Hà Nội: Chánh thanh tra Sở Y tế trả lời về những túi ni lông đen được vứt ra xe rác từ phòng khám thai
Liên tục trong thời gian qua, chúng tôi ghi nhận tại nhiều phòng khám trên địa bàn Hà Nội có dấu hiệu tuồn những túi ni lông bên trong có vật phẩm giống với rác thải y tế ngoài môi trường.
Để tìm hiểu rõ xem thực hư trong những bọc ni lông ấy chính là những hài nhi vô tội hay là những đồ phế thải từ sinh vật phẩm y tế có thể rất nguy hại đến môi trường như lời "đồn đoán" của nhiều người, hoặc chỉ đơn thuần là rác thải sinh hoạt, chúng tôi đã theo chân một nhóm thiện nguyện đi "nhặt" xác thai nhi bị phá bỏ tại các phòng khám tư ở cuối đường Đê La Thành (Hà Nội) khi trời đã tối.
Kinh hoàng ẩn trong những túi nylon đen được vứt ra xe rác từ phòng khám thai ở Hà Nội
Nhiều người gọi đây là phố phá thai.
Một lần nữa chúng tôi được tận mắt chứng kiến những tội ác của người còn sống và sự vô tội của những thai nhi xấu số ấy.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đặt cho đoạn đường đó cái tên "phố phá thai". Tại đây, chúng tôi đã chứng kiến cảnh nhân viên của một phòng khám đem những bọc ni lông màu đen, bên trong có chứa vật phẩm ném vào thùng rác trước cửa.
Một nhân viên chuyên thu gom vệ sinh ở khu vực này khẳng định chắc nịch với chúng tôi: "Đó là thai nhi mới bị người mẹ nào đó từ chối".
Hàng ngày không biết bao nhiêu bịch ni lông tương tự như thế này được nhiều phòng khám tuồn ra thùng rác công cộng. Điều đó đã ám ảnh không chỉ đối với những người xung quanh khu vực, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Sở Y Tế Hà Nội: Từng xử lý nhiều phòng khám
Liên quan đến vấn đề trên, ngày 25/9, trao đổi với PV báo Trí Thức Trẻ, ông Nguyễn Việt Cường – Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, phía Sở Y tế đã nắm được thông tin phản ánh về những sự việc tương tự. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, đó là những thông tin phản ánh, còn việc để xử lý được đối với các cơ sở có sai phạm thì phải bắt quả tang.
Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội.
Ông Cường khẳng định, Sở vẫn thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên hoặc đột xuất đi kiểm tra các cơ sở phòng khám trên địa bàn và đã có nhiều cơ sở bị lập biên bản đối với những vi phạm được phát hiện.
"Chúng tôi kiểm tra đột xuất hoặc theo kế hoạch, cứ áp theo Thông tư số 58 của Bộ Y tế. Chỉ cần người ta bỏ rác, chúng tôi gọi là sinh vật phẩm (ông Cường nói tránh từ thai nhi - PV) không đúng nơi quy định, thậm chí là cái thùng rác không đậy nắp cũng phạt.
Màu vàng đối với bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải lây nhiễm mà nhân viên bỏ sang túi màu đen cũng bị phạt. Cụ thể, chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải đựng trong túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu vàng; chất thải giải phẫu thì phải đựng trong 2 lần túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu vàng", ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông Cường, trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải trong quá trình thu gom. Các cơ sở y tế phải ký hợp đồng với đơn vị, công ty có chức năng chuyên để đem đi tiêu hủy.
Thùng rác phải được phân biệt rõ ràng.
Về mức xử phạt hành chính, ông Cường cho biết, đoàn kiểm tra sẽ áp dụng theo nghị 176/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, đối với các phòng khám chuyên khoa từ 10 - 20 triệu đồng, đối với các phòng khám đa khoa từ 10 - 30 triệu đồng. Nếu cố tình vi phạm hoặc không đủ điều kiện, đơn vị chức năng sẽ ra quyết định rút giấy phép hoạt động.
Phòng khám tư không được phá thai trên 42 ngày tuổi
Trước thông tin cho rằng, những bịch ni lông chứa sinh phẩm là những thai nhi vô tội được tuồn ra từ một số phòng khám. Quan sát bằng mắt thường người dân có thể nhận thấy rõ hình hài, thậm chí có những thai nhi còn nguyên dây rốn, ông Cường khẳng định, phòng khám tư không được "xử lý" lý đối với thai nhi từ 42 ngày trở lên và thực tế từng có phòng khám bị tổ công tác phát hiện không đủ điều kiện hành nghề sau đó đã tự nộp lại giấy phép.
"Phòng khám tư không được phép xử lý đối với thai trên 42 ngày tuổi, tức là 6 tuần tuổi. Nếu chúng tôi phát hiện thì cũng sẽ bị phạt theo quy định rất nặng, từ 60 - 70 triệu đồng", ông Cường cho hay.
Xe rác là một trong những dụng cụ phải chứa rác thải y tế độc hại một cách bất đắc dĩ.
Tuy nhiên theo ông Cường, việc phát hiện và bắt quả tang đối với các phòng khám tư nhân trong trường hợp nói trên không đơn giản.
"Họ (chủ phòng khám - PV) cũng rất tinh vi, nếu chỉ phạt hành chính thì không sợ. Họ thường xuyên làm lén lút vào ban đêm, điều đó rất khó cho chúng tôi vì ngoài giờ hành chính chúng tôi không có chức năng thâm nhập đột xuất… Họ còn tinh vi đến mức, dù có bệnh nhân đang ở đó nhưng sổ nhật ký chưa chắc họ đã ghi danh, ghi thông tin bệnh, lịch để tránh nếu có kiểm tra. Nếu bắt được quả tang thì chúng tôi rút giấy phép", ông Cường thông tin thêm.
Vì vậy, ông Cường cảnh báo: "Xử lý thai trên 42 ngày ở phòng khám tư là rất nguy hiểm cho chính bản thân bệnh nhân, đặc biệt những phòng khám không đủ điều kiện trang thiết bị, không đảm bảo an toàn. Bệnh nhân nên tìm đến các trung tâm y tế, cơ sở hộ sinh hoặc bệnh viện để được thăm khám và được tư vấn. Ở phòng khám tư nhân nếu xảy ra sự cố sẽ rất nguy hiểm. Còn ở bệnh viện thì có chuyên môn để còn đảm bảo sức khỏe sau này. Ví dụ, bệnh nhân có thể bị vô sinh nếu như thai nhi đã trên 6 tuần tuổi mà xử lý ở cơ sở tư nhân".
Ông Cường cũng cho biết, tâm lý một số chị em trót mang thai ngoài ý muốn nhưng lại yêu cầu giữ bí mật thông tin nên thường chọn đến các phòng tư nhân. Tuy nhiên, theo pháp lệnh hành nghề y, thì các cơ sở y tế phải giữ bí mật tên tuổi bệnh nhân.
"Bệnh nhân (phụ nữ mang thai) không nên ngần ngại vào bệnh viện. Cứ coi như người bình thường đến bệnh viện khám", ông Cường chia sẻ.
Để tránh gặp phải rủi ro về vấn đề sức khỏe, nếu phát hiện phòng khám tư có nghi vấn. Khi chọn lựa dịch vụ, người dân cũng nên thận trọng cân nhắc kỹ lưỡng, tránh việc thấy bác sĩ phán "bùi tai" lập tức nghe theo.
Người dân có bất kỳ khiếu nại hoặc thắc mắc đều có thể gọi về đường dây nóng của Sở Y tế Hà Nội theo số điện thoại 04.39985765".