Hạnh phúc của người mẹ đón con sau 15 năm đợi chờ, trải 2 lần đò, sinh con một mình vì là "người thứ ba"
15 năm tuổi trẻ trôi qua, chị Chung giờ đây mới được hưởng trọn vẹn thiên chức làm mẹ. Dù có phải sinh con, nuôi con một mình, với chị, thế cũng là đủ hạnh phúc.
Con người sinh ra, đặc biệt với phụ nữ, có ai là không muốn mình được đi một con đường bằng phẳng ít chông gai với tình yêu và sự nghiệp như ý. Nhưng đâu phải sự hoàn hảo lúc nào cũng tìm đến tất cả mọi người, bên cạnh cuộc đời vẫn có những mảnh số phận phải chịu đựng nỗi sầu muộn nhiều đến nỗi lắm khi chẳng biết tỏ cùng ai.
Những năm tháng câm lặng vì bị hiểu lầm là vô sinh
Sinh ra ở vùng đất Nghệ An nắng gió, trải qua nhiều thăng trầm, bôn ba và giờ đây đang định cư ở thành phố Đà Nẵng, chị Vũ Kim Chung quả thực có rất nhiều tâm tư về cuộc sống của chính bản thân. Chị ly hôn với người chồng đầu tiên vì không có con, đến khi gặp người đàn ông thứ hai, được nếm trải hạnh phúc của một hài nhi thì anh lại có vợ con ở quê nhà, chị thành mẹ đơn thân. Thứ duy nhất chị giữ lại cho mình được đến thời điểm này chính là cô con gái hơn 2 tháng tuổi vừa phải trải qua những ngày tháng nằm dài trong bệnh viện vì sinh non.
Chị Vũ Kim Chung đã có những trải lòng về cuộc đời của mình...
... và về hành trình gian nan để được làm mẹ.
Chị Chung sinh năm 1983, khi còn trẻ cũng là một cô gái ưa nhìn, vui vẻ với cuộc đời. 19 tuổi, cái tuổi nhiều người còn mải đèn sách, chị đi lấy chồng. 15 năm tuổi trẻ trôi qua, hơn một nửa thời gian là đau khổ và tủi hờn, bởi những giày vò của người ngoài, cũng như nỗi khát thèm có một mụn con để bế bồng, chăm bẵm. Chị kể, hồi ấy, cưới nhau lâu mà mãi vẫn không có con. Chị thèm nghe tiếng trẻ bi bô, thèm được bận rộn cái bận rộn đầy hạnh phúc của những người nuôi con mọn. Chị cũng buồn lòng bởi những lời gièm pha, sự sốt ruột của những người ngoài cuộc là gia đình chồng của chị, trong đó có mẹ chồng.
Sau 2 năm về chung một nhà với những dày vò cả từ phía người nhà và từ chính trong lòng mình, bởi nỗi buồn không thể sinh con cho chồng, sinh cháu cho mẹ chồng lên chức bà nội, anh chị mới quyết định dẫn nhau đi bệnh viện phụ sản ở Hà Nội để thăm khám. Thời khắc bác sĩ nói rằng chồng chị không thể có khả năng sinh con, chị như chết trân tại chỗ. Biết thì để bụng, chị ôm ấm ức và những điều tiếng một mình trong im lặng, đợi ngày chồng tự lựa lời nói với gia đình anh. Chị không muốn làm anh buồn hay mặc cảm.
Thêm 4 năm nữa trôi qua, cuộc sống của chị Chung vẫn không có gì khá hơn vì tin mừng vẫn chưa đến. Chồng chị cũng đã nói chuyện với cả nhà về chuyện của mình, không khí gia đình có phần dịu đi một chút. Nhưng tất cả những điều đó cũng không thể làm nguôi ngoai đi khát khao làm mẹ cứ ngày ngày cháy bỏng trong tâm trí của chị, khi mà tuổi trẻ cứ thế trôi qua.
Chị Chung lấy người chồng đầu tiên 15 năm trước nhưng trong 2 năm đầu sinh sống, chị đã bị giày vò nhiều vì mãi mà không có con.
"Cuộc sống của mình thời gian đó vẫn cứ im ắng, mẹ chồng mình cũng đã thôi nói những lời cay nghiệt với con dâu. Tuy nhiên, vì kinh tế gia đình khó khăn, mình đi làm thuê, vợ chồng lại nảy sinh nhiều mâu thuẫn không giải quyết được nên bọn mình quyết định ly hôn sau 6 năm chung sống", chị Chung chia sẻ thêm về việc bước ra khỏi nhà chồng với tâm trạng buồn phiền và hoang hoải về những ngày tháng thanh xuân đã qua.
15 năm đợi chờ, khi được làm mẹ thì phát hiện mình là kẻ thứ ba
Có ai đi qua thương nhớ mà quên được nhau, chị Chung cũng phải trải qua quãng thời gian dằn vặt tâm can nhiều lắm sau khi chia tay chồng. Không còn liên lạc với người cũ, chị vào Đà Nẵng sinh sống và làm việc với hy vọng sẽ quên được chuyện đã qua. Tại đây, chị cố ổn định mọi thứ từ tâm trạng cho tới kế sinh nhai. Chuyện yêu đương, chị chẳng dám nghĩ đến vì ngại hạnh phúc không mỉm cười lần nữa. Mọi thứ với chị cứ êm đềm trôi qua, chỉ trừ nỗi khát thèm được có con vẫn âm ỉ, cho đến cách đây 2 năm, chị tình cờ gặp được người đàn ông kém chị 6 tuổi, người chị cảm thấy khá tâm đầu ý hợp.
Chị Chung gặp được người đàn ông thứ hai của cuộc đời mình, cũng là cha của con gái chị bây giờ.
Chị Chung bắt đầu đi lại với người mới và tận hưởng những tháng ngày lâng lâng trong thứ tình cảm được hàn gắn trên vết thương lòng đã mờ thành sẹo. Chị vui vẻ nghĩ rằng hạnh phúc cuối cùng đã mỉm cười, phần vì có một người đàn ông kề bên, phần bởi sau bao nhiêu năm mòn mỏi chờ đợi chị đã mang thai. Đã có lúc chị Chung nghĩ về một đám cưới thứ hai của cuộc đời mình, về lần thứ 2 được khoác áo cô dâu và về những bỡ ngỡ của buổi đầu làm mẹ. Tuy nhiên, số phận lại trớ trêu thêm lần nữa với chị khi chị phát hiện, mình là người thứ ba, người mà phụ nữ nào cũng ghét vì xen vào gia đình người khác. Anh đã có vợ ở quê.
"Mình đã không biết người đó đã có gia đình cho đến khi có con. Nhưng mình cũng không muốn làm to chuyện vì sợ vợ người đó sẽ buồn. Mình có thai người đó cũng biết, mình sinh con người đó cũng vào thăm nhưng chỉ nói vỏn vẹn vài câu sắc lạnh, rằng em và con hãy cố gắng nhé, mọi chuyện rồi sẽ qua thôi. Hiện giờ mình và người đó cũng rất hạn chế liên lạc vì quả thực không muốn mọi chuyện quá phức tạp".
Những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười, chị phát hiện người mà chị đang qua lại đã có vợ con ở quê.
Ngày sinh bé Bảo Ngọc (tên thường gọi là bé Sóc) đến bất ngờ bởi còn chưa đến ngày dự sinh, chị Chung thậm chí còn không kịp sắp xếp đồ đạc cho bé vì nghĩ rằng phải một tháng rưỡi nữa mới phải vào bệnh viện. Khi ấy chị Chung chẳng có ai bên cạnh, một mình vừa đau vừa lê từng bước khó nhọc đi làm thủ tục nhập viện. Nghĩ lại thời khắc đó, chị Chung cũng không khỏi khâm phục chính bản thân mình, tự hỏi tại sao có thể vượt cạn được thành công mà không có ai ở bên.
"Nhà mình bố mẹ anh chị em đều ở xa lại nhiều công việc nên cũng không muốn nhờ vả, cứ một mình lầm lũi làm mọi thứ. Bản thân lần đầu làm mẹ mình vô cùng lo lắng không biết có cáng đáng nổi để nuôi con nữa hay không. Em bé sinh ra nặng có 1,9kg, sức khỏe lại yếu nên phải nằm lồng ấp 2 tuần. Trong 2 tuần đó mình ruột gan như lửa đốt, lúc nào cũng chỉ cầu mong con đừng có mệnh hệ gì", chị Chung chia sẻ.
Bé Bảo Ngọc lúc mới sinh phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt vì sinh non.
Em bé tí ti nhưng sức sống thì mãnh liệt lắm, vì em có mẹ ở bên mà.
Cũng may là cho đến hiện tại, sau hai tháng rưỡi cùng mẹ chiến đấu thì bé Bảo Ngọc đã trộm vía khỏe mạnh hơn, bụ bẫm hơn và thể hiện những nét đáng yêu trên khuôn mặt. Nhìn con gái ngày ngày cười tươi, chị Chung lại chỉ nhủ thầm với bản thân vài câu đơn giản: "Cuộc đời của mình nước mắt nhiều hơn nước mưa nhưng mình sẽ cố gắng làm lại tất cả vì con. 15 năm mòn mỏi chờ đợi cuối cùng cũng đến ngày mẹ được thực hiện thiên chức lớn lao của người phụ nữ. Vì mẹ cô đơn cho nên từ bây giờ hai mẹ con mình từ bây giờ phải tự lo cho nhau thôi. Còn những người đàn ông đã làm cuộc đời mẹ con mình đau khổ, mẹ sẽ ghi nhớ mãi mãi, sau này khi nào con lớn mẹ sẽ kể cho con nghe".
Bé Sóc sẽ là nguồn động lực cho những tháng ngày tiếp theo của chị Chung.
Nhìn bé khôn lớn...
... tươi cười mỗi ngày sẽ tiếp thêm sức mạnh cho mẹ.
"Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày"
Câu thơ người xưa vẫn hát để ví von số phận người phụ nữ bèo dạt mây trôi sao mà đúng đến thế. Con người ta chẳng ai biết trước về mình trong tương lai, đã dấn một bước là cứ thế phải đi mãi và không thể đoán phía đằng xa là vực thẳm hay vườn hồng, là khổ đau hay hạnh phúc. Nhưng dù có như thế nào thì cuộc sống vẫn cứ phải tiếp diễn, con sinh ra vẫn là con của mẹ, dẫu không có bố bên cạnh thì mẹ sẽ dành gấp đôi tình yêu thương để bù đắp những thiệt thòi cho con.
Cầu chúc cho sức khỏe của bé Sóc Bảo Ngọc sẽ nhanh chóng tốt hơn lên, mẹ Chung sẽ ngày càng vững vàng hơn trên đường đời sắp tới và những năm tháng phía trước với hai mẹ con sẽ chỉ ngập trong niềm vui và tiếng cười hạnh phúc thôi nhé.
Chị Chung và bé Sóc sẽ thật hạnh phúc nhé hai mẹ con.