Hà Nội: Ghi nhận một nữ sinh viên Học viện Ngân hàng tử vong do sốt xuất huyết

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Trên địa bàn Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2016. Để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết người dân không nên tự ý điều trị.

700 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 190 xã, phường

Chiều 21/5, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận trên 700 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 190 xã, phường ở 26 quận, huyện (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2016), trong đó đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên là một nữ sinh viên 19 tuổi của Học viện Ngân hàng (thuê trọ tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa).

Được biết, nữ sinh viên này được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và kết quả mẫu bệnh phẩm xác định, bệnh nhân dương tính với vi rút sốt xuất huyết Dengue typ 1. Ngay khi có ca bệnh này, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Trung tâm Y tế quận Đống Đa cùng với phường Trung Liệt đã tiến hành điều tra côn trùng, vệ sinh môi trường diệt bọ gậy; phun hóa chất; truyền thông bằng loa truyền thanh di động tại khu vực bệnh nhân thuê trọ.

Theo đó, trong 4 ngày (từ ngày 18/5-21/5), Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cũng đã tổ chức phun hóa chất diện rộng và cùng với Trung tâm Y tế quận tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy quy mô toàn phường Trung Liệt. Mặt khác, giám sát chặt chẽ tại khu vực ổ dịch để phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tư vấn chăm sóc và điều trị, tránh xảy ra tử vong tại cộng đồng.

Từ đầu năm đến nay, tại nhiều quận/huyện trên địa bàn Hà Nội có số ca mắc sốt xuất huyết cao hơn cùng kỳ 2016 như: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hà Đông… Riêng quận Đống Đa là nơi ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất. Từ đầu năm đến nay, tại đây ghi nhận 165 trường hợp mắc ở 18 phường và xác định được 37 ổ dịch tại 13 phường. Số mắc tăng gấp 3 lần, số ổ dịch tăng 1,85 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Mới đây, trên địa bàn quận cũng ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết tại ký túc xá Trường Đại học Luật Hà Nội với 11 ca mắc. Ngoài ra, tại phường Khương Thượng cũng ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết tại ngõ 95 Chùa Bộc và ngõ 354 Trường Chinh với tổng số bệnh nhân là 10 người.

Với quận Hoàng Mai một trong nhữn quận trọng điểm về sốt xuất huyết của thành phố tính đến ngày 17/5, trên địa bàn quận ghi nhận 143 bệnh nhân sốt xuất huyết, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2016. Số ổ dịch được xác định là 36 tăng 22 ổ dịch, hiện còn 15 ổ dịch đang hoạt động; 94% ổ dịch là 1-2 bệnh nhân. Số bệnh nhân có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 5, đặc biệt trong 2 tuần gần đây ghi nhận 27 bệnh nhân sốt xuất huyết. Bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc TTYT Dự phòng thành phố Hà Nội cho biết, với 143 ca mắc sốt xuất huyết, Hoàng Mai là địa phương có số mắc cao thứ hai và chiếm 19% số bệnh nhân của thành phố. Trong năm 2016, Hoàng Mai là quận có số mắc sốt xuất huyết cao nhất toàn thành phố. Số bệnh nhân trên địa bàn nhiều nhưng việc giám sát phát hiện sớm ca bệnh của quận Hoàng Mai vẫn còn hạn chế.

Hà Nội: Ghi nhận một nữ sinh viên Học viện Ngân hàng tử vong do sốt xuất huyết - Ảnh 1.

PGS. TS Hoàng Đức Hạnh kiểm tra ct phòng chống SXH tại quận Hoàng Mai

Có nên truyền dịch khi điều trị sốt xuất huyết?

Nhiều trường hợp bị sốt xuất huyết trong những ngày đầu đã tự ý đến các phòng mạch tư truyền dịch, hoặc bác sĩ không nắm rõ nguyên tắc truyền dịch trong sốt xuất huyết đã vô tình làm cho tình trạng bệnh nặng thêm và hầu hết các trường hợp này phải kéo dài thời gian điều trị gấp đôi.

SXH Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây dịch do virus Dengue gây nên. Bệnh SXH có diễn tiến khó tiên đoán và hiện chưa có biện pháp nào ngăn chặn diễn tiến bệnh nặng. Tuy nhiên, khi phát hiện kịp thời và điều trị thích hợp thì đa số các trường hợp sẽ hồi phục hoàn toàn mà không để lại di chứng gì.

Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với những bệnh nhân sốt xuất huyết, trong 3 ngày đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện mất dịch như: Sốt cao, vã mồ hôi, thở nhanh, đau mình mẩy, chán ăn, thậm chí có người nôn, sợ không dám ăn. Lúc này, nhiều người nghĩ đến truyền dịch nhưng điều này là không nên. Bệnh nhân đang bị sốt cao, phản ứng của cơ thể rất mạnh, nếu truyền dịch người bệnh hay bị sốc.

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, nếu truyền nước không đúng cách sẽ dẫn đến quá tải dịch truyền. Khi quá tải truyền dịch nước sẽ dẫn đến nước tràn ra khỏi thành mạch máu, tràn vào khoảng màng phổi (gây tràn dịch màng phổi) và màng bụng (gây bụng chướng to như người bị xơ gan giai đoạn cuối) và đặc biệt tràn vào phổi (vì nước trong mạch máu phổi cũng thoát ra ngoài) vào trong các phế nang và gây khó thở, làm cho bệnh nhân bị suy hô hấp. Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết chết không phải do sốc nhưng do biến chứng phù phổi.

Ngoài biến chứng chết, quá tải dịch truyền sẽ làm cho thời gian điều trị kéo dài do nước vào phổi, phải thở máy. Thông thường sốt xuất huyết chỉ điều trị 6-7 ngày thì phải kéo dài đến hai tuần do tình trạng phù phổi.

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh và đã có bệnh nhân tử vong, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản khẩn chỉ đạo các đơn vị y tế trong và ngoài công lập tăng cường triển khai các giải pháp phòng chống sốt xuất huyết. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, nhất là tổ chức họp dân để thông tin về tình hình dịch bệnh và hướng dẫn người dân cách phòng chống.

Tăng cường giám sát phát hiện các ca bệnh sốt xuất huyết tại các cơ sở khám chữa bệnh, tại cộng đồng; điều tra, xử lý dịch sốt xuất huyết theo quy định. Tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy để huy động cộng đồng tham gia phòng chống dịch.

Tập trung mọi nguồn lực từ con người, thuốc, hóa chất, máy móc, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch cũng như cấp cứu, điều trị cho người bệnh để hạn chế dịch bệnh bùng phát và lan rộng, giảm tử vong do dịch bệnh sốt xuất huyết.

Chia sẻ