"Hiện tượng" cưới ồ ạt sau dịch: Nỗi niềm của những cặp dâu - rể phải hoãn đến bao nhiêu lần không nhớ nổi và loạt tiết lộ khó tin
Có những cặp đôi họ đặt từ trước khi bùng dịch 80 mâm cỗ nhưng cuối cùng giờ chỉ còn 20 mâm với tiêu chí "cưới cho xong".
Bão cưới sau dịch - Nghe có vẻ khó tin nhưng sự thật là như thế. Lượn 1 vòng quanh MXH hay các tụ điểm, phim trường mới thấy các cặp đôi đang tranh thủ thời điểm tạm bình yên này để tổ chức việc trọng đại.
Đã lâu lắm rồi dân tình không được mắt chữ O miệng chữ A chiêm ngưỡng 1 siêu đám cưới, album tiền tỷ hay dàn xe sang xếp hàng dài chờ đón dâu ở 1 địa phương nào đó. Nhưng không khí mùa cưới năm nay không kém phần rộn ràng và cực kì đặc biệt.
Cô dâu chú rể: "Không cưới luôn bây giờ thì chờ đến bao giờ"
Câu chuyện hài hước đến đáng thương của cô dâu vừa tròn 27 tuổi (tuổi khá "nhừ" so với KPI lấy chồng mà bậc phụ huynh đặt ra)
Phương Huệ cho biết mình đã phải hoãn cưới mấy lần không nhớ nổi nên lần này cô quyết "thế nào cũng phải cưới, không cần tổ chức to".
"Các cụ đi xem ngày xong thì giãn cách, cứ bảo chờ hết 14 ngày xem sao. Rồi đợt 2, đợt 3 giãn cách, mình hoãn cưới lần 1. Lại chọn ngày lần 2 thì nhà trai ở giáp Hà Nam, có dịch, bọn mình hoãn lần 2.
Tiếp tục chọn ngày lần 3 nhưng ngày lần 3 lại cách ngày lần 2 có 1 tuần, Hà Nam cũng chưa hết dịch, rồi giờ mình chẳng nhớ hoãn cưới bao lần nữa. Nên nghe tin quê nhà mình cho tổ chức cưới, xe cộ các tỉnh được đi là nhà mình tổ chức luôn, không đắn đo gì nữa", Huệ chia sẻ.
Vì quá gấp gáp nên mọi khó khăn tăng lên, 2 nhà dâu rể phải quay cuồng chuẩn bị. Huệ cũng xác định không thể tổ chức to, đông vui được nên hết dịch sẽ mời mọi người sau.
Điều thú vị là trước đám cưới vài ngày Huệ mới chính thức gặp bố mẹ chồng tương lai, thậm chí ra mắt kết hợp dạm ngõ luôn.
Huệ cho biết: "Dù có mệt và vất vả chút nhưng vẫn vui. Nhà mình làm đơn giản để thông báo với mọi người thôi. Cứ bảo con gái cả đời mới cưới 1 lần nên phải to tát, mình thì không quan trọng, cưới xin đơn giản mà vợ chồng yêu thương nhau là được".
Ăn hỏi online nhưng ai cũng phấn khởi
Thái Hà (30 tuổi) đã có tin vui sau đợt giãn cách nên việc cưới cũng được thúc đẩy sớm hơn. Cô chia sẻ: "Hôm ấy bố mẹ chồng mình sang chơi thôi ai ngờ ông bà bàn chuyện cưới luôn. Bọn mình không có kế hoạch gì cả. Rồi sau đó phát hiện có bầu nên cũng tiến hành nhanh chóng. Ăn hỏi hôm mùng 6/9 âm mình cũng không về được đành xem các nghi lễ qua màn hình. Xong xuôi mẹ mình gọi điện báo 'thành công tốt đẹp con ạ'. Đúng là ngày cưới đáng nhớ!".
Vì vợ chồng Hà công tác trên Hà Nội nên nhận được sự hỗ trợ và quan tâm của 2 bên gia đình. Cô cho biết mình không phải lo lắng gì nhiều về khâu chuẩn bị và tổ chức.
Xác định cưới trong lúc này sẽ phải đãi cỗ thêm 4 lần ở 4 quê nữa vì dịch không dám mời nhiều
Trung Thành - 31 tuổi hiện đang sinh sống ở Nam Định, nơi mới phát hiện nhiều ca f0 cho biết: "Mình đi tham khảo các trung tâm tiệc cưới mà đâu cũng kín lịch hết, giá cả thì không tăng. Phường không cho tổ chức rộng và khách mời cũng phải từ vùng xanh, khai báo y tế. Nhà gái tổ chức tiệc trà còn nhà mình vẫn đặt cỗ ngoài nhà hàng. Đợi dịch êm lại về quê báo hỷ sau, nói chung vất vả gấp 2 bình thường nhưng năm nay được tuổi nên vẫn cưới".
Thành cũng xác định phải ăn cưới hơn 1 tháng vì sau dịch sẽ mất 4 chủ nhật về 4 quê nội ngoại 2 bên gia đình để đãi khách.
Các đơn vị tổ chức cưới: "Lúc ăn không hết lúc lần không ra"
Từ trung tâm tổ chức tiệc cưới, studio cho đến các khâu cung cấp cho 1 đám cưới đều bận rộn ở thời điểm này.
Studio ảnh cưới ở Hà Nội: Không chụp ngoại tỉnh nhưng vẫn phải hoạt động hết công suất
Anh Cường - chủ studio có tiếng ở Hà Nội cho biết: "Tình hình các đôi khách chụp ảnh cưới cũng dồn dập, có những đôi book xong chụp ngay nên ekip hoạt động hết công suất bất kể trời mưa hay rét.
Ekip phải hoạt động liên tục nhưng vẫn cố gắng đảm bảo quy định mùa dịch (Ảnh: Nupakachi)
Vì vẫn chưa hết hẳn dịch nên bên mình tuân thủ 5k, không tiếp nhiều khách ở các cửa hàng. Khó khăn hiện tại thì chủ yếu cũng vì cam kết an toàn mùa dịch, đôi khi lịch tư vấn cũng dày, khách tới không book trước thì có khả năng bên mình phải hẹn lịch khác. Còn các hợp đồng cũ cũng nhiều. Các hợp đồng mới khách tranh thủ hết dịch cưới gấp nên bên mình làm việc liên tục để đáp ứng nhu cầu khách. Các gói chụp studio khách chấp nhận chụp rất sớm hay trễ muộn bên mình đều cố gắng phục vụ và đảm bảo chất lượng đầu ra".
Clip hậu trường chụp ảnh cưới ở Hà Nội (Nguồn: Nupakachi)
Theo anh Cường, team anh sẽ tư vấn cho các cặp đôi chọn phim trường và những nơi trong Hà Nội để bảo đảm an toàn. Hơn nữa cô dâu chú rể cũng chọn trang phục tối giản, không quá cầu kì để bộ ảnh được nhanh gọn mà vẫn đẹp tự nhiên.
Đơn vị tổ chức tiệc cưới kiêm dịch vụ quay phim, chụp ảnh ở Hải Phòng: Vẫn có những khách book gói cả tỷ
Anh Huy cho biết, Hải Phòng cũng là nơi thực hiện giãn cách do dịch nhưng không khí hiện tại rất nô nức. Anh liên tục full lịch và oái oăm là khách luôn yêu cầu "phải là anh đích thân chụp".
"Các bạn trẻ cưới hỏi rất đông do các lý do về tuổi tác, trì hoãn, bầu bí... Bên mình nhận được rất nhiều đơn đặt bắt đầu từ đầu tháng 9 âm cho tới tháng 10 âm là thời điểm khá dồn dập. Về giá cả có nhiều đơn vị tăng nhẹ, thậm chí nhiều đơn vị vào các ngày đẹp giá tăng cao do nắm bắt được tâm lý các khách hàng.
Năm nay thấy số lượng ngày đẹp không dàn trải ra nhiều nên dịch vụ có những ngày bị dồn phát sinh ra nhiều bất lợi về chi phí cho các cô dâu, chú rể. 1 phần kinh tế bị bóp, 1 phần do các bạn vẫn e dè do dịch bệnh nên không dám làm to. Nhưng vẫn có những cặp chịu chơi chi con số không nhỏ dù khách mời ít, ăn cỗ cũng phải ngồi giãn cách và thực hiện 5k.
Ekip đi làm trong giai đoạn này cũng khá vất vả nhưng đều vui vì cuộc sống đã ổn định trở lại. Có những cặp đôi họ đặt từ trước khi bùng dịch 80 mâm cỗ nhưng cuối cùng giờ chỉ còn 20 mâm với tiêu chí "cưới cho xong".
Anh Huy trải lòng: "Mình rất ấn tượng với cô dâu tên Trang, mỗi lần gọi cho mình là bạn ấy sụt sịt, bầu to rồi mà cứ định tổ chức thì Hải Phòng lại cấm và lần này thì hi vọng bạn ấy sẽ được làm sau 4 lần cấm từ đầu năm. Mặc dù lần này bạn ấy đặt lịch vào những ngày rất nóng nhưng ekip vẫn cố gắng sắp xếp vì khá thương cho hoàn cảnh và mong mỏi của cô dâu".
Chủ cửa hàng hoa tươi kiêm chụp ảnh cưới ở Thái Bình: Liều lĩnh mở cửa hàng đúng mùa dịch ai ngờ làm mỏi tay vì dâu rể cưới gấp
Từng thừa nhận "ngồi chơi mòn mỏi chờ mãi mới hết ngày" nhưng thời điểm hiện tại Thọ Hoàng - chủ cửa hàng hoa tươi chuyên phục vụ các đám cưới ở Thái Bình phải làm đến 15 tiếng 1 ngày.
Xuất phát điểm của anh là photographer tự do nhưng anh vẫn ấp ủ ý định kết hợp hoa cưới.
"Xu hướng chỗ mình là các đám cưới thường dùng hầu hết là hoa tươi. Mỗi nơi sẽ có 1 gu riêng nhưng đa phần cô dâu chú rể đến đặt sẽ nhờ mình tư vấn theo gói. Giá cả không tăng nhiều vì sau dịch ai cũng khó khăn mà.
Chắc do tranh thủ cưới không hết năm và sợ địa phương lại có dịch nên khách hàng cũng không yêu cầu nhiều, đa phần họ muốn làm nhanh gọn. Cũng có nhiều cặp thích cầu kì thì ekip sẽ vẫn đầu tư ra biển chụp. May mắn là khách hàng nào của mình cũng hài lòng vì tâm lý cưới nhanh kẻo dịch".