Hạn hán khắp thế giới gióng chuông cảnh báo về nạn đói toàn cầu
Hạn hán đang giết chết cây trồng từ Vành đai nông nghiệp của Mỹ đến lưu vực sông Dương Tử của Trung Quốc, làm dấy lên mối lo ngại về nạn đói toàn cầu và đè nặng lên triển vọng lạm phát.
Hãng Bloomberg đưa tin thế giới đang sốt sắng bổ sung nguồn dự trữ ngũ cốc, vốn đã giảm do gián đoạn thương mại ở Biển Đen và thời tiết không thuận lợi ở một số khu vực trồng trọt chủ chốt.
Hồi chuông cảnh báo mới nhất về tác động của hạn hán phát ra từ vùng Trung Tây nước Mỹ, nơi những cánh đồng ngô khô héo đến nỗi không thể trổ bắp, còn cây đậu tương thì lép hạt. Báo cáo ảm đạm từ tổ chức nông nghiệp Pro Farmer Crop Tour sau khi khảo sát các nông trại ở Mỹ vào tuần trước đã khiến giá ngũ cốc quay trở lại mức cao nhất kể từ tháng 6.
Trong khi hạn hán gây ảnh hưởng ở châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ, triển vọng xuất khẩu của Ukraine, nhà sản xuất ngô và dầu thực vật lớn hàng đầu thế giới, vẫn khó đoán định vì tình hình xung đột.
Cựu chuyên gia kinh tế Joe Glauber tại Bộ Nông nghiệp Mỹ, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, cho biết: “Ngay cả trước khi có báo cáo của chuyến khảo sát vụ mùa, tôi đã lo ngại rằng các kho dữ trự sẽ không thể đầy cho đến năm 2023”. Ông Glauber cho rằng việc các bến cảng của Ukraine được mở cửa trở lại là dấu hiệu đáng hoan nghênh, nhưng khối lượng xuất khẩu vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình thường.
Các thương nhân luôn theo dõi chặt chẽ các dự báo thời tiết, nhưng năm nay họ phải cảnh giác cao độ hơn nữa. Trong khi giá ngô, lúa mì và đậu tương đã hạ nhiệt từ mức cao kỷ lục hoặc gần kỷ lục được thấy vào đầu năm nay, giá kỳ hạn vẫn biến động mạnh. Những bất ngờ về thời tiết xấu từ nay cho đến khi kết thúc vụ mùa thu có thể khiến giá tăng vọt trở lại.
Chỉ số ngũ cốc và đậu tương đang giao dịch cao hơn gần 40% so với mức trung bình 5 năm và chi phí trồng trọt tăng cao là nguyên nhân chính gây ra lạm phát toàn cầu. Hiện tại, tình trạng thiếu lương thực đã dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Sri Lanka vào đầu năm nay, khi quốc gia này cạn kiệt ngoại tệ để thanh toán hàng hóa nhập khẩu.
Chỉ số theo dõi giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) của tháng trước đã giảm so với tháng 6, mặc dù vẫn cao hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Mỹ, ngô là cây trồng chiếm ưu thế nhất và vụ thu hoạch ảm đạm sẽ ảnh hưởng xấu đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, tạo thêm áp lực cho khu vực Nam Mỹ để sản xuất vụ mùa bội thu vào đầu năm tới. Điều đó đặc biệt quan trọng nếu Trung Quốc, quốc gia đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ đầu những năm 1960, buộc phải nhập khẩu nhiều ngũ cốc hơn để nuôi đàn gia súc khổng lồ và tích trữ trong nước.
Sau chuyến khảo sát vụ mùa gần đây, các quan chức ước tính sản lượng của Mỹ sẽ thấp hơn 4% so với dự báo chính thức của chính phủ.
Triển vọng nông nghiệp toàn cầu năm 2023 đang khiến các nhà theo dõi thị trường lo lắng. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, thế giới phải đối mặt với năm thứ ba liên tiếp xảy ra hiện tượng La Nina kéo dài. Hình thái này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán trên khắp nước Mỹ, cũng như gây khô hạn các vùng trồng trọt quan trọng của Brazil và Argentina.
Trong khi đó, giới phân tích cảnh báo rằng tình trạng ấm lên toàn cầu sẽ là lực cản ngày càng gia tăng đối với sản lượng nông nghiệp trong những năm tới.
Theo phân tích sơ bộ của các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Chung của Liên minh châu Âu (EU), khu vực này đang phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm qua. Cây trồng ở EU đang bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, với dự báo năng suất ngô thấp hơn 15% so với mức trung bình 5 năm.
Nhà phân tích thị trường thực phẩm Abdolreza Abbassian cho biết: “Khi giá năng lượng vẫn tiếp tục tăng trong mùa đông tới, thiếu hụt lớn trong nguồn cung ngô đều sẽ gây tác động tiêu cực đến ngành thực phẩm và chăn nuôi”.
Tại Trung Quốc, hạn hán lịch sử đã xảy ra ở các vùng dọc sông Dương Tử và lưu vực Tứ Xuyên, làm ảnh hưởng đến năng suất cây lúa, loại lương thực chính của người dân châu Á.
Diện tịch trồng lúa của Ấn Độ cũng đã giảm 8% trong vụ mùa này vì thiếu mưa ở một số khu vực.
Vốn là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% thị trường toàn cầu, New Delhi đang thảo luận về việc hạn chế xuất khẩu gạo tấm - loại gạo chủ yếu được sử dụng làm thức ăn gia súc hoặc sản xuất ethanol - để đảm bảo nguồn cung trong nước.