Tư vấn sức khỏe sinh sản:

Hẹp cổ tử cung - một nguyên nhân gây khó thụ thai

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Khi bị hẹp cổ tử cung, người phụ nữ sẽ chậm có thai, thậm chí khó có thai vì tinh trùng bị cản trở không thể di chuyển vào buồng tử cung gặp trứng để thụ thai.

Thưa bác sĩ, em đã lấy chồng được 8 tháng nhưng vẫn chưa có em bé. Sau khi kết hôn, vợ chồng em đã rất khó khăn mới có thể "động phòng" được vì em cảm thấy rất đau mỗi lần "quan hệ". Sau này cũng vậy, nhiều lần "quan hệ", em cảm thấy rất khó chịu. Em không biết đó có phải là do em bị hẹp cổ tử cung hay không. Bác sĩ cho em hỏi bệnh hẹp cổ tử cung là do bẩm sinh hay là do nguyên nhân khác gây ra, làm sao để biết mình bị hẹp cổ tử cung? Nếu bị bệnh này thì sau này có thể mang thai được không? Em xin cảm ơn bác sĩ! (Thu Hường)

BS. Hoa Hồng tư vấn:

Bạn Thu Hường thân mến,

Qua những mô tả của bạn và những triệu chứng như bạn gặp phải thì chưa thể kết luận bạn bị hẹp cổ tử cung hay không. Việc gặp khó khăn khi "quan hệ" về sau này có thể do tâm lý của bạn gây ra hoặc cũng có thể do bạn đang mắc bệnh phụ khoa nào đó khiến bạn có cảm giác đau, rát, "khô hạn" khi "quan hệ"...

Hẹp cổ tử cung là một bệnh do bẩm sinh nhưng cũng có thể là do viêm, dính sau hút nạo thai, sau khi làm thủ thuật có liên quan đến cổ tử cung, tử cung, polyp cổ tử cung… gây ra. 

Hẹp cổ tử cung - một nguyên nhân gây khó thụ thai 1
Khi bị hẹp cổ tử cung, người phụ nữ sẽ chậm có thai, thậm chí khó có thai. Ảnh minh họa

Những người bị hẹp tử cung thường bị đau bụng trong kì kinh nguyệt. Họ cũng có thể gặp tình trạng chảy máu bất thường hoặc không có kinh nguyệt (vô kinh). Những người phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh cũng có thể vô tình bị hẹp cổ tử cung cho dù họ không thấy bất kì triệu chứng nào. 

Khi bị hẹp cổ tử cung, người phụ nữ sẽ chậm có thai, thậm chí khó có thai vì tinh trùng bị cản trở không thể di chuyển vào buồng tử cung và đến vòi trứng để gặp trứng được.

Để biết chính xác mình có bị hẹp cổ tử cung hay không, bạn cần đi khám phụ khoa. Các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra phụ khoa hoặc đề nghị bạn làm các xét nghiệm cần thiết như Papanilaou hoặc thử nghiệm pap, cổ tử cung tế bào học, và sinh thiết nội mạc tử cung để biết chính xác nhất tình trạng tử cung và cổ tử cung của bạn.

Bạn đừng quá lo lắng vì rất nhiều cặp vợ chồng sau 8 tháng kết hôn vẫn chưa thụ thai giống như vợ chồng bạn. Nếu sau một năm có quan hệ tình dục thường xuyên, không dùng biện pháp bảo vệ mà không có thai thì bạn mới phải lo lắng đến nguy cơ hiếm muộn và vô sinh. Để nhanh có em bé, bạn nên chú ý hơn đến sinh hoạt hàng ngày của mình, bao gồm cả ăn uống, vận động, lối sống...

Nếu tình trạng khó chịu trong quan hệ tình dục vẫn diễn ra thì bạn nên đi khám phụ khoa sớm ở các bệnh viện chuyên khoa hoặc khoa sản của các viện có uy tín để biết được nguyên nhân do đâu và điều trị kịp thời.

Chúc vợ chồng bạn sớm có tin vui!

Nếu bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe tâm sinh lý giới tính cần được tư vấn xin gửi về email:suckhoe@afamily.vn




Vô sinh vì chủ quan, biết mà không phòng tránh
Hẹp cổ tử cung - một nguyên nhân gây khó thụ thai 2
Chia sẻ