bé đau bụng, nôn ói nhiều, thậm chí ói ra máu… thì phải nhanh chóng đưa đi cấp cứu.

Từ đầu năm tới nay Bệnh viện Nhi Đồng 1 ghi nhận 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết/11 trường hợp trên toàn quốc. Cả 3 bé này đều nhập viện quá chậm trễ, trong tình trạng xuất huyết nặng, suy đa cơ quan.

Chia sẻ