Hà Nội ghi nhận hàng loạt ca cúm nặng: Giờ tiêm vắc xin thì bao lâu có tác dụng?

Ngọc Minh,
Chia sẻ

Một bệnh viện mới đây cho biết đang điều trị cho nhiều ca mắc cúm rất nặng, đưa ra cảnh báo về căn bệnh tưởng chừng đơn giản này.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện bệnh viện đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm. Trong đó có những bệnh nhân mắc cúm rất nặng, đang phải đặt ECMO.

ThS BS Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, lưu ý cúm đặc biệt nguy hiểm với những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm. Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng và thậm chí là tử vong.

ThS BS Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, cho biết ở Việt Nam, bệnh cúm xảy ra quanh năm, thường vào mùa đông xuân, số ca bệnh sẽ tăng đột biến và ảnh hưởng đến nhiều gia đình, đặc biệt gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người già và phụ nữ mang thai.

Hà Nội ghi nhận hàng loạt ca cúm nặng: Giờ tiêm vắc xin thì bao lâu có tác dụng? - Ảnh 1.

Bác sĩ Hiền Minh đang tư vấn vắc xin cho người cao tuổi (ảnh M.T).

Tỷ lệ mắc cúm trên toàn thế giới lên đến 30% ở trẻ em và 10% ở người lớn, và cúm là nguyên nhân của gần 650 nghìn ca tử vong mỗi năm, bác sĩ Hiền Minh nói.

Tiêm phòng vắc xin cúm là cách đơn giản và hiệu quả để ngừa bệnh. Song song với đó, mọi người cũng cần phải áp dụng các biện pháp cá nhân như rửa tay thường xuyên với xà phòng, mang khẩu trang khi tới nơi tập trung đông người…

Dưới đây, bác sĩ Hiền Minh trả lời tất cả những thắc mắc liên quan tới vắc xin cúm.

Tiêm vắc xin cúm bao lâu có tác dụng?

Khoảng 2 tuần sau khi tiêm, vắc xin phòng cúm sẽ giúp cơ thể tạo ra kháng thể bảo vệ trước những chủng virus có trong vắc xin. Trước thời điểm này, nếu bạn tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh thì vẫn có nguy cơ nhiễm cúm. Do đó, cần phải áp dụng tốt các biện pháp phòng ngừa cá nhân, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

Vắc xin cúm có thời gian bảo vệ bao lâu?

Miễn dịch bảo vệ của vắc xin cúm chỉ kéo dài khoảng 1 năm. Hơn nữa, chủng cúm A và B là nguyên nhân chủ yếu gây ra các đợt dịch hoặc đại dịch cúm. Virus cúm biến đổi hằng năm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ đưa ra dự báo về các loại virus cúm chủ yếu có thể gây ra dịch cúm năm kế tiếp, đó là cơ sở để sản xuất vắc xin phòng bệnh cúm hằng năm. Để được bảo vệ tốt nhất, bạn cần tiêm cúm nhắc lại mỗi năm.

Tiêm vắc xin cúm xong có bị mắc cúm?

Tuỳ theo cơ địa của mỗi người và sự phù hợp của chủng cúm lưu hành so với vắc xin được tiêm mà người đã tiêm vắc xin có thể vẫn bị nhiễm cúm. Tuy nhiên, ở người đã tiêm vắc xin, tỷ lệ bị cúm nặng và gặp biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp sẽ giảm đi rất nhiều so với người không tiêm vắc xin.

Lợi ích khi tiêm phòng cúm

So sánh giữa người đã có tiêm vắc xin cúm trước đó và người chưa tiêm:

- Giảm 60% trường hợp tử vong tại bệnh viện và 40% điều trị khoa hồi sức tích cực ICU trên bệnh nhân hơn 65 tuổi

- Giảm 20% nguy cơ tử vong tim mạch trên bệnh nhân suy tim

- Giảm 80% trường hợp nhập viện vì cúm trên bệnh nhân tiểu đường týp 2

- Giảm 40% trường hợp nhập viện vì cúm trên bệnh nhân viêm phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

- Giảm 27% tỉ lệ trẻ sinh non ở phụ nữ mang thai

Ngoài ra, những lợi ích khác khi tiêm vắc xin cúm cũng được ghi nhận:

- So với trước khi tiêm vắc xin, bệnh nhân hen giảm lên đến 40% nguy cơ xảy ra đợt kịch phát cơn hen

- Giảm 70-90% nguy cơ nhiễm cúm ở người lớn và giảm 74% nguy cơ mắc cúm nặng đe doạ tính mạng ở trẻ trên 3 tuổi.

Giá tiêm phòng vắc xin cúm

Hiện có nhiều loại vắc xin cúm, ví dụ như của Pháp (Vaxigrip Tetra), Hà Lan (Influvac Tetra), Hàn Quốc (GCFlu Quadrivalent), Việt Nam (Ivacflu-S). Giá dao động từ 280.000 đ đến 360.000 đ.

Hà Nội ghi nhận hàng loạt ca cúm nặng: Giờ tiêm vắc xin thì bao lâu có tác dụng? - Ảnh 3.

 

Chia sẻ