Hà Nội: Mất nước kéo dài, dân phải nhịn đi vệ sinh, hứng nước điều hòa dội bồn cầu
Trong tình cảnh mất nước sinh hoạt xảy ra 10 ngày nay, hàng trăm hộ dân tại phố Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân – Hà Nội) buộc phải nghĩ ra đủ cách để đối phó.
Nhịn đi vệ sinh vì… thiếu nước
Mặc dù sự cố vỡ đường ống dẫn nước sạch Sông Đà lần thứ 18 đã được phía đơn vị chủ quản khắc phục xong, tuy nhiên do phải giảm áp suất để tránh vỡ tiếp nên khoảng 10 ngày nay rất nhiều hộ dân sinh sống tại phố Hoàng Văn Thái phải chịu cảnh sống khổ sở với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Đỉnh điểm nhất của việc thiếu nước sạch phải kể đến là từ các ngày 15, 16, 17/7 vừa qua. Theo người dân, sở dĩ việc thiếu nước trầm trọng xảy ra vào các ngày trên là do bể ngầm dự trữ nước sạch của các hộ gia đình đã cạn kiệt.
Nhiều hộ dân sinh sống trong hẻm 20 ngõ 93 Hoàng Văn Thái là những người phải nếm trải cảnh khốn khổ về mất nước cả chục ngày qua.
Nói về điều này, bà Nguyễn Thị Tuyến (60 tuổi), một cư dân sống trong hẻm này thở dài: “Có lẽ, chưa ở đâu người dân chịu cảnh khổ sở về nước như chúng tôi bởi 10 ngày nay nước sạch gần như không có, nếu có cũng phập phù chẳng đâu vào đâu. Quần áo bẩn của người lớn, trẻ con chất cả đống lại chờ nước về nhưng chờ mãi cũng chẳng thấy, giờ bốc mùi hôi nồng nặc cả nhà. Đừng nói là tắm giặt, thậm chí nước phục vụ nhu cầu tối thiểu như vệ sinh, ăn uống cũng hạn chế”.
Theo bà Tuyến, hàng chục hộ dân cùng phải chịu cảnh sống khốn khổ vì mất nước như nhà bà. "Nói thì tưởng đùa, nhưng dùng nước rửa rau dội nhà vệ sinh, không ít nhà phải "nhịn tiểu" và đi nhờ nhà người thân vì không có nước dội đấy anh ạ", bà Tuyến ngán ngẩm chia sẻ.
Thậm chí có gia đình không chịu được cảnh nhà vệ sinh không có nước để dội buộc họ phải xuống dưới bể ngầm vét những xô nước đen ngòm lên để dội cho đỡ hôi hám.
Hứng nước điều hòa, di tản lánh nạn thiếu nước
Trước sự bức xúc của người dân cũng như nỗi khổ mà hàng trăm hộ dân đang phải gánh chịu, trong những ngày qua, phía đơn vị cấp nước sạch đã điều những xe bồn chở nước sạch cấp tạm thời cho người dân.
Thế nhưng việc một con ngõ, hẻm với hàng trăm hộ gia đình, hàng nghìn nhân khẩu nhưng mỗi ngày cấp 1 vài xe bồn chở nước đến, với họ cũng chẳng thấm vào đâu. Hơn nữa, việc người dân phải xách từng xô, từng chậu nước về tích trữ cũng chẳng đáng là bao so với nhu cầu sinh hoạt. Ngoài ra, nhiều người phản ánh, thời điểm cấp nước vào khoảng 16-17 giờ chiều các gia đình đều ít có người lớn ở nhà để lấy nước.
Cuối ngõ 193 phố Hoàng Văn Thái nằm ở cuối nguồn nước nên đường ống chưa thể có nước sạch trong một vài ngày tới, có lẽ người dân vẫn phải tiếp tục xếp hàng chờ lấy nước xe bồn.
Các em nhỏ cũng được huy động lực lượng để xách nước về nhà.
Tuy nhiên, lượng nước ít ỏi từ xe bồn không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.
“Lúc xe chở nước sạch đến thì gia đình tôi có mỗi tôi và đứa cháu ở nhà, thế nên 2 bà cháu có cố lắm cũng chỉ xách về được hơn 100 lít nước sạch. Thử hỏi hơn 100 lít nước sạch thì lấy gì để tắm, lấy gì để giặt giũ, để nấu nướng”, bác Nguyễn Thị Tứ bức xúc.
Anh Thiên – một người dân cho biết: “Nếu tình trạng này mà kéo dài nữa thì chúng tôi cũng chẳng biết phải sống và đối phó như thế nào nữa. Hiện nay, nhiều gia đình đã phải di tản sang nhà anh em, họ hàng để tắm nhờ, giặt nhờ, thậm chí cả nấu nướng nhờ”.
Chỉ sang một gia đình đã đóng cửa tại con hẻm số 20, anh Thiên nói: “Đây, như gia đình này này, mấy ngày nay rồi họ có ở nhà nữa đâu. Mất nước nên họ phải di tản sang nhà mẹ đẻ để sinh hoạt, các gia đình khác cũng chẳng có nơi mà di tản nên phải ở lại chịu trận thôi”.
Nước thiếu đến mức một số gia đình buộc phải sử dụng nước từ điều hòa nhiệt độ hứng từ chậu nhựa, xô nhựa để rửa rau hoặc sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Cách đó không xa, con hẻm 28 cũng đã chịu trận mất nước sinh hoạt suốt 10 ngày qua, ngoài việc xách nước từ xe bồn, xin hàng xóm thì từ đêm ngày 18/7 nhiều gia đình phải thức thâu đêm để canh nước sạch từ đường ống.
Sáng ngày 19/7, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Vấn (tổ trưởng tổ 21) cho biết: “Việc mất nước đã diễn ra suốt 10 ngày qua, rất nhiều cư dân sinh sống tại địa bàn đã phải chống chọi với tình trạng trên nhiều ngày. Đến đêm ngày 18/7 thì nước có nhưng người dân phải thức từ 4-5 giờ sáng mới canh được một chút nước để sinh hoạt”.