Hà Nội có lẽ bụi nhất về đêm: Sửa đường, công nhân "thổi bụi" thẳng mặt người đi đường

MINH NHÂN,
Chia sẻ

Nhóm công nhân sửa đường trên một số tuyến phố nội đô, hoạt động từ 22h đêm đến 5h sáng hôm sau, tích cực "thổi bụi" trực tiếp vào người đi đường bằng máy thổi với công suất lớn. Hoạt động này không chỉ gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân.

Hà Nội như một đại công trường về đêm, khi mà nhiều tuyến đường trong các quận nội - ngoại thành được cải tạo, sửa chữa. Từ ngày 7/12, một số tuyến phố Thủ đô ngổn ngang trong tình trạng bị đào bới, lát đá, tập kết vật liệu xây dựng.

Đặc biệt, từ khoảng 22h đêm đến 5h sáng hôm sau, trong quá trình làm sạch bề mặt đá dăm trước khi thảm nhựa trên đường Nguyễn Trãi, Hoàng Cầu, nhóm công nhân đã dùng máy nén khí thổi bụi mù mịt gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên đoạn đường Nguyễn Trãi (thuộc quận Thanh Xuân và quận Hà Đông, Hà Nội), đơn vị thi công thay vì phun nước mặt đường chống bụi theo quy định, đã dùng máy thổi với công suất lớn, "phủi" bụi trực tiếp vào người đi đường.

Ngoài ra, trên trục đường Hoàng Cầu thuộc dự án cải tạo, sửa chữa và xén dải phân cách mở rộng mặt đường phố Yên Lãng - Hoàng Cầu (quận Đống Đa), tình trạng tương tự diễn ra khiến người dân vô cùng bức xúc.

Hà Nội có lẽ bụi nhất về đêm: Sửa đường, công nhân "thổi bụi" thẳng mặt người đi đường, không gian mờ nhân ảnh. Thực hiện: Minh Nhân.

Hà Nội có lẽ bụi nhất về đêm: Nhóm công nhân sửa đường thổi bụi thẳng vào mặt người dân - Ảnh 2.

Dự án cải tạo, sửa chữa và xén dải phân cách mở rộng mặt đường phố Yên Lãng - Hoàng Cầu nhiều ngày qua khiến tuyến đường trở nên ô nhiễm trầm trọng.

Hà Nội có lẽ bụi nhất về đêm: Nhóm công nhân sửa đường thổi bụi thẳng vào mặt người dân - Ảnh 3.

Nhóm 2 công nhân tích cực thổi bụi, biến không gian xung quanh trở nên trắng tinh, mờ đục.

Hà Nội có lẽ bụi nhất về đêm: Nhóm công nhân sửa đường thổi bụi thẳng vào mặt người dân - Ảnh 4.

Tầm nhìn của người dân bị hạn chế trong những ngày Hà Nội sửa chữa, nâng cấp nhiều tuyến đường.

Mỗi ngày đi đi về về dọc con đường Nguyễn Trãi, anh P. cảm tưởng như một "trận chiến". Trước con ngõ vào nhà anh là địa điểm công nhân làm việc, bởi thế thường xuyên xuất hiện lớp bụi... mờ nhân ảnh.

"Nhiều khi đang đi đường bất ngờ bị thổi cả một lớp bụi vào mặt, đường trắng tinh không nhìn thấy gì. Nhà tôi còn có con nhỏ, đóng cửa cả ngày lẫn đêm vẫn không ăn thua. Dù biết nguyên tắc trải thảm nhựa là phải vệ sinh đường sạch sẽ trước khi tưới lớp nhũ tương dính bám, nhưng biện pháp "thổi bụi" này đã lỗi thời, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới công nhân, mà cuộc sống người dân cũng bị đảo lộn" - anh P. chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc thổi bụi còn khiến việc kinh doanh hàng quán xung quanh khu vực bị ảnh hưởng. Công nhân chỉ việc thổi bụi, họ không cần quan tâm lớp bụi đó sẽ bay đi đâu, là một quán ăn hay tiệm cà phê trên vỉa hè.

Chị H. (25 tuổi) trong lúc đang nhâm nhi tách cà phê, bỗng hoảng loạn khi chủ quán hô hào nhân viên và thực khách "sơ tán" vì công nhân sắp... thổi bụi. Gần kề đó, nhiều dãy nhà dân buộc phải đóng cửa kín mít trước khi "cơn bão bụi" đổ bộ.

"Cả đoạn đường gần như trắng xoá, cây cối 'đổi màu', quần áo bám bụi kinh khủng. Nhiều ngày qua Hà Nội ô nhiễm không khí trầm trọng, tôi nghĩ một trong số nguyên nhân xuất phát từ hoạt động sửa đường bằng công nghệ thổi bụi cũ kỹ như thế này" - chị H. bức xúc.

Hà Nội có lẽ bụi nhất về đêm: Nhóm công nhân sửa đường thổi bụi thẳng vào mặt người dân - Ảnh 5.

Công nghệ "thổi bụi" trước khi trải thảm nhựa là trở nên lạc hậu, tuy nhiên Hà Nội vẫn đang áp dụng biện pháp này.

Hoạt động này diễn ra từ 22h đêm đến 5h sáng hôm sau.
Hà Nội có lẽ bụi nhất về đêm: Nhóm công nhân sửa đường thổi bụi thẳng vào mặt người dân - Ảnh 7.

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, lớp bụi trắng xoá còn ảnh hưởng tới sức khoẻ người đi đường.

Hà Nội có lẽ bụi nhất về đêm: Nhóm công nhân sửa đường thổi bụi thẳng vào mặt người dân - Ảnh 8.

Người dân khó khăn di chuyển qua con đường "đau khổ".

Dự kiến hoạt động sửa chữa, nâng cấp đường còn diễn ra trong vòng 1 tháng nữa.

Nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp dùng máy nén khí thổi bụi chỉ nên áp dụng với những con đường làm mới, xa khu dân cư. Nhiều tuyến đường chính nội đô như Nguyễn Trãi hay Hoàng Cầu, thì nên thay thế biện pháp khác, như đầu tư xe quét đường kiêm hút bụi. Các loại xe hút bụi của Hà Nội hiện nay đều có thể hút được bụi, cát và đá nhỏ nếu sử dụng sẽ hiệu quả hơn dùng máy nén khí thổi tung bụi từ nơi này sang nơi khác.

Trước đó, theo chánh văn phòng UBND Hà Nội, tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao, nguyên nhân một phần từ thi công các công trình. Xác định bước đầu, cơ quan chức năng của TP đã thống kê 12 nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí, gồm: Khí xả thải ô tô, xe máy; Tình trạng đun bếp than tổ ong, bếp củi; Thực trạng phá dỡ các công trình xây dựng và xây dựng các công trình không đúng quy trình; Vận chuyển vật liệu xây dựng; Mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; Mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; Đốt rơm rạ, rác; Thu gom rác thải chưa tốt; Ô nhiễm ao hồ lâu năm; Bùn thải chưa được xử lý; Khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; Tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

Hà Nội có lẽ bụi nhất về đêm: Nhóm công nhân sửa đường thổi bụi thẳng vào mặt người dân - Ảnh 10.

Quán nước vỉa hè "chìm nghỉm" trong "màn sương".

Hà Nội có lẽ bụi nhất về đêm: Nhóm công nhân sửa đường thổi bụi thẳng vào mặt người dân - Ảnh 11.

Công nhân thổi bụi chính là những người bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất sau khi phải liên tục làm việc nhiều tiếng đồng hồ.

Bộ Y tế khuyến cáo, hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí

1. Đối với người dân:

- Thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố.

- Hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

- Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường.

- Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

- Với người hút thuốc lá: nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá.

- Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.

- Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống.

- Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga.

- Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

2. Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu cần lưu ý:

- Thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn.

- Hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

- Cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

- Trong thời điểm này nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời.

- Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.

Chia sẻ