Hiệu ứng Werther và sự lây nhiễm của "dịch tự sát": Tự kết liễu sinh mạng là giải thoát cho bản thân hay chỉ là sự bắt chước?
Hiệu ứng Werther và hồi chuông cảnh báo hiện tượng tự sát hàng loạt trong giới trẻ hiện nay.
Mỗi hành động của người nổi tiếng có thể thu hút đông đảo sự chú ý từ công chúng và giới truyền thông. Các vụ án bạo lực, bê bối tình dục, lừa đảo, sử dụng ma túy và tự sát là những chuyện mà công chúng quan tâm nhất. Trong thời gian gần đây, vụ tự tử của hai nghệ sĩ Hàn Quốc là Sulli và Goo Hara là những sự kiện gây hoang mang nhất cho đến hiện tại. Ngoài nỗi niềm thương tiếc, nhiều người cũng bắt đầu lo lắng cái chết của hai nữ nghệ sĩ này sẽ gây ra chuỗi tự tử hàng loạt.
Tự sát dường như là vấn đề của một cá nhân, nhưng ảnh hưởng của nó sẽ không vì một sinh mạng ra đi mà biến mất. Người nhà và bạn bè thân thiết chỉ có thể thụ động chấp nhận những tác động tiêu cực do hành động tự tử mang đến. Một số học giả đã ước tính rằng, mỗi một vụ tự tử có tác động ít nhất đến cuộc sống của 6 người bên cạnh họ, có thể cần phải điều trị tâm lý.
Nếu đối tượng tự sát là một nhân vật của công chúng, tác động từ cái chết đó rộng hơn nhiều. Trong trường hợp này, tự sát thậm chí còn có thể “truyền nhiễm” như bệnh cúm, dẫn đến hiện tượng “Bắt chước tự sát một cách mù quáng” (Copycat suicide). Đây là hiệu ứng Werther (The Werther effect), cái tên xuất phát từ cuốn tiểu thuyết “Nỗi đau của chàng Werther” (The Sorrows of Young Werther) của tác giả Johann Wolfgang von Goethe sau khi được xuất bản năm 1774 đã dấy lên hội chứng tự sát trong thanh niên lúc bấy giờ. Cuốn tiểu thuyết mô tả bi kịch cuộc đời của chàng thanh niên tên Werther khi không thể đến với người mình yêu. Sau cuối, nhân vật chính đã kết liễu sinh mạng bằng khẩu súng của tình địch.
Nỗi đau đớn và giày vò của chàng trai trẻ Werther đã biến Goethe từ một cây bút vô danh trở thành đại văn hào trong một đêm. Nhưng song song đó, kết thúc tiêu cực của nhân vật chính cũng gây ra một làn sóng tự sát. Nhiều nạn nhân được tìm thấy trong trang phục tương tự như lời Goethe miêu tả về Werther (áo khoác Tailcoat xanh lam và quần nhung vàng), tự sát bằng một khẩu súng y hệt như trong câu chuyện của thanh niên trẻ này. Đặc biệt hơn, cuốn tiểu thuyết cũng xuất hiện tại hiện trường các vụ tự tử đó.
“Nỗi đau của chàng Werther” bị cấm xuất bản tại nhiều quốc gia. Ở Leipzig, bang Sachsen, nước Đức, cuốn tiểu thuyết không những bị cấm xuất bản mà các trang phục giống Werther cũng bị cấm bắt chước.
So sánh với dữ liệu từ thế kỉ trước, các nhà khoa học cũng phát hiện ra hiệu ứng Werther là có thật. Vào những năm 70 của thế kỉ trước, nhà xã hội học David Phillips tìm thấy bằng chứng về hiệu ứng Werther từ những số liệu lớn. Ông nhận ra rằng sau mỗi vụ tự tử được báo cáo, tỷ lệ tự tử trong khu vực sẽ tăng lên đáng kể trong khoảng thời gian ngắn sau đó. Theo đó, sau cái chết của Marilyn Monroe vào ngày 4/8/1962 với nguyên nhân là tự sát (bị nghi ngờ), số người chết vì tự tử ở Mỹ đã tăng thêm 303, tăng 12% so với tháng trước đó. Hơn nữa, đối tượng tự sát này chủ yếu là phụ nữ trẻ.
Trương Quốc Vinh là một trường hợp tương tự. Tháng 1/4/2003, Trương Quốc Vinh tự vẫn đã kéo theo “cơn sóng” nhỏ tự tử. Với một cái chết trẻ như vậy, công chúng và giới truyền thông đã “thi vị hóa”, gọi tên vụ tự tử này bằng những mỹ từ như “nỗi đau tuyệt sắc”, “kết thúc một huyền thoại”,... và sự “thi vị” này như một vị thuốc an thần cho những người trẻ tuổi nhưng mang lại kết quả không hề “thi vị” chút nào.
3 tháng trước khi Trương Quốc Vinh tự sát, chỉ có 99 người tự tử. Nhưng đến tháng 4, số vụ tự tử ở Hồng Kông đã tăng 32%, đến con số 131. Trong số đó, không ít người để lại thư tuyệt mệnh, giải thích hành động tự sát của họ có liên quan đến cái chết của Trương Quốc Vinh.
Năm 1991, Derek Humphry xuất bản cuốn sách “Final Exit”, khởi xướng trợ tử cho các bệnh nhân thời kỳ cuối. Trong cuốn sách của mình, ông đề xuất và mô tả chi tiết phương pháp tự tử bằng túi nhựa. Cùng năm đó, số người chết với cách thức tương tự ở thành phố New York (Mỹ) đã tăng 313%. Cách thức tự sát không chính thống này lại tăng từ 8 vụ lên đến 33 vụ. Ngoài ra, có 37% hiện trường tự sát đã xuất hiện trong cuốn sách “Final Exit”.
Một cách tự sát khác là bằng than nóng, phổ biến ở Hồng Kông từ năm 1998. Vào tháng 11 năm đó, trường hợp tự tử đầu tiên trên thế giới bằng cách đốt than trong phòng kín đã xuất hiện ở Thiên Thủy Vi, Hồng Kông. Vì đây là cách tự sát đặc biệt và chưa từng xảy ra nên các phương tiện truyền thông Hồng Kông đã đưa tin rộng rãi và chuyên sâu về nó. Kết quả là, một cách thức tự sát mới vừa xuất hiện đã thay thế treo cổ, trở thành cách tự tử phổ biến thứ 2 ở Hồng Kông. Sau này, các vụ tử tự bằng cách đốt than nóng đã lan rộng sang Macau, Hoa Nam, Đài Loan, Nhật Bản cũng như Đông Á.
Tự sát là một hiện tượng vô cùng phức tạp cùng những hậu quả xã hội, kinh tế và tình cảm. Khoảng 800.000 người chết vì tự tử mỗi năm trên toàn thế giới, nhiều hơn số người chết vì chiến tranh, khủng bố và bị giết hại cộng lại. Thực tế, có rất nhiều trường hợp tự tử là vì những hành động bốc đồng.
Một số học giả đã theo dõi và điều tra 515 người cố gắng tự tử trên Cầu Cổng Vàng (The Golden Gate Bridge) ở Mỹ. Kết quả cho thấy chỉ có 6% trong số đó sẽ cố gắng tự tử trong tương lai. Và có nhiều bằng chứng cho thấy những người này đã quyết tâm tự hủy hoại mình từ rất lâu.
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, gần 1/4 những người cố gắng tự tử trong vòng 5 phút từ lúc nảy sinh suy nghĩ tiêu cực đến thời điểm thực hiện suy nghĩ đó. Và gần 1/2 số người tự tử đã cố tự tử trong vòng 10 phút sau khi có ý định tự tử. Những dữ liệu này cho thấy, tự tử do kích động phổ biến hơn tự tử đã vạch sẵn. Thậm chí, nếu có gì đó cản trở hoặc can thiệp thì sẽ làm giảm đáng kể số vụ tự tử.
Nếu hiệu ứng Werther được xem như một dịch cúm tự tử, còn các phương tiện truyền thông là một cách thức truyền bá thì những người có “sức đề kháng” kém sẽ dễ bị ảnh hưởng nhất. Những ai có cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn có một “sức đề kháng” cực tốt và ít bị ảnh hưởng bởi báo chí. Nhưng những cá nhân nhạy cảm sẽ có xu hướng bắt chước theo các vụ tự tử mà báo chí “ném bom” trên các phương tiện truyền thông.
Theo lý thuyết học tập xã hội, nếu “hình mẫu” có đặc tính nổi bật hoặc có địa vị xã hội cao hơn thì việc bắt chước sẽ dễ dàng hơn. Do đó, việc báo chí khai thác quá chi tiết các vụ tự tử thật sự sẽ khiến người nhạy cảm “ngồi vào đúng chỗ”, ảnh hưởng quan trọng đến việc bắt chước tự sát.
Vậy, có cách nào phá vỡ hiệu ứng Werther không?
Trên thực tế là có và nó là “Papageno”, nhân vật chính trong vở nhạc kịch “Cây sáo thần” soạn giả Wolfgang Amadeus Mozart. Chàng trai Papageno cũng có hoàn cảnh tương tự với Werther nhưng vào phút cuối, Papageno đã thay đổi quyết định tự sát sau lời thuyết phục của ba người bạn. Tương ứng với hiệu ứng Werther, hiệu ứng Papageno được sử dụng để phòng ngừa hành động tự sát bằng cách phát tán các mô hình hành vi và quan điểm tích cực.
Chẳng hạn như ở Áo, số vụ tự tử ở ga tàu điện ngầm tăng mạnh từ năm 1983 đến năm 1986 và nhiều người cho rằng đây là hậu quả của các phương tiện truyền thông. Do đó, năm 1987, Hiệp hội phòng chống Tự tử của Áo đã phát động một chiến dịch nhằm giảm số vụ tự tử trên tàu điện ngầm bằng các thay đổi cách thức đưa tin của truyền thông. Từ tháng 6/1987, báo chí Áo không đưa nhiều tin về các vụ tự tử nữa.
Theo báo cáo, trước chiến dịch này, trung bình cứ 6 tháng sẽ có 9 vụ tự tử ở ga tàu điện ngầm. Sau khi chiến dịch hoạt động, số vụ tự tử tương tự đã giảm 80% .
Đó chính là nguyên nhân mà Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều quốc gia đã có những văn bản hướng dẫn truyền thông đăng tải thông tin về các vụ tự tử, ví dụ như: các phương pháp tự tử không được nêu chi tiết, các hình ảnh và video tự sát nhạy cảm phải được che mờ, không được cổ súy hành vi tự sát bằng những từ ngữ “thi vị”,... Trong các bài báo cần tập trung vào nội dung giáo dục, cảnh báo và cứu trợ.
Tuy nhiên, trong thời đại internet phát triển mạnh mẽ như hiện nay, những ảnh hưởng không tốt từ các phương tiện thông tin đại chúng trở nên khó kiểm soát hơn. Ngay cả những cá nhân cũng có thể tự phát tán thông tin thì việc ngăn chặn thông tin tiêu cực gần như vô dụng.
Nguồn: Zhihu, Baidu