“Nhịn”... đẻ 2 ngày vì thiếu nước sạch tại BV Phụ sản Hà Nội

Lê Bảo,
Chia sẻ

Nhiều sản phụ đến ngày sinh nở nhưng vẫn không được lên bàn đẻ hoặc mổ tại BV Phụ sản Hà Nội vì thiếu… nước sạch.

Có lẽ chưa bao giờ người dân thấy việc thiếu nước sạch lại cấp bách và khó khăn như hiện tại bởi trong lần vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 15 cuối tuần trước, mặc dù đã cơ bản khắc phục xong, song nhiều hệ luỵ của việc mất nước vẫn khiến người dân khốn đốn.

Ghi nhận tại một số Bệnh viện như: Bệnh viện 198, bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bệnh nhân và người nhà gặp không ít khó khăn. Các y, bác sĩ cũng thiếu nguồn nước để dử dụng trong các hoạt động thường xuyên của bệnh viện, trong đó có cả các hoạt động khám chữa bệnh và các ca mổ.

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, rất nhiều người nhà và bệnh nhân như đang ngồi trên đống lửa bởi có nhiều sản phụ vẫn phải chờ đợi nhiều ngày dù ngày dự sinh đã đến. Thậm chí có trường hợp phải “nhịn” sinh đẻ vì thiếu nước sạch.

mất nước
Anh Thạo đi mua nước suối cho vợ đang chờ sinh trong viện,

Trao đổi với chúng tôi về điều bất tiện này, anh Nguyễn Văn Thạo (trú tại Ứng Hòa – Hà Nội) đưa vợ lên Bệnh viện sinh nhưng dù đã đến ngày dự sinh nhưng vẫn chưa được lên bàn mổ vì thiếu nước sinh hoạt. Không chỉ vợ phải “nhịn” sinh đẻ mà ngay đến cả nước sinh hoạt cũng không có nên tắm giặt cũng phải... nhịn. Anh Thạo đã phải đi mua nước ở ngoài về cho vợ mình sử dụng.

mất nước
Nhiều sản phụ, người nhà không khỏi lo lắng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Thạo cho biết: “Gia đình ở Ứng Hòa, hai vợ chồng kéo nhau lên đây nhưng đúng dịp mất nước sạch nên không chỉ hai vợ chồng tôi mà nhiều người khác cũng trong tình trạng khó xoay sở”.

Theo anh Thạo, hàng ngày để có nước sinh hoạt thì phải mua nước suối đóng chai vào: “Nước suối đóng chai để phục vụ bản thân cũng như vợ mình, số tiền hàng ngày phải bỏ ra khoảng trên dưới 100 ngàn đồng”.

mất nước
Sản phụ Nguyễn Thị Linh dù đến ngày sinh nhưng do thiếu nước nên vẫn chưa thể lên bàn đẻ.

Có mặt tại Bệnh viện phụ sản, sản phụ Nguyễn Thị Linh (Hà Nội) cho biết theo lịch ngày 30/9 sẽ được sinh mổ nhưng do bệnh viện thiếu nước nên vẫn phải chờ đợi. Chị Linh vừa tỏ ra đau đớn, khó chịu và không khỏi lo sợ vì không biết việc sinh muộn có ảnh hưởng đến cháu bé trong bụng hay không. 

“Đáng nhẽ hôm nay sẽ là ngày sinh nhưng do mất nước nên ca sinh chưa thực hiện được, các Bác sỹ nói phải chờ. Bây giờ trong người em thấy mệt mỏi, khó chịu, chỉ mong cháu bé không làm sao cả thôi”, nói xong chị Linh lại tỏ ra đau đớn.

mất nước
Nước sinh hoạt sản phụ, người nhà đều phải mua nước suối.

Không chỉ chị Linh mà nhiều người khác cũng cảm thấy khó chịu với cảnh mất nước tại Bệnh viện bởi theo nhiều người thì mất nước sinh hoạt ở nhà đã khổ nhưng mất nước ở Bệnh viện còn khổ với vất vả trăm lần bởi ngay cả ở khu vệ sinh, giường chiếu, phòng đều có mùi khó chịu.

Được biết, chiều ngày 29/9 bể chứa nước dự trữ của Bệnh viện có dung tích 400 khối đã cạn, phía Bệnh viện đã mua thêm 2 xe chở nước sạch nhưng vẫn không đủ. 

mất nước
Dù vặn hết cỡ nhưng vòi nước chỉ chảy nhỏ giọt.

Trao đổi với báo chí, bà Đỗ Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Hành chính, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, đường ống đấu từ nhà máy nước dự trữ về bệnh viện đã bắt đầu hoạt động, hiện đã tích được gần 1/3 bể nước, dành ưu tiên 24/24 cho các khoa cấp cứu, nhiễm khuẩn, mổ đẻ.

"Các khoa phòng còn lại sẽ phải cắt nước luân phiên để tiết kiệm nước. Hiện nhân viên y tế cũng không được tắm tại bệnh viện để dành nước phục vụ người bệnh", bà Nguyệt thông tin.

Bà Nguyệt cho biết thêm, đến nay bệnh viện chỉ kéo dài lịch mổ cho những sản phụ chờ mổ chủ động, khi sức khỏe thai nhi và bà mẹ ổn định còn chưa có ca cấp cứu hay mổ đẻ nào phải tạm dừng vì thiếu nước. Tuy nhiên nếu tiếp tục thiếu nước trong thời gian dài, sẽ tính đến phương án chuyển viện.
Chia sẻ