Hiện tượng máu đông gây chết tế bào não nguy hiểm ở người trẻ tuổi nhiễm Covid-19: Bác sĩ Mỹ cảnh báo điều không thể lơ là
Theo ghi nhận của các bác sĩ Mỹ, virus SARS- CoV-2 có khả năng gây ra đột quỵ ở người trưởng thành trong độ tuổi 30- 40 và nhiễm COVID-19 ở thể nhẹ.
Bác sĩ Thomas Oxley, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh tại Hệ thống y tế Mount Sinai ở New York đã công bố chi tiết bệnh trạng về 5 bệnh nhân họ đang điều trị. Tất cả các bệnh nhân đều dưới 50 tuổi, có triệu chứng nhiễm Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng nào.
"Virus corona dường như đang làm tăng tình trạng đông máu tại các mạch máu lớn. Điều này dẫn đến các cơn đột quỵ nghiêm trọng. Báo cáo của chúng tôi cho thấy trong hai tuần gần đây số lượng các ca đột quỵ ở bệnh nhân trẻ tăng gấp 7 lần. Hầu hết những bệnh nhân này đều không có tiền sử bệnh lý", bác sỹ Oxley chia sẻ với hãng tin CNN.
“Tất cả đều có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Hai bệnh nhân đã chần chừ không muốn gọi xe cứu thương", ông Oxley nói.
Nhiều bác sĩ cũng đã ghi nhận các bệnh nhân không muốn gọi dịch vụ cấp cứu 911 hoặc đến các phòng cấp cứu vì sợ lây nhiễm COVID-19. Hiện tượng những người trẻ tuổi có các cơn đột quỵ, đặc biệt xảy ra trong các mạch lớn trong não, là điều hiếm gặp. "Trong một năm trước, chúng tôi mỗi tháng điều trị cho chưa đến 2 bệnh nhân, dưới 50 tuổi bị đột quỵ ở động mạch lớn", thông tin từ lá thư của nhóm bác sỹ được công bố trên Tạp chí y khoa New England cho biết.
Đột quỵ trong một mạch máu lớn sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe nếu bệnh nhân không được chữa trị ngay lập tức. Ít nhất một bệnh nhân đã tử vong và những người khác đang chữa trị tại các cơ sở phục hồi chức năng, phòng chăm sóc tích cực hoặc phòng chăm sóc bệnh nhân đột quỵ.
Theo ông Oxley, một bệnh nhân đã xuất viện về nhà nhưng vẫn cần chăm sóc tích cực. "Một người khỏe mạnh trải qua các cơn đột quỵ tại các mạch máu lớn sẽ thấy sức khỏe giảm sút đáng kể. Mạch máu lớn bao gồm một trong những động mạch lớn nhất trong não", ông Oxley nói.
Các tế bào não sẽ chết khi không nhận được chất dinh dưỡng từ máu mang tới. Thời gian mạch máu bị tắc nghẽn càng lâu thì khu vực tổn thương trong não càng rộng. Do đó, tốc độ cấp cứu là yếu tố sống còn trong các trường hợp đột quỵ. "Điều trị hiệu quả nhất cho các trường hợp đột quỵ mạch máu lớn là lấy cục máu đông ra khỏi não. Tuy nhiên, phẫu thuật này phải được thực hiện trong vòng 6 giờ, và một số trường hợp có thể trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra cơn đột quỵ", ông nói thêm.
Nhóm bác sỹ Oxley mong muốn nhắn nhủ tới mọi người hãy theo dõi các triệu chứng nhiễm virus corona và gọi dịch vụ cấp cứu ngay nếu thấy mình có dấu hiệu đột quỵ.
"Cho đến nay, mọi người được khuyên chỉ nên gọi xe cứu thương trong tình trạng khó thở hoặc sốt cao mà thôi", ông Oxley nói.
Các bước cần làm được bác sỹ Oxley tổng hợp lại thành chữ FAST trong đó, F: úp mặt xuống đất; A: tay yếu mỏi; S: khó nói chuyện và T: cho thời gian gọi dịch vụ cấp cứu.