Hiểu thêm về Thượng Bồng Lai Cổ Linh Từ - nơi vừa xuất hiện trăn bạch tạng khổng lồ: Cô Đôi Thượng Ngàn là ai? Bạch xà mang ý nghĩa gì trong tín ngưỡng thờ Mẫu?

Vũ.,
Chia sẻ

Nơi đây có điều gì đặc biệt mà nổi tiếng linh thiêng đến vậy?

Cách đây ít ngày, tại khu vực đền Mẫu thuộc xã Văn Phương, huyện Nho Quan, Ninh Bình xuất hiện một con bạch xà (trăn lớn màu trắng hay trăn bạch tạng) ở ngay chân cầu thang dẫn lên đền thờ Cô Đôi Thượng Ngàn. Ngay khi thông tin này được chia sẻ, bạch xà có chiều dài khoảng 3 mét cùng màu sắc hiếm gặp khiến nhiều người tỏ ra rất bất ngờ và tò mò đến đây để chiêm ngưỡng.

Bạch xà trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Khu vực phát hiện bạch xà là vùng đệm thuộc rừng quốc gia Cúc Phương, cây cối um tùm. Hơn nữa, ngôi đền lại nằm ở lưng chừng núi, xung quanh nhiều hang đá nên trăn rắn cũng đã không ít lần xuất hiện. Tuy nhiên, một con bạch xà kích cỡ khủng như vậy thì mới là lần đầu người dân nơi đây được tận mắt chứng kiến. 

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, thuộc hàng hạ ban có Quan Ngũ Hổ và Quan Xà Thần là hai linh vật được nhân dân tôn kính, thờ phụng trong hệ thống Tứ phủ. Việc con bạch xà xuất hiện ở chốn linh thiêng càng khiến câu chuyện thêm nhuốm màu tâm linh.

Hình ảnh "bạch xà" xuất hiện trong clip được chia sẻ.

Quan Xà Thần, còn được gọi là Ông Lốt hoặc Thanh Xà - Bạch Xà. Đây là 2 thần rắn đứng hàng cuối trong Tứ phủ, thường được bài trí trong điện thờ theo kiểu đặt dưới gầm ban Công Đồng, vắt ngang phía trên ban Công Đồng hoặc vắt trên xà nhà của điện thờ Tứ phủ. Cách bài trí này cũng được bắt gặp ở những đình chùa, miếu mạo có thờ thần linh Tứ phủ.

Hình ảnh minh họa cách bài trí Thanh Xà Bạch Xà

Theo thần tích, nhị vị xà thần màu xanh lá và màu trắng, có danh xưng là Thanh Xà Đại Tướng Quân và Bạch Xà Đại Tướng Quân. Quan Xà Thần phụng sự Thánh Mẫu và ban Công đồng, chịu trách nhiệm canh gác đền phủ, trấn giữ đường âm, đường sông nước và trừ ma diệt quỷ. Bởi vậy, việc một "Bạch Quan Xà Thần" xuất hiện trước cửa đền Cô Đôi Thượng Ngàn khiến nhiều người trầm trồ, thậm chí cho rằng có thể "quan đang trên đường đi tuần"...

Cô Đôi Thượng Ngàn là ai?

Cô Đôi Thượng Ngàn là một nhân vật trong Đạo Mẫu Việt Nam. Được thờ ở nhiều di tích đền và phủ ở phía Bắc và xuất hiện nhiều trong những câu hát văn nổi tiếng. Gọi là Cô Đôi Thượng Ngàn vì do Cô đứng hàng thứ hai trong hệ thống thập nhị tiên nàng của Đạo Mẫu. 

Trong Đạo Mẫu, Cô là người có công cứu giúp muôn dân, chỉ dạy người dân tộc tiếng nói để giao lưu với nhau. Tiếng tăm anh linh lừng lẫy khắp bốn phương, nhiều nơi đều có đền thờ Cô. Nổi tiếng nhất là hai ngôi đền thờ tại địa giới huyện Nho Quan, Ninh Bình gắn với truyền thuyết CÔ GIÁNG SINH và đền thờ tại huyện Cao Phong, Hòa Bình với truyền thuyết CÔ HÓA. Tức là nơi ra đời, và nơi từ biệt cõi tạm.

Trước khi giáng trần, tương truyền, Cô Đôi Thượng Ngàn xuất thân là con gái của Đế Thích - một vị vua chốn Thiên Cung, tự là Sơn Tinh công chúa. Khi còn ở thiên đình, cô là người hầu cận cho Vương Mẫu tại ngọc điện.

Về Thượng Bồng Lai Cổ Linh Từ tìm hiểu thần tích Cô Đôi Thượng Ngàn, nơi nhiều lần xuất hiện "bạch xà" linh thiêng - Ảnh 3.

Tượng thờ Cô Đôi Thượng Ngàn.

Quay lại chuyện hạ giới, tại phủ Nho Quan thuở ấy, có một vị quan lang người Mường họ Hà. Ông là người nhân đức, tâm lành của ông nức tiếng gần xa vì luôn cứu giúp dân nghèo. Sống đức hạnh là vậy, nhưng vợ chồng ông đã vào trạc ngũ tuần mà chưa có nổi một mụn con. Không từ bỏ, vợ chồng ông lập đàn tế, phát tâm gửi vào trời xanh mong được như ý nguyện. 

Lời khẩn cầu ấy lay động tới Ngọc Hoàng. Người sai Sơn Tinh công chúa hạ phàm, đầu thai làm con của vợ chồng quan lang Hà, coi như thưởng cho tiết tháo, đức hạnh, tấm lòng thơm thảo của vợ chồng ông.

Bẩm thụ thiên khí, mười hai tháng sau, vợ quan lang Hà có thai, rồi hạ sinh được một cô con gái. Khi con gái chào đời, chim kéo đến trước nhà hót mãi không thôi như vui mừng đấng tiên nữ giáng sinh phàm trần. 

Đến năm con gái lên bốn tuổi, cả gia đình quan lang họ Hà chuyển tới Mường Thàng nhậm chức. Mường Thàng ngày ấy thuộc vùng cao, thiếu thốn nước sinh hoạt. Dưới chân núi Đầu Rồng có một con suối thần, nước cứ chảy miết, trong mát quanh năm. Dân làng thường ra suối gánh nước về dùng, cô con gái cũng thường ra gánh nước phụ giúp cha mẹ.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cô đã bước sang tuổi 12. Ở cái tuổi ấy, cô trổ mã xinh đẹp tuyệt trần, da trắng, tóc mượt, mặt tròn, dáng người thon thả. Một hôm, cô đi gánh nước, gặp một bà lão bệnh tật, bẩn thỉu, đói khát nằm lả ở gốc cây đa dưới chân núi Rồng. 

Bà cụ đau đớn kêu rên từng hồi, nhưng chẳng một ai chịu giúp đỡ bà. Cô liền động lòng thương, quỳ xuống, đỡ bà cụ ngồi dậy, cho bà uống nước. Bỗng từ đâu, mây đen kéo đến, trời đất tối xầm, gió bụi ầm ầm không thôi. 

Bà cụ đói rách, ốm yếu bỗng hiện thành Tiên Chúa Thượng Ngàn, tự xưng là Cao Sơn Thánh Nàng (tức Chúa Bà Thượng Ngàn Diệu Tín Thiền Sư Chúa Mường ), chuyên cai quản các vùng rừng núi, nói với cô rằng: "Ta là Đức Mẫu Thượng Ngàn, thấy con là người hiền lành, đức độ lại có lòng thương với chúng sinh. Kiếp trước con là tiên nữ, nghe lệnh Ngọc Hoàng mà hạ phàm báo ân cha mẹ. Nay ta độ con thành tiên trở về hầu cận bên cạnh ta, học phép mà cứu giúp nhân gian." Nói đoạn, Đức Mẫu rút một cây gậy khắc đầu rồng bên mình, trao cho cô. Cô nhận gậy trở về nhà, bốn ngày sau thì cô hóa.

Sau khi cô hóa về với Thánh Mẫu Thượng Ngàn, cô chịu khó học phép cứu dân. Cô thường dong ruổi khắp các miền sơn cước, đôi khi hiển linh dạy cho đồng bào dân tộc tiếng nói để họ giao tiếp với nhau. Cũng có khi thanh nhàn, cô thường ngự về chốn sơn lâm đất Ninh Bình quê nhà. Ở nơi ấy, cô cùng các bạn tiên ca hát, ngâm thơ, thưởng cảnh tháng ngày trên dốc Sườn Bò.

Về Thượng Bồng Lai Cổ Linh Từ tìm hiểu thần tích Cô Đôi Thượng Ngàn, nơi nhiều lần xuất hiện "bạch xà" linh thiêng - Ảnh 4.

Tượng thờ Cô Đôi Thượng Ngàn tại đền Bồng Lai (Nho Quan, Ninh Bình).

Tương truyền cô giỏi thơ văn, nên biết bao kẻ sĩ mến phục, ngưỡng mộ Cô. Cô Đôi Thượng Ngàn cũng là người cai quản kho lộc núi rừng, người đời gửi gắm tâm thành, phụng thờ cô cũng sẽ được ban tài lộc. Tuy nhiên, vô phép vô thiên, có nợ không trả sẽ bị Cô quở và bắt đền nặng hơn.

Khắp mười tám cửa rừng, tiếng tăm Cô trải dài. Nhiều người biết đến, kính cẩn, thờ phụng Cô. Trong đại lễ tưởng nhớ, người ta thường mặc áo cánh xanh, quần đen, đầu vấn khăn vành dây kết hoa để chứng lễ. 

Thượng Bồng Lai Cổ Linh Từ

Có câu thơ rằng: 

"Non sông nào phải cao sâu,

Có rồng tiên ngự thì đâu cũng thần."

Thượng Bồng Lai Cổ Linh Từ ý chỉ 2 ngôi đền bao gồm Thượng Bồng Lai Cổ Linh Từ (đền Bồng Lai Nho Quan) và Đền Thượng Bồng Lai Cao Phong (đền Bồng Lai Cao Phong Hòa Bình).

Là vùng sơn cước hẻo lánh, nhưng là nơi Cô Đôi Thượng Ngàn giáng sinh và hóa kiếp nên để tưởng nhớ công ơn của cô, người đời lập đền Bồng Lai ở huyện Nho Quan, Ninh Bình thờ nơi cô giáng sinh phàm trần. Còn ở Mường Thàng (huyện Cao Phong, Hòa Bình hiện nay), người dân lập đền thờ Cô trong động Thiên Thai, dưới chân núi Đầu Rồng. Đó là nơi cô có cơ duyên hội ngộ Thánh Mẫu Thượng Ngàn và cũng là nơi cô hóa.

Đền Thượng Bồng Lai Nho Quan -  Ninh Bình

Đền Bồng Lai thứ nhất tọa lạc tại thôn Bồng Lai, xã Văn Phương, huyện Nho Quan, Ninh Bình. Nơi đây gắn liền với sự tích giáng sinh của Cô. Ngôi đền tại đây có tên cổ là Đền Thượng Bồng Lai Cổ Linh Từ. Đây chính là ngôi đền vừa có bạch xà xuất hiện vào ngày 11/3 vừa qua.

Đền Bồng Lai được xây dựng từ thời Trần, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của thời gian. Xưa kia, đền Bồng Lai nhỏ nhưng khang trang. Sau giải phóng, chịu ảnh hưởng của phong trào chống mê tín dị đoan khi đó, đền bị phá bỏ. Chỉ còn lại phế tích là một lư hương và một sắc phong của vua Khải Định. Những đồ tế tự khác đều bị đốt bỏ hoặc thất lạc.

Dân chúng bí mật dựng lên một ngôi miếu nhỏ để tiếp tục phát tâm thờ phụng Cô Đôi Thượng Ngàn. Một lần nữa, dường như duyên chưa tới, ngôi đền lại bị phá bỏ. Phải đến năm 2006, dân làng Bồng Lai mời người về chủ trì tôn tạo, đền mới được như hiện nay. Đến năm 2015, cổng Tam quan mới được xây dựng. 

Về Thượng Bồng Lai Cổ Linh Từ tìm hiểu thần tích Cô Đôi Thượng Ngàn, nơi nhiều lần xuất hiện "bạch xà" linh thiêng - Ảnh 5.

Bí tích dân gian thì nhiều, trải qua "bia miệng" cũng thêm thắt nhiều chi tiết kỳ lạ. Tuy nhiên, những câu chuyện bí ẩn mang màu sắc tâm linh tại ngôi đền Bồng Lai này đều bắt nguồn từ những câu chuyện dân gian, truyền miệng nhiều đời nay. Người dân địa phương, không ai là không biết. 

Nổi bật trong đó là câu chuyện dưới đây.

Vào những năm 60 của thế kỷ XX, sau khi ngôi đền bị phá, có một gia đình đông con. Nhà ấy có 11 người con, duy chỉ có người con út là con trai. Có thể nhiều người không biết, ở nhiều vùng quê, cây duối thường được trồng trước cổng đền chùa, miếu mạo. Người ta cho rằng, đây là nơi ở của Thần Xà. Cậu con út vô tình chặt một cây duối cổ phía sau ngôi đền về làm củi đun. Nhưng chưa kịp mang củi về nhà, cậu bé lăn ra trúng gió, khi ấy cậu 4 tuổi. 

Người nhà vội vàng đưa cậu đi cứu chữa, nhưng không kịp. Về sau người nhà thường xuyên đến đền lễ Cô như một sự ăn năn, hối lỗi muộn màng. Chẳng biết đó có phải sự trách phạt của Cô hay đó là chuyện tình cờ, nhưng bố mẹ của cậu con trai đã mất đến tuổi 90 vẫn khỏe mạnh. Những người con còn lại thì ăn nên làm ra. 

Người ta truyền tai nhau rằng, có lỗi thì Cô quở, nhưng biết chuyển tâm hồi dạ thì Cô thương.

Về Thượng Bồng Lai Cổ Linh Từ tìm hiểu thần tích Cô Đôi Thượng Ngàn, nơi nhiều lần xuất hiện "bạch xà" linh thiêng - Ảnh 6.

Cũng theo các cụ cao niên kể lại, hồi đền bị dỡ bỏ, nhiều người liền tới lấy gạch ngói về nhà dùng, sau đó bị "Cô quở". Phàm những ai đã lấy đồ ở đền, gia đình không lục đục thì cũng có người mang bệnh tật hoặc gặp tai ương...

Rồi lại thêm chuyện ngôi miếu - được dựng bằng cỏ gianh để thờ tạm khi đền bị phá bỏ. Có người đến đốt nhưng không cháy nổi, dù cỏ gianh dễ bén lửa đến vậy. Sau vì mở rộng đất canh tác, hợp tác xã mang cả xe đến ủi miếu nhưng cứ đến gần là chết máy, cuối cùng đành bỏ cuộc. 

Tất nhiên, đúng sai đến đâu còn do miệng đời, lời dân gian. Người thì bảo là trùng hợp ngẫu nhiên, kẻ lại tin là Cô ngăn cản. Nhưng dù có thế nào đi nữa thì vẫn có một sự thật không thể chối cãi, đó là ngôi miếu vẫn không bị phá bỏ dù trải qua bao thăng trầm, đổi thay.

Về sau, miếu được dân làng cải tạo lại, đồng thời mời một thầy có tâm đức về làm thủ nhang, lo liệu chuyện thờ phụng.

Lúc bấy giờ giữa dân làng xảy ra tranh cãi gay gắt, bởi thầy thủ nhang được mời về không phải người địa phương. Nhiều người đứng lên phản đối kịch liệt, trong đó có một cụ ông. Người mà ngay đêm hôm đó sau khi đi họp làng về, người dân kể lại cụ ra vườn không may đưa chân vào dây điện bẫy chuột mà bị giật, qua đời đột ngột. 

Đây cũng có thể chỉ là chuyện ngẫu nhiên, nhưng những người vốn tin vào sự linh thiêng của Cô Đôi Thượng Ngàn lại có suy nghĩ khác.

Thượng Bồng Lai Cổ Linh Từ tuy nhỏ nhưng linh thiêng, không hào nhoáng tráng lệ nhưng ấm cúng và tràn đầy năng lượng tâm linh trong lành. Đền nằm cạnh một cánh đồng bát ngát, tựa lưng vào dãy núi trùng trùng điệp điệp. Nơi này được cụ Tả Oai - một nhà phong thủy lỗi lạc đánh giá là địa linh. Cùng với 3 đền chùa khác quanh vùng tạo nên Hoa Lư Tứ Trấn - bao bọc cho mảnh đất cố đô linh thiêng.

Đền Thượng Bồng Lai Cao Phong

Vùng đất cổ Mường Thàng xưa kia cũng được coi là nơi giàu địa khí. Từ nhiều đời, người Mường truyền tụng câu nói "Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động". Câu này ý nói về 4 vùng Mường xưa kia của Hưng Hóa. Mường Bi nay là huyện Tân Lạc, Mường Vang nay là huyện Lạc Sơn, Mường Thàng nay là huyện Cao Phong, Mường Động nay là huyện Kim Bôi. 

Vùng Mường Thàng trong thần tích là nơi Cô Đôi Thượng Ngàn theo cha mẹ đến sinh sống khi còn là con gái của quan lang họ Hà. Là một trong bốn mường lớn, trù phú bậc nhất Hòa Bình, nơi đây cũng tọa lạc ngôi đền thiêng thờ phụng Cô Đôi Thượng Ngàn. 

Đền Thượng Bồng Lai tọa lạc dưới chân núi Đầu Rồng, thuộc thị trấn Cao Phong, Hòa Bình. Ngôi đền được xây dựng khá sớm, vào năm 1890 và được tu bổ khang trang, đẹp đẽ vào năm 2013. Một vùng rộng lớn khoảng 5000m2, dưới núi rừng Tây Bắc, đền Bồng Lai đích thực là nơi tiên cảnh, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo du khách thập phương.

Nơi đây cũng lưu giữ một vài cổ vật có giá trị như hai sắc phong các đời vua và chiếc chuông cổ từ đời vua Thành Thái (1889 - 1907). Tựa sơn hướng thủy, không gian trong lành, mát lạnh như thể chốn thiên thai khiến nơi đây tràn ngập năng lượng huyền ảo, màu nhiệm.

Nằm trong quần thể thắng cảnh tại núi Đầu Rồng, đền Bồng Lai đã phát huy mạnh mẽ giá trị là không gian tâm linh cho những người đến dâng hương bái phụng Cô Đôi Thượng Ngàn. Nếu mảnh đất Nho Quan xưa là nơi giáng trần của Cô Đôi Thượng Ngàn thì vùng Mường Thàng cổ lại là cơ duyên hạnh ngộ của Cô với Bà Chúa Thượng Ngàn, và cũng là nơi cô hóa.

Hòa vào dòng người trở về nơi đây chiêm bái Cô Đôi Thượng Ngàn, du khách không chỉ được sống trong không gian thanh tịnh, linh thiêng mà còn được cảm nhận vẻ đẹp của tạo hóa đã ban cho mảnh đất cổ Mường Thàng này.

Những triền đá cheo leo dẫn tới hang động chứa đầy những nhũ đá lấp lánh. Cùng với Hoa Sơn Thạch, Động Không Đáy,... nằm phủ dưới chân núi Đầu Rồng thực sự khiến du khách phải ngẩn ngơ ngắm không quên được vẻ đẹp của núi rừng u linh Cao Phong.

Một nơi sinh thành, một nơi hóa kiếp - hai nơi ấy đều là chốn bồng lai, để người đi kẻ ở đều tạc trong mình những câu chuyện huyền tích đầy màu sắc tâm linh về Cô Đôi Thượng Ngàn, vị tiên nữ giàu lòng nhân ái luôn dang tay cứu giúp người dân.

Chia sẻ