Tản văn

Hà Nội - phố trong làng, làng trong phố

,
Chia sẻ

Một chiều Hà Nội, dạo quanh Hồ Tây tìm nhà cô bạn học cũ, nhớ mang máng nhà ở làng Đông, cứ loanh quanh hỏi mãi, hóa ra bây giờ nó thuộc phố Thụy Khuê gần nhà mình…

Gọi nó là Phố thì tiếc cái cổng làng, cái mái đình, mái chùa cổ kính hiện hữu ở nơi đây. Nếp sống láng giềng gần gũi, một số lễ hội và nghề truyền thống, thậm chí vài thói xấu “quê quê” hay những dòng tộc dây mơ rễ má chằng chịt còn tồn tại. Nó vẫn ôm trong mình những dấu tích để minh chứng cho một nền văn hóa bền vững đến lạ lùng. Gọi là Làng thì cũ quá, vì đường bê tông trải nhựa vào tận cửa nhà, Karaoke có rồi, “thôn nữ” thì mặc váy ngắn, áo cộc đi xe máy ầm ầm, nông dân còn hiếm hơn giáo sư, tiến sỹ, nhà doanh nghiệp…Thôi, gọi nó là Phố - Làng cho đủ những gì nó đang chứa đựng và chuyển hóa. Hà Nội cũ có đến trăm phố - làng như vậy và hàng vạn làng của Hà Nội mở rộng sắp trở thành phố-làng trong quá trình đô thị hóa. Rồi dăm chục năm nữa hàng trăm, hàng vạn cái phố - làng đó sẽ đi về đâu? Chưa ai có thể biết chính xác…


Làng Hồ Khẩu - Tây Hồ

Nói một cách khác, đó chính là yếu tố “thôn”, cái chất “quê” trong phố - làng. Yếu tố “thôn” không chỉ là những vật thể còn hiện hữu mà ở ngay trong nếp nghĩ của rất nhiều cư dân lâu đời. Nhà báo Trang Hạ trong loạt bài viết kể về nếp sống “Làng trong phố” có đoạn: “Làng lên phố từ đời nào, tên làng đã thành tên đường phố, nội thành hẳn hoi, nhưng người sống trong làng vẫn là người sống trong làng, cố cách mấy cũng không thành người ở phố được. Cho nên mình là dân ngụ cư, mình đến ở làng mình buộc phải thành…người làng, dù sổ đỏ hộ khẩu vẫn ghi phường… quận… đàng hoàng”. Nhớ lại hồi ông nội còn sống, mỗi lần bạn bè tôi đến chơi nhà đều buồn cười khi ông nói rằng đi qua cầu Chương Dương là “đi lên Hà Nội”. Mấy đứa cứ ngạc nhiên hỏi: “quận Long Biên không phải là Hà Nội sao?”. Trong nếp nghĩ của ông và một số người cả già, cả trẻ ở phố vẫn cho rằng làng Ngọc Lâm nhà tôi ngày xưa là ngoại thành, là nhà quê… Trong cơn lốc đô thị hóa, vật chất có thể thay đổi nhanh chóng nhưng cái tư duy “đất lề quê thói” của người làng thì còn đó. Chả thế vẫn có những ông chủ biệt thự mới xây sau khi bán đất nông nghiệp, ngồi khoanh chân trên ghế sa-lon bọc da, quần cộc, áo chẽn phì phèo điếu thuốc lào.  Các bà các cô tụ tập ở chợ cạnh giếng làng ăn quà quê, buôn dưa lê chuyện hàng xóm. Bà hàng xén vẫn bán giá phân biệt “người làng” với “người thiên hạ”. Chiều chiều, các cụ rủ nhau ra sân đình đánh cờ tướng bên cạnh lũ trẻ chơi cầu lông…


Cụm di tích làng Võng Thị

Ấy vậy, chính cái tư duy cố hữu của những con người không bị “đô thị hóa” đó mà Hà Nội hiện đại ngày nay vẫn còn cốm làng Vòng, lụa làng Vạn Phúc, lễ hội Đống Đa, lễ hội Phù Đổng và những ngôi làng cổ kính yên ả, như làng Hồ Khẩu, làng Yên Thái, làng Võng Thị phường Bưởi, làng Triều Khúc huyện Thanh Trì…Bởi từ nếp sống cũ mà văn hóa làng được duy trì, vì thế những di sản kiến trúc truyền thống được lưu giữ. Đình làng Vòng từ thời Lý nay vẫn đẹp. Rằm, mồng một hay vào dịp hội làng 12 tháng Giêng vẫn nhộn nhịp nam thanh nữ tú mặc áo tân thời chật kín cả sân đình. Hồ Tây sẽ không còn cái vẻ đằm thắm của một cảnh quan đã được trải nghiệm qua thời gian nếu mất đi những cụm di tích ven hồ như đình chùa làng Võng thị, cụm di tích làng Hồ Khẩu với đình, chùa, đền đã có từ lâu đời…

Cái chất “thôn” của  phố - làng chính là bản sắc, là cội nguồn của Hà Nội, rộng hơn nữa là của đô thị Việt Nam, bởi đa số các đô thị nước ta được dần dần chuyển hóa từ những ngôi làng, và đều có những giai đoạn chưa phải “thị” cũng chẳng phải “thôn”. Suy cho cùng thì gốc gác ăn sâu bám rễ của dân mình, nước mình là anh nông dân nghèo trồng lúa nước. Chẳng thế mà vẫn cứ mái dốc cong cong, ngói âm dương đấy mà kiến trúc truyền thống nước mình khác chất kiến trúc cổ Trung Hoa. Họ đồ sộ nhiều khi làm con người choáng ngợp, lấn át cả thiên nhiên. Kiến trúc truyền thống nước mình lại nhỏ nhắn, bình dị ẩn khuất sau lũy tre làng, hài hòa với cây cỏ. Vừa yêu lại vừa thương cái cái anh nông dân nghèo chất phác ây! Cho nên cái chất “thôn” trong phố- làng chính là cái hồn của một Hà Nội nghìn năm văn hiến.


Cổng đình làng Hồ Khẩu

Những phố lớn của trung tâm Hà Nội được hình thành cũng chính từ những ngôi làng cũ như Giảng Võ, Định Công, Trung Tự, Dịch Vọng, Thành Công…Có lẽ vì thế mà nhà văn Nguyễn Quang Thân đã viết: “Phải chăng những nét đáng yêu Hà Nội xuất phát từ những “làng trong phố”? Phải chăng Hà Nội quyến rũ khách phương xa, đặc biệt là người  Pháp, vì Hà Nội có hương vị riêng phảng phất từ những ngôi làng xa xưa, một đặc điểm rất Việt Nam?” 

Chùa Tĩnh Lâu làng Hồ Khẩu

(Kỳ sau: Thổi hồn phố vào làng)

KTS. PhuongBee

Chia sẻ