Hè đến, đã có trường hợp tử vong vì bệnh sốt xuất huyết, người dân chớ coi thường
Theo thống kê của Bộ Y tế, sốt xuất huyết - căn bệnh muỗi truyền trong mùa hè đang tăng lên.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đây là bệnh thường bùng phát mạnh vào thời điểm điểm mùa hè mùa mưa.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra.
Ghi nhận 8 ca tử vong do sốt xuất huyết
Trong báo cáo công tác y tế tháng 4/2017 của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 21.000 ca mắc sốt xuất huyết, có 8 ca tử vong. Trong đó, riêng trong tháng 4, số ca mắc sốt xuất huyết là gần 6.900, 2 người tử vong.
So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) giảm 26%, số ca tử vong tăng 1.
Trong khi đó tại Hà Nội,theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, tích lũy từ đầu năm 2017 đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận gần 500 ca mắc SXH, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2016. Các trường hợp mắc phân bố rải rác ở 25 quận, huyện và 164 xã, phường.
Theo TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, hiện nay bệnh dịch có tính chất tản phát, chưa xuất hiện ổ dịch tập trung, phức tạp. Tuy nhiên, do diễn biến thất thường của thời tiết, nắng mưa, di biến động dân cư lớn, TP có nhiều công trường xây dựng, vệ sinh môi trường kém, nhiều phế liệu phế thải đọng nước, việc tích trữ nước tại các hộ dân không đảm bảo là những yếu tố thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH sinh sản phát triển; làm dịch bệnh lây lan và diễn biến phức tạp hơn.
Theo thống kê của Bộ Y tế, sốt xuất huyết - căn bệnh muỗi truyền trong mùa hè đang tăng lên.
Đáng lo ngại là virus SXH đã lưu hành ở nhiều tuýp nên nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần sau còn bị nặng hơn lần trước. Hơn nữa, bệnh SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh dẫn tới tình trạng bệnh nặng và có những biến chứng như: xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, đe dọa tới tính mạng.
Người dân cần hợp tác trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh (Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) chia sẻ, vào thời điểm cuối năm 2015, khi dịch SXH bùng phát mạnh trên địa bàn Hà Nội, phun hóa chất diệt bọ gậy được coi là cách để ngăn chặn dịch nhưng cũng vấp phải sự bất hợp tác từ nhiều người dân. Nhiều hộ gia đình đã không mở cửa cho cán bộ y tế vào nhà kiểm tra vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy hoặc phun hoá chất diệt nhưng cũng không chủ động và thực hiện thường xuyên việc diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà mình. Nhiều trường hợp không khai báo cho cán bộ y tế địa phương khi bị bệnh. Thậm chí, TP đã phải đề xuất xử phạt những hộ gia đình không hợp tác trong phòng bệnh.
Năm nay, để không tái diễn tình hình này, thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình, kêu gọi người dân chủ động vệ sinh môi trường sống xung quanh, lật úp các dụng cụ chứa nước. Đồng thời, tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ cao đúng kỹ thuật, đúng thời gian, không để dịch bùng phát và lây lan. Chú trọng đến việc tuyên truyền bằng loa cầm tay đến các địa bàn có nguy cơ cao, treo pano, áp phích tại những điểm dễ quan sát, kết hợp với vận động các hộ gia đình hợp tác với cán bộ y tế để vệ sinh môi trường, phun hóa chất phòng chống dịch.
Người dân cần hợp tác trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Phòng bệnh bằng cách nào?
Để phòng sốt xuất huyết, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân dọn vệ sinh nhà ở, lật úp tất cả các vật dụng có thể chứa nước đọng, không tích nước trong chum, vại, thay nước lọ hoa thường xuyên, không vứt vỏ lon nước ngọt, lốp xe... ngoài vườn đều có thể khiến nước đọng là nơi sinh sôi lý tưởng của muỗi. Với tiểu cảnh cần thả cá tiêu diệt loăng quăng...
Ngủ màn, mặc áo dài tay để tránh bị muỗi đốt. Tại các khu vực nguy cơ cao, y tế dự phòng tổ chức chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi người dân nên cộng tác, bởi hóa chất là an toàn, không gây hại với người.
Còn khi có dấu hiệu đột ngột sốt cao không hạ, mệt mỏi, nhức đầu, đau hốc mắt... cần nghĩ đến nguy cơ sốt xuất huyết, đến viện khám để được chẩn đoán, điều trị, phòng nguy cơ bệnh diễn biến sống đe dọa sức khỏe.
Tay chân miệng cũng gia tăng mạnh trong tháng 4 vừa qua với hơn 4.500 ca mắc, trong khi tổng 3 tháng đầu năm chỉ ghi nhận hơn 6.200 ca. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng hơn 26%.
Tay chân miệng cũng gia tăng mạnh trong tháng 4 vừa qua với hơn 4.500 ca mắc.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông.
Đáng nói, có đến 71% người lành mang trùng (mang vi rút nhưng không biểu hiện bệnh), rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào tháng 3-tháng 5 và tháng 9- tháng 10.