Ký ức sống

Từ Paris, gửi về Hà Nội

,
Chia sẻ

Một lá thư của Việt kiều xa xứ 50 năm, gửi từ Pháp cho người bạn già kiến trúc sư ở Hà Nội.

 Paris, ngày 10 tháng 10 năm 2008

    An Ngọc thân mến !

Định viết ngay cho cậu khi đến nhà, vậy mà đến nay mình mới thực hiện được cái công việc chúa ngại ấy. Thế nhưng, vẫn có cái gì thôi thúc mình viết thư cho cậu sau khi về thăm Hà Nội - nơi mình đã xa cách đúng năm chục năm trường.
 
Hôm tiễn mình ra sân bay, cậu có hỏi cảm tưởng chung của mình về chuyến hồi hương thăm quê cha đất tổ. Thú thật là khi đó mình không thể trả lời được, bởi vì trong lòng đang xốn xang đầy vơi nỗi gần nhà xa nước. Quê hương, đất nước của mình đấy mà vừa xa, vừa gần, vừa như không hiểu nó chút gì mà cũng vừa biết nó quá tường tận. Mình không thể chỉ trong một khoảnh khắc mà đánh giá được. Vậy là mình đành chịu câu trả lời của cậu trước khi nói lời tạm biệt để về Paris.
 
Cà phê vỉa hè Baltard, Marais District, Paris
 
Nhưng ở đây, điều mình muốn nói khi cùng với cậu đi thăm lại Hồ Tây, có cái gì làm mình không vui lắm. Mình chưa lý giải được trạng thái tâm lý của người xa cái phong cảnh mà nửa thế kỷ trước đây đã từng quá quen thuộc. Chợt nhớ ra rằng ở cái tuổi thất thập cổ lai hy như chúng mình bây giờ, có khi mắc bệnh "hoài cổ" cũng nên. Không thấy cái lợi của sự đổi thay, tiến bộ trong xã hội mà chỉ níu kéo cái xưa, chỉ vì cái xưa đó còn chứa đựng quá nhiều kỷ niệm của một thời thơ trẻ, của một Hà Thành cổ xưa mà chẳng mấy người có thể quên đi được.
 
Cà phê vỉa hè Metropole Hà nội (Ảnh: E8Club)
 
Cậu hẳn vẫn còn nhớ những buổi "bát phố", trọn một vòng quanh Hồ Tây mỗi khi có tiết học thầy nghỉ ốm thời chúng mình đang học tại trường Chu Văn An, hai đứa đã tính giờ phải đạt kỷ tốc độ đến 17km/giờ mới kịp về trường để học tiết sau. Tuy ở tuổi trai trẻ chúng mình không ngắm cảnh nhẩn nha như các cụ xưa, thế mà mình vẫn nhớ như in từng đoạn nào là Yên Phụ, Quảng Bá, Nghi Tàm, Nhật Tân, khoảng đất nào trồng hoa gì... nếu bị bịt mắt dẫn đi.
 
 Nay thì chịu rồi, nhà cao tầng, biệt thự, nhà hàng khách sạn mọc lên khắp chốn. Nếu mình là kiến trúc sư như cậu, chắc hẳn sẽ có dịp nghiên cứu kỹ hơn về quá trình đô thị hoá của vùng ven đô phía tây Hà Nội; song vì chỉ thuần tuý là một người dân Việt về thăm quê hương thì tâm sự lại khác. Sự nuối tiếc quang cảnh ngày xưa nơi đây cứ ám ảnh mình, chính vì thế mà không trực tiếp trả lời được khi cậu hỏi về vấn đề này.
 
Mình còn nhớ hồi xưa hai đứa mình ít khi tha thẩn quá Kim Mã, vì coi đó là đường dẫn tới một nơi nào heo hút lắm. Hà Nội bây giờ trải rộng ra hơn nhiều, đường sá ngang dọc, mở rộng cắt qua nhiều khu vực trước kia chỉ là những ruộng rau muống, những xóm nghèo xơ xác. Mình chợt nhớ ra điều này nên nói ngay kẻo quên: giá như cứ để lại mấy tuyến xe điện ở những nơi có điều kiện và có nhu cầu giao thông nội bộ đô thị thì hay biết mấy. Tiếng leng keng của xe điện ngày nào từ Bờ Hồ đi các ngả Cầu Giấy, Bạch Mai, Bưởi... sẽ không làm giảm cái hiện đại hoá mà vẫn giữ được nét đặc biệt của Thủ đô Hà Nội xưa. Chính ở các nước tiên tiến Châu Âu vẫn lưu hành những thứ xe điện như thế mà có làm họ trở thành lạc hậu đâu!
 
Nhà thờ Đức Bà Paris
 
Còn về những phố cổ Hà Nội, theo mình chỉ nên để một vài con phố tiêu biểu thôi, để lưu niệm cái cổ sơ, gốc tích ban đầu, không nhất thiết phải để cả đủ Ba Mươi Sáu Phố Phường xưa. Tại sao ư? Vì đa phần những ngôi nhà trong các phố này đã cũ kỹ lắm rồi, khôi phục thì rất tốn kém mà thành phố thì cần đất để xây dựng nhiều cao ốc, đặt thêm đường sá giải quyết ùn tắc giao thông mà vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường. Theo mình những phố cổ gần Hồ Hoàn Kiếm nên giữ lại; và điều quan trọng là cảnh quan chung quanh hồ cần phải cân nhắc kỹ càng. Không thể để con ngươi của Thủ đô vướng víu vì những ngôi nhà cao vút đặt chưa đúng chỗ.
 
... và Nhà Thờ Lớn Hà Nội
 
Thật ra, giữ cái gì, bỏ cái gì, dung hoà được những gì, đó không phải là chuyện một sớm một chiều mà phải qua thực tiễn tiến lên của các hoạt động xã hội - nhân văn và đời sống vật chất ngày một đổi mới của con người Việt Nam. Hà Nội có nhiều khu đô thị mới với vô số nhà cao tầng đã thể hiện phần nào sự đổi mới rồi đó.

 
  Mình sẽ có dịp về nước vào đúng dịp Thăng Long ngàn năm tuổi. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, mình được biết Thủ đô ta đang ráo riết chuẩn bị, cố gắng kết thúc xây dựng những công trình mục tiêu, chỉnh trang đô thị chuẩn bị cho Lễ hội ngàn năm có một này. Vui biết mấy khi chính mình trực tiếp chứng kiến những gì đổi mới của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội và lại có dịp trao đổi nhiều điều thú vị hơn với An Ngọc.

Thân,
Petrus Hà, Paris
 
K.T
Chia sẻ