Hãy ghim ngay 4 cách phân biệt MỰC TƯƠI chuẩn với MỰC NGÂM HÓA CHẤT nếu chị em không muốn rước bệnh vào người!
Team mê mực nói riêng và hải sản nói chung nhất định phải "nằm lòng" cách phân biệt mực tươi với mực bị ngâm hóa chất.
Có thể chị em đã biết tin tức này, hoặc chưa: Vài ngày trước (12/5), chương trình Chuyển động 24H của VTV đã đưa tin một cửa hàng chuyên bán hải sản ở chợ Long Biên (Hà Nội) dùng thuốc tẩy trắng để "hô biến" mực ôi thiu thành những chú mực trắng phau.
Cả tấn mực ngâm hóa chất đã bị bán ra thị trường trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Chỉ cần nghĩ thôi đã thấy rùng cả mình!
Chính vì thế, trong bài viết này, chúng tôi sẽ mách chị em cách phân biệt mực tươi ngon với mực bị ngâm hóa chất. Ghim lại không thừa vì chắc chắn chẳng ai trong chúng ta muốn rước bệnh vào người cả!
Cách nhận biết mực đã bị ngâm hóa chất
1. Màu sắc: Mực ngâm hóa chất có màu trắng đục
Yếu tố đầu tiên và cũng dễ nhận thấy nhất để phân biệt mực tươi với mực bị ngâm hóa chất chính là màu sắc: Mực tươi có màu trắng trong, còn mực bị ngâm hóa chất sẽ có màu trắng đục.
2. Túi mực: Khi bị ngâm hóa chất mực sẽ không còn nguyên túi mực
Trước khi "soi" đến túi mực, chị em hãy để ý đến phần râu mực, thân mực và lớp màng bao lấy thân mực.
Với mực tươi: Lớp màng bên ngoài còn nguyên, râu mực gắn chặt lấy thân mực, thân mực có độ cứng nhất định, có thể cảm nhận được khi dùng tay bóp nhẹ. Râu mực có màu sắc tươi sáng, ngả hồng. Và mực vẫn còn nguyên túi mực, không bị vỡ.
Với mực đã bị ngâm hóa chất: Sờ vào phần nào của con mực cũng thấy mềm nhũn, thân với râu èo uột và lớp màng gần như không còn, túi mực cũng vậy.
3. Mùi: Khi bị ngâm hóa chất, mực sẽ không có mùi tanh đặc trưng
Hải sản mà lại không có mùi tanh và mằn mặn đặc trưng thì hỏng rồi! Mặc dù chúng ta đang trong giai đoạn phải đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhưng nếu đi mua mực, chị em hãy cứ mạnh dạn kéo khẩu trang xuống 1 chút để ngửi xem mực có mùi tanh hay không.
Mực đã bị ngâm hóa chất sẽ không còn giữ được mùi tanh tự nhiên, mà sẽ có mùi lạ của hóa chất, ví dụ như mùi clo hay mùi oxy già.
4. Kết cấu sẽ bị nhão nhoét khi ngâm nước nếu mực tẩm hóa chất
Bước cuối cùng để chị em kiểm tra xem mực mình mua có tươi ngon hay không chính là hãy rửa sạch mực rồi ngâm trong nước lã khoảng 10 phút. Nếu là mực tươi, ngâm xong, bạn vẫn thấy thân mực bóng và có độ cứng nhất định.
Còn với mực đã bị ngâm hóa chất, sau 10 phút ngâm trong nước, khi vớt lên chị em sẽ thấy mực nhũn, nhão nhoét và hơi bở.
Với những thông tin và gợi ý này, hy vọng chị em sẽ không vô tình mua phải mực kém chất lượng hoặc mực bị ngâm hóa chất. Chẳng may mà "vớ" phải mực không tươi, hoặc sau khi kiểm tra hết các yếu tố mà vẫn ngờ ngợ về chất lượng mực, tốt nhất hãy tống tất cả vào sọt rác!
Đừng vì tiếc tiền mà tặc lưỡi mua về ăn, kẻo rước bệnh vào người!