Hình ảnh bé gái vừa tròn tuổi tha thẩn chơi một mình khi mẹ chăm em khiến trái tim những mẹ đông con nhói đau
Những tâm sự chân thật của mẹ Mỹ Mỹ về cô con gái tha thẩn chơi 1 mình khi mẹ có thêm em đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Nó không chỉ chạm tới trái tim của những người làm mẹ mà cả những người đang có hoàn cảnh sinh con dày vì "nhỡ kế hoạch".
Có thêm em bé, nhà thêm niềm vui nhưng nhiều bà mẹ cũng trăn trở xót xa: Làm thế nào để có thể quan tâm đều cho hai con.
Vừa qua, tài khoản Facebook của ThanhHai Tu (sống tại Bình Phước, tên thật là Đặng Mỹ Mỹ), có chia sẻ trong một hội dành cho các bà mẹ bỉm sữa với nội dung nói về con gái lớn của chị, từ ngày mẹ có thêm em, con gái ít nói hơn, chỉ chơi một mình, kèm theo đó là hình ảnh em bé chơi ngoài đầu ngõ lẻ loi một mình cùng với 2 bạn gấu bông. Nội dung kèm hình ảnh nhận được sự quan tâm của nhiều bà mẹ. Đa số đều bày tỏ sự đồng cảm với Mỹ Mỹ.
Hình ảnh con gái Mỹ tha thẩn chơi ngoài ngõ 1 mình trong lúc mẹ cho em ngủ khiến nhiều người quan tâm.
Được biết, Mỹ mang thai bé thứ 2 khi bé đầu mới chỉ tròn 4 tháng. Mỹ kể: "Lúc mình có bầu bé Cún ai cũng nói với bé Gà là mẹ sắp có em, bỏ Gà không thương Gà nữa, nhưng bé Gà vẫn lại hôn lên bụng mẹ và thì thầm nói yêu em lắm".
Khi chưa có em nhỏ, bé Gà (bé lớn nhà Mỹ) rất được bố mẹ cưng chiều và quan tâm. Theo lời mẹ Mỹ thì bé Gà là một cô bé rất ngoan và biết thương mẹ, thương em: "Từ khi mẹ có bầu, mình cũng nói với bé từ từ cho bé hiểu. Lúc trước khi có bầu bé Cún, bé Gà nhõng nhẽo lắm, nhưng từ lúc sinh em Cún ra, tới giờ ngủ là lấy sữa đi ngủ, không nhõng nhẽo nữa".
Mỹ Mỹ và con gái.
Được biết, bức ảnh Mỹ chụp con gái lớn là khi chị đang cho bé thứ 2 ngủ, ngó ra thấy bé lớn chơi một mình, cũng thương con nên chụp lại. Nói về việc để con chơi một mình, Mỹ chia sẻ: "Mình cũng chỉ thấy thương con thôi, nhưng có lẽ rồi sẽ qua cả, lúc chưa có em cũng vậy đó, bé Gà là một đứa trẻ rất hiểu chuyện, thương em. Em khóc là chạy dỗ em, em không nín mới chạy ra gọi mẹ mặc dù bé nói không rõ chữ, nhưng bé biết em mà ngủ là bé không cho ai vào nhà hết. Thú thật là mình thương Gà lắm, mỗi lần thấy ngồi chơi một mình, lâu lâu lại chạy vào coi em mà thương lắm luôn. Mình chưa bao giờ hối hận hết vì mình yêu hai đứa con này".
Dù mẹ có em Cún sớm, nhưng bé Gà vẫn rất yêu thương em và tỏ ra hiểu chuyện ngay từ khi còn bé xíu.
Nói về nỗi vất vả, Mỹ tâm sự: "Đã sinh con và nuôi con thì cha mẹ nào cũng có nỗi vất vả riêng. Nhưng nỗi vất vả khi sinh 2 bé gần nhau là khi hai đứa bệnh cùng một lúc, lúc như vậy mình dỗ hai chị em ngủ là mình khóc, khóc tại sao không cho con được cuộc sống tốt hơn và nếu sinh thưa hơn thì sẽ có điều kiện chăm sóc từng con tốt hơn. Nhất là khi kinh tế gia đình mình phụ thuộc cả vào chồng, con còn bé nên mình chồng mình đi làm (lương tháng 5 triệu) để gồng gánh gia đình. Nhưng dù sao con cái cũng là duyên phận của cha mẹ, nên mình chỉ mong dành mọi điều tốt nhất cho con thôi".
Bên cạnh những bình luận tỏ ra xót xa, thương cho bé lớn của Mỹ và chia sẻ tình trạng của gia đình mình thì cũng có rất nhiều ý kiến bình luận xung quanh vấn đề: Có nên hay không nên sinh bé quá dày?
Cụ thể chị Nga Tran bày tỏ: "Mình nghĩ sinh con gần nhau quá thì bé lớn tội lắm, vì mình dù sao cũng sẽ dành thời gian nhiều hơn cho con bé mà không sát sao được với con lớn, trong khi con vẫn còn quá bé. Tội lắm bạn ạ".
Một ý kiến khác cho rằng nên tạo tính tự lập cho con từ bé để không phải rơi vào trường hợp này, chị Hằng Phan bình luận: "Tập cho con tự lập sẽ tốt hơn cho con. Dù con phải chơi 1 mình từ sớm nhưng mẹ cũng giám sát con từ xa. Tranh thủ lúc con bé ngủ thì ôm ấp vỗ về con. Thậm chí có thể để 2 chị em chơi cùng nhau nhiều nhất có thể để 2 bé tình cảm hơn cũng tốt mà".
Mặc dù trường hợp của mẹ Mỹ Mỹ không phải là hiếm và dĩ nhiên không ông bố bà mẹ nào muốn chứng kiến cảnh con mình lủi thủi chơi 1 mình vì mẹ có em khi con lớn còn quá nhỏ. Song sau tất cả, chỉ cần tình yêu thương của bố mẹ không thay đổi, cộng thêm sự khé léo trong cách trò chuyện, dạy dỗ các con, chắc chắn rằng, hai chị em sẽ sáp lại với nhau vẫn vui vẻ cười đùa và sẵn sàng nhường nhịn cho nhau ngay cả khi bé bồng hay khi đã trưởng thành...