Hà Nội tăng cường các biện pháp thực hiện nghiêm giãn cách xã hội đợt 3, kiên quyết yêu cầu người dân "ai ở đâu ở đó"
UBND TP Hà Nội đã ra Công điện số 19 về việc tăng cường các biện pháp thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19.
Trong 28 ngày thực hiện giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố vẫn đang được kiểm soát. Tuy vậy, bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn những tồn tại, nguy cơ, thách thức đặt ra: Khi lượng người ra đường vẫn đông; Thành phố liên tiếp ghi nhận những ca nhiễm mới trong cộng đồng tại các khu vực nguy cơ cao... tiềm ẩn rủi ro và nguy cơ lớn có thể hình thành những ổ dịch phức tạp, khó kiểm soát...
Trước những tình hình đó, UBND TP yêu cầu người dân và các Sở, ban, ngành:
Tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 06h giờ 00 ngày 06 tháng 9 năm 2021 trên phạm vi toàn Thành phố. Yêu cầu người dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội để phòng chống dịch tại Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, khu phố cách ly với khu phố; thôn xóm cách ly với thôn xóm; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh; kiên quyết yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó" nhằm khống chế sự lây lan, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội.
Đây là thời điểm then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác phòng chống dịch, mỗi người dân Thủ đô là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, thôn, xóm, cơ quan, doanh nghiệp … là một pháo đài chống dịch. Chỉ một hành động chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, có thể phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, an ninh trật tự của Thành phố và sinh kế, sức khỏe, tính mạng của người dân và cộng đồng. Đề nghị mọi người dân và tổ chức, doanh nghiệp chấp hành nghiêm; tham gia đồng hành thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phòng chống dịch của Thành phố.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị của Trung ương và Thành phố; các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn chấp hành nghiêm quy định giãn cách xã hội; siết chặt việc cấp và quản lý giấy đi đường cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, đảm bảo đúng đối tượng và quy định của Thành phố; chịu trách nhiệm trước chính quyền Thành phố và pháp luật trong trường hợp vi phạm quy định nêu trên gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Tiếp tục huy động sự tham gia hiệu quả của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở; đồng thời kêu gọi mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp cùng chia sẻ, đồng hành, nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực hưởng ứng, tham gia phòng chống dịch vì sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng; huy động mọi nguồn lực của xã hội cho công tác phòng, chống dịch để sớm chiến thắng dịch bệnh, đảm bảo an toàn, bền vững cho Thủ đô, đất nước.
Siết chặt công tác quản lý phòng chống dịch tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích… nhất là trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, ngày cuối tuần. Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ di biến động của người dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn...
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh việc triển khai các chính sách an sinh xã hội để kịp thời hỗ trợ Nhân dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn; kiểm tra đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Thành phố tại các địa phương; tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục tạo thuận lợi cho người dân; đề xuất bổ sung kịp thời các chính sách phù hợp đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Công an Thành phố xử lý nghiêm các đối tượng đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật về công tác chỉ đạo điều hành và tình hình dịch bệnh; tổ chức vận hành hiệu quả Tổng đài 1022 tiếp nhận, giải đáp các kiến nghị và phản ánh, tư vấn liên quan trong công tác phòng, chống dịch theo khung thời gian 24/7 và chuyển các cơ quan đơn vị kịp thời xử lý.
Chỉ đạo tổ chức truy vết bảo đảm không để sót đối tượng nguy cơ cao (F1) theo đặc thù dịch tễ của biến chủng mới.
Nâng cao năng lực xét nghiệm, tổ chức xét nghiệm diện rộng và xét nghiệm theo kế hoạch đảm bảo an toàn, chính xác và trả mẫu trong 12 giờ với các đối tượng nguy cơ cao (F1) và trong 24 giờ với các mẫu còn lại.
Đảm bảo khả năng thu dung điều trị 30.000 F0; triển khai phương án đáp ứng điều trị y tế gồm: Nhân lực y tế, oxy y tế, các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết... Tổ chức các tầng điều trị phù hợp, hiệu quả để giảm thiểu các trường hợp chuyển nặng và tử vong. Bố trí năng lực phù hợp với điều kiện của từng khu vực, từng tầng điều trị đảm bảo khả năng chống dịch lâu dài.
Tiếp tục nâng cao năng lực các dây chuyền tiêm với sự tham gia của các bệnh viện Trung ương và y tế tư nhân; sẵn sàng tổ chức tiêm quy mô lớn, đảm bảo an toàn ngay khi tiếp nhận thêm vắc xin. Hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tiêm vắc xin nhanh, an toàn, hiệu quả. Phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông hướng dẫn người dân sử dụng phần mềm tiêm chủng, chủ động chuẩn bị, khai báo các thông tin đầy đủ trước khi đi tiêm.