Hai ngày cuối năm, dân công sở trông con qua điện thoại

Thu Hà,
Chia sẻ

Lịch nghỉ Tết của học sinh mầm non, tiểu học đã bắt đầu từ ngày hôm nay. Nhưng lịch làm việc của các bậc phụ huynh thì còn 2 ngày nữa. Mấy ngày này, nhiều người phải trông con…qua điện thoại.

Cuống cuồng tìm chỗ gửi con

Không chỉ riêng năm nay, Tết âm lịch năm nào học sinh các cấp cũng đều được nghỉ trước phụ huynh khoảng 2, 3 ngày. Biết trước như vậy, nhưng năm nào các bậc phụ huynh cũng vẫn phải cuống cuồng tìm chỗ gửi con mấy ngày cuối năm.

Chị em nào may mắn có bố mẹ chồng hoặc bố mẹ đẻ ở cùng thành phố nên chuyện gửi con cũng đỡ vất vả hơn. Chị Lan Anh (nhân viên ngân hàng) cho biết: “Bố mẹ chồng cũng ở Hà Nội nên may có chỗ gửi con. Chỉ có điều nhà ông bà nội với nhà mình chẳng khác nào đầu tỉnh cuối tỉnh. Sáng cũng phải dậy từ 5h, chuẩn bị đồ ăn thức uống cho con, rồi bịt con kín mít đem đến ông bà. Chiều lại vượt bao chặng đường tắc để đón con về nhà. Đến khổ, con Bống nhà mình nó không chịu ngủ ở nhà ông bà nội”.

Vừa làm, vừa lo lắng điện thoại về nhà hỏi tình hình con.


Nhiều chị em khác bố mẹ ở quê nên việc tìm chỗ gửi con càng trở nên khó khăn hơn. Chị Như Quỳnh (nhân viên kế toán) thở dài: “Bà trông trẻ ở xóm mình thì nhất định không chịu nhận gửi, kêu Tết bận. Thực ra mình biết bà giận vì hồi đầu năm mình cho cháu đi trẻ, không gửi ở nhà bà nữa. Năn nỉ mãi không được, phải gọi đi khắp nơi xem có nhờ được ai. Cuối cùng tóm được đứa bạn thân đang ở nhà chăm con 4 tháng và nhà có người giúp việc. Cũng ngại nhờ lắm nhưng chẳng biết làm sao”.

Một số chị em đã có hai con nhỏ thì đành để “đứa lớn trông đứa bé” dù trong lòng vẫn nơm nớp không yê. Chị Thùy Dung (nhân viên siêu thị) chia sẻ: “Đứa lớn nhà chị học lớp 3. Đứa thứ hai thì lên 4. Để hai chị em ở nhà trông nhau cũng lo lắm. Bếp gas chị phải khóa cẩn thận. Những vật nhọn, nguy hiểm như dao, kéo phải cất thật kỹ. Đồ ăn đã chuẩn bị sẵn nhưng trưa vẫn phải lao về. Đi làm mà cứ nơm nớp”.

Trông con qua…điện thoại

Tìm được người trông con không có nghĩa là đã yên tâm. Nhiều bậc phụ huynh vẫn vô cùng lo lắng, sốt ruột khi gửi con ở một nơi mới.

Chị Quỳnh Anh (nhân viên văn phòng) cho biết: “Đến văn phòng được 2 tiếng mà chị đã gọi điện về nhà 3 lần rồi. Lúc thì hỏi cháu đã ăn hết xôi sáng chưa? Lúc thì hỏi cháu có ngoan không? Có nghịch, có quấy ông bà không? Đến khổ, cu cậu nhà chị nghịch ngợm lắm. Ông bà lại có tuổi rồi, chỉ sợ không theo nổi cu cậu. Một lát nữa chị lại phải gọi về để dặn bà cho cháu ăn. Có mấy hộp thức ăn, chỉ sợ bà cho nhầm”.

Ông bà trông còn lo lắng là thế, khi để ‘chị trông em’, chị Thùy Dung còn lo lắng gấp nhiều lần: “Con gái chị cũng khá khéo léo, đảm đang, biết trông em lắm. Nhưng vẫn lo chứ. Thằng cu 4 tuổi nhà chị lại khá to lớn. Hai chị em chẳng khác nào con mèo bé tha con chuột to. Sốt hết cả ruột. Giá mà có thể xin nghỉ được, chị đã xin nghỉ rồi. Nãy gọi điện về nhà, con gái lại còn bảo: “Mẹ ơi, mẹ đừng gọi nữa. Con phải trông em”. Rồi nó hét ầm tên thằng cu làm chị giật bắn người. Chắc ở nhà đang có một cuộc chiến chứ chẳng chơi”.

Tương tự như chị Dung, chị Quỳnh Anh, hầu hết các chị em đều chẳng yên tâm khi gửi con đi làm hai ngày nay. Nhiều người cho biết: nếu không phải công việc quá bận rộn thì đã xin nghỉ ở nhà trông con cho yên tâm.

Đem con đến văn phòng

Khi không thể tìm được người trông con, cực chẳng đã, nhiều chị em đành đem con lên văn phòng những ngày cuối năm.

Chị Thu Giang (nhân viên văn phòng) chia sẻ: “Chồng cũng không thể nghỉ. Ông bà nội ngoại lại ở quê cả. Chẳng biết làm thế nào. Mình đành đem con lên văn phòng gửi cô chú bảo vệ trông giúp. Cũng may cô chú nhàn mà dễ tính. Con bé nhà mình cũng ngoan và dễ làm quen”.

Ở một văn phòng khác, chị Lê Vân (nhân viên lễ tân) cuối cùng cũng được sếp đồng ý đưa con đến: “Cuối năm công ty không có khách nên mình mới được đưa con đến. Vả lại con mình cũng 5 tuổi rồi. Cháu biết nghe lời và không làm ồn hay ảnh hưởng đến ai. Năm nào cũng lo chuyện trông con mấy ngày cuối năm mệt mỏi quá. Giá mẹ con cùng nghỉ có phải đỡ bao nhiêu không”.

Chia sẻ