Hành trình 8 năm tìm con của nữ điều dưỡng hiếm muộn do khối u não tấn công
Mắc khối u não gây hiếm muộn kéo dài gần một thập kỷ, chị Hạnh rơi vào bước đường cùng. Bác sĩ Giang Huỳnh Như đã giúp vợ chồng chị làm nên "kỳ tích".
Lập gia đình khi đã lớn tuổi, nên sau khi kết hôn vào tháng 4/2015, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Quốc Hưng và chị Trần Thị Hạnh (SN 1984, TP HCM) luôn mong sớm có con. Thế nhưng sau hơn 1 năm, anh chị vẫn không thể mang thai tự nhiên. Linh tính mách bảo, hai vợ chồng rủ nhau đi khám.
8 năm vất vả tìm con khi chồng gặp vấn đề nang thừng tinh, vợ có khối u não
Anh Hưng chị Hạnh đến khám tại nhiều bệnh viện, phòng khám hiếm muộn tại TP HCM. Kết quả khám ban đầu cho thấy cả hai đều bình thường. Tuy nhiên, nhiều lần bơm tinh trùng vào tử cung (IUI), 2 lần thụ tinh trong ống nghiệm, đều thất bại không rõ nguyên nhân. Cuộc sống của anh chị rơi vào căng thẳng. Mâu thuẫn vợ chồng bắt đầu xuất hiện, ngay cả khi kinh tế của hai vợ chồng đều khá ổn…
Đến năm 2017, chị Hạnh hốt hoảng khi anh Hưng đi khám phát hiện bị giãn tĩnh mạch thừng tinh, phải tiến hành phẫu thuật. Lâu nay chị vẫn nghĩ anh làm trong ngành xây dựng, phải đi nhậu nhiều, thường xuyên xa nhà, hai vợ chồng không sinh hoạt đều đặn nên khó có thai… chứ không nghĩ chồng có vấn đề sức khỏe sinh sản.
Những tưởng đã giải gần xong bài toán khó, đầu năm 2019, trong một lần chụp MRI não tại bệnh viện nơi mình làm việc, chị Hạnh như chết lặng. Đồng nghiệp thông báo chị có khối u tuyến yên - khối u nằm trong hộp sọ. Đây là nguyên nhân khiến chị khó có thai tự nhiên và có thể là nguyên nhân thất bại sau nhiều lần chuyển phôi. Chị gần như gục ngã.
Em bé chào đời sau gần chục năm tìm con của cặp vợ chồng Hưng Hạnh.
Bác sĩ nói khối u não lành tính nhưng tiết hormone Prolactin làm suy giảm lượng hormone sinh dục, ngăn cản sự rụng trứng, cản trở thụ tinh. Người mắc bệnh này cần điều trị nội tiết kéo dài mới có hy vọng tìm con. Chị Hạnh nghe như sét đánh ngang tai, rồi sẽ phải chờ đến khi nào mới có mầm sống được ươm trong cơ thể mình?
Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, với khao khát làm mẹ, chị Hạnh gắng gượng uống thuốc điều trị. Sau 1 năm, chỉ số xét nghiệm nội tiết của chị dần ổn định. Chị lại khấp khởi hy vọng mang thai tự nhiên. Thế nhưng, chị vẫn không thể có con như bao người phụ nữ bình thường khác.
Đau khổ cùng cực, chị quyết định buông tay để chồng có cơ hội đi tìm hạnh phúc mới. Chồng chị phản đối. Cuộc sống hai vợ chồng căng thẳng lên cao khi cảnh nhà thiếu con trẻ, mâu thuẫn vợ chồng và mâu thuẫn giằng xé trong chính nội tâm của chị Hạnh.
“Đi khám chữa vô sinh hiếm muộn nhiều nơi quá nhưng không có kết quả gì, mình cũng không muốn đi nữa, chỉ muốn giải thoát cho chồng dù chồng cho rằng có con cũng được, không có cũng không sao”, chị Hạnh nhớ lại khoảng thời gian tăm tối.
Thương hai vợ chồng có nguy cơ đứt gánh giữa đường, một người họ hàng trấn an rồi động viên hai người cố gắng "còn nước còn tát”.
Sau nhiều lần thuyết phục, hai vợ chồng chị Hạnh quyết tâm đi khám chữa vô sinh hiếm muộn một lần nữa. Chị Hạnh tự nói với chính mình, đây là một lần để chị đánh cược vận mệnh. Nếu không tìm được con, chị sẽ tự giác xách vali ra đi.
Ươm mầm sống từ bao khắc khoải, lo âu của cả hai vợ chồng và bàn tay vàng của bác sĩ
Từ tháng 9/2021, vợ chồng chị Hạnh đến một bệnh viện ở TP HCM để thăm khám, kiểm tra. Đây cũng là lần đầu tiên nữ điều dưỡng được trút bỏ mọi tâm sự muộn phiền cùng bác sĩ trong phòng khám riêng tư, kín đáo.
ThS.BS Giang Huỳnh Như - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện nghe chuyện không khỏi thương cảm. BS Như quyết tâm cứu chữa đến cùng cho đồng nghiệp dù áp lực chữa vô sinh hiếm muộn lần này gấp nhiều lần.
“BS Như nói với mình như này: ‘Em làm ngành y thì em cũng không có thời gian đâu. Nếu hôm nào bận quá, em cứ gọi gần trưa. Nếu được thì em tranh thủ xuống, chị khám cho em’. BS Như tạo mọi điều kiện tốt nhất cho mình. Mình nghe bác nói, mỗi câu mỗi từ đều yên tâm hẳn”, chị Hạnh tâm sự.
ThS.BS Giang Huỳnh Như chia sẻ: “Do bệnh tình kéo dài nhiều năm, ở tuổi 38, dù chưa mãn kinh nhưng buồng trứng của chị Hạnh gần như cạn kiệt, đối diện nguy cơ phải xin trứng”.
Nhưng vì tâm huyết giúp đồng nghiệp có thể sinh đứa con của chính mình, BS Như quyết định sử dụng phác đồ kích thích nhẹ buồng trứng. Do số lượng trứng ít, sau nuôi cấy, chỉ vỏn vẹn 2 phôi được tạo thành. Phôi được trữ đông chờ ngày thích hợp nhất để chuyển vào buồng tử cung. Nhưng không may, đến kỳ chuẩn bị chuyển phôi, chị Hạnh lại bị nhiễm nấm âm đạo phải ngưng mấy chu kỳ để trị bệnh.
Rồi sau bao ngày ngóng đợi, chị Hạnh cuối cùng cũng được BS Như tiến hành chuyển phôi vào đầu năm 2022.
"Tôi lo lắng, thấp thỏm suốt 2 tuần sau chuyển phôi, không dám thử que test mà đến thẳng viện xét nghiệm máu", chị Hạnh nhớ lại. Tia hy vọng cuối cùng cũng bừng sáng. Sự xuất hiện của bào thai bé nhỏ làm thay đổi mọi thứ trong gia đình chị.
Khi có kết quả có thai, chị Hạnh cho biết hai vợ chồng mừng hơn trúng số độc đắc. Không còn nhậu nhẹt, đi sớm về khuya, chồng chị gồng gánh hết việc nhà thay vợ. Tình cảm cũng khăng khít trở lại.
Vượt qua khó khăn những ngày đại dịch, dọa sảy… cuối cùng em bé đã chào đời khỏe mạnh
Mang thai vào thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành, số ca mắc mới và tử vong tăng cao mỗi ngày, chị Hạnh vẫn đi làm bình thường, không dám chia sẻ chuyện có bầu vì hiếm muộn đã lâu. Công việc ở bệnh viện giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát nặng nhọc hơn. Khi thai 6 tuần, chị hốt hoảng khi thấy có dấu hiệu dọa sẩy. Cả hai vợ chồng đến ngay bệnh viện cấp cứu. BS Như trực tiếp cho chị sử dụng thuốc để cứu vãn tình thế. Cứ ngỡ mất con, chị Hạnh như lịm đi, mắt trào đẫm lệ. BS Như phải lay người thông báo vẫn còn tim thai, chị mới hoàn hồn.
Sau đợt này, chị quyết định nghỉ việc không lương để dưỡng thai 2 tháng. Lúc này, chị xuất hiện khó thở, phải nhập viện vì viêm phổi nặng. "Được sự chăm sóc của các bác sĩ, hai mẹ con khỏe mạnh lần lượt vượt qua thử thách. Em bé thương mẹ, thương bác sĩ nên đã bám chắc vào tử cung, chờ ngày chào đời", chị Hạnh chia sẻ.
Đến tuần 28, thai kỳ của nữ điều dưỡng tiếp tục thử thách khi kết quả siêu âm 4D cho thấy não em bé to bất thường, nghi ngờ mắc dị tật. Chị phải chụp MRI thai nhi kiểm tra, may mắn, kết quả bình thường.
Tuần 36, cổ tử cung thai phụ có dấu hiệu tụt và mở 1cm. Dấu hiệu dọa sinh non, bác sĩ yêu cầu chị Hạnh nghỉ dưỡng thai hoàn toàn vì công việc áp lực có thể khó nuôi con đủ ngày đủ tháng. Người mẹ vâng lời bác sĩ. Lần thứ 2 chị nộp đơn xin nghỉ để giữ con. Thương chị hiếm muộn đã lâu cùng hành trình tìm con vất vả, lãnh đạo cũng tạo điều kiện. Thế rồi em bé cũng chịu nằm yên trong bụng đến 39 tuần thì được mổ lấy thai.
Nhớ lại khoảnh khắc bế con trên tay, chị Hạnh không khỏi xúc động. 16 năm là điều dưỡng, chị rất khéo trong việc chăm sóc bệnh nhân. Nhưng khi con trai chào đời, đôi tay người mẹ ấy lại lóng ngóng, vụng về học cách bế.
"Tôi đã chờ 8 năm để được làm mẹ nhưng khi con đến rồi lại rất run. Để có cuộc hội ngộ diệu kỳ, tôi nhớ công ơn lớn lao của các bác sĩ luôn yêu thương đùm bọc, giúp đỡ tận tình. Nếu không gặp đúng các bác sĩ, có lẽ tôi đã từ bỏ và một mình rời xa tổ ấm", bà mẹ 1 con nói trong niềm hạnh phúc vô bờ.