Hà Nội có các ca nhiễm Covid-19: Đây là những việc đặc biệt quan trọng bác sĩ khuyến cáo mọi người cần làm ngay!

ĐỖ ĐỖ,
Chia sẻ

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường, bác sĩ Trương Hữu Khanh đã đưa ra một số lời khuyên quan trọng, yêu cầu mọi người cần cùng nhau thực hiện đầy đủ, chính xác.

Tối ngày 6/3 vừa qua, Bộ Y tế đã chính thức công bố thông tin trường hợp nhiễm Covid- 19 thứ 17 tại Việt Nam. Bệnh nhân là một cô gái 26 tuổi, tên là N.H.N, làm quản lý khách sạn, có địa chỉ thường trú tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội.

Bệnh nhân N. đã đi du lịch tại Anh, Pháp, Italy và trở về Hà Nội ngày 1/3/2020 trên chuyến bay VN0054 của hãng hàng không Việt Nam Airline, máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 4h30 sáng ngày 2/3. Đến ngày 5/3, bệnh nhân N. nhập viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung và đã được bệnh viện làm xét nghiệm Covid-19, kết quả dương tính.

Trước thông tin này, rất nhiều người dân Hà Nội hoang mang, lo lắng lo đi tích trữ nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa nhiễm - Nội thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM): "Bệnh nhân N. trở về Việt Nam ngày 2/3 và được đến viện cách ly hôm 5/3, khoảng thời gian 4 ngày này bệnh nhân có chủ động cách ly tại nhà nên khả năng lây lan ra cộng đồng thấp, chính vì vậy việc người dân tích trữ đồ ăn là không cần thiết. Điều này chỉ nhằm giải tỏa cảm xúc cá nhân mà thôi".

Hà Nội có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên: Không phải tích trữ đồ ăn, đây mới là những việc đặc biệt quan trọng bác sĩ khuyến cáo mọi người cần làm gấp! - Ảnh 1.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa nhiễm - Nội thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM)

Bác sĩ Khanh khẳng định mọi người cần bình tĩnh, không nên quá hoảng loạn bởi nếu trong tình huống xấu nhất là bị cách ly thì bạn vẫn sẽ được nhà nước cung cấp nhu yếu phẩm. Thay vào đó cần tập trung thực hiện một số biện pháp phòng bệnh do Bộ Y tế khuyến cáo.

Bác sĩ Khanh cho biết: "Tiếp nhận các ca bệnh mới ở Việt Nam là một tin không vui nhưng chúng ta cần phải tỉnh táo để thực hiện một số việc nên làm trong thời điểm này".

Cụ thể như sau:

Những hành khách đi cùng chuyến bay với bệnh nhân số 17 cần làm gì?

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chúng ta có quyền hi vọng bệnh nhân N. đã đeo khẩu trang và rửa tay khi lên chuyến bay VN0054 ngày 1/3, bởi lúc này bệnh nhân đã có triệu chứng ho, sốt, như vậy khả năng lây lan bệnh cũng thấp hơn.

Bên cạnh đó, những hành khách đi cùng chyến bay với bệnh nhân N. cần thực hiện một số lưu ý dưới đây:

- Nên tìm hiểu hoặc khi đọc báo hãy hình dung xem người nhà mình có trong chuyến bay đó hay không.

- Nếu mình chính là hành khách của chuyến bay đó thì cần phải nhớ lại xem mình ngồi ở hàng ghế nào, đồng thời người đó phải tự cách ly 14 tức là cách ly đến ngày 15/3. Đặc biệt, bất cứ lúc nào xuất hiện có triệu chứng ngay lập tức phải đi khám bệnh và nói rõ với bác sĩ rằng mình đã có mặt trên chuyến bay VN0054.

- Những người đi trên chuyến bay đó cần để ý xem trong cơ quan, trong gia đình có nhiều người có cùng triệu chứng bệnh đường hô hấp giống nhau hay không. Nếu nhiều người cùng mắc bệnh đường hô hấp giống nhau thì đó chính là chùm ca bệnh. Mọi người cần phải đi tới ngay cơ sở y tế để xác định xem mình có là nguồn lây hay không. Trong thời gian mình nghi ngờ mình là nguồn lây thì mình phải bảo vệ người xung quanh bằng cách luôn phải đeo khẩu trang, thực hiện biện pháp tự cách ly.

- Đối với người dân đi trên chuyến bay, đi ngang qua chuyến bay, kéo va-li đi trong khu vực bay thì cần phải hết sức bình tĩnh bởi vì chúng ta lo lắng cũng không thể giải quyết điều gì. Tình huống đã xảy ra trước đây tại Vĩnh Phúc, Thanh Hóa cho thấy tinh thần rất quan trọng, nếu vì lo lắng mà mất ngủ suốt đêm sẽ khiến sức đề kháng suy giảm trầm trọng.

Hà Nội có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên: Không phải tích trữ đồ ăn, đây mới là những việc đặc biệt quan trọng bác sĩ khuyến cáo mọi người cần làm gấp! - Ảnh 4.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Người dân sống cùng khu vực với bệnh nhân số 17 cần làm gì?

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh nhân số 17 sau khi về nước đã tự cách ly tại nhà, khi đi viện cũng đem khẩu trang y tế và đã ngay lập tức được cách ly nên khả năng chủ yếu chỉ có thể lây cho gia đình.

Tuy nhiên, người dân sống cùng khu vực, những người có tiếp xúc với bệnh nhân này phải tự bảo vệ mình và bảo vệ người thân của mình (đặc biệt là những người có nguy cơ như người trên 60 tuổi, người có có tiền sử bệnh tiểu đường, tim mạch, bệnh mãn tính…) bằng cách: Đeo khẩu trang, mở cửa thông thoáng, rửa tay thường xuyên theo hướng dẫn Bộ Y tế. Nếu miền Bắc đêm lạnh thì nên bật máy sưởi, không nên nằm trong điều kiện phòng lạnh quá, nên sử dụng quạt gió, nên dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh cơ thể, nghỉ ngơi, uống nhiều nước.

Các bệnh viện, phòng khám tư cần làm gì?

Bác sĩ Khanh cho rằng điều quan trọng nhất là tất cả bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện - phòng khám tư cần phải hình thành phản xạ hỏi về dịch tễ và phát hiện chùm ca bệnh. 

Hãy hỏi xem tại khu vực bệnh nhân sống có chùm ca bệnh hay không. Thậm chí, trước khi nhập viện hay trước khi cho bệnh nhân vào nằm ở khoa chăm sóc đặc biệt, bác sĩ đều cần hỏi lại bệnh nhân thông tin dịch tễ và chùm ca bệnh một lần nữa để chắc chắn.

Hà Nội có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên: Không phải tích trữ đồ ăn, đây mới là những việc đặc biệt quan trọng bác sĩ khuyến cáo mọi người cần làm gấp! - Ảnh 6.

Tất cả bệnh nhân vào viện đều cần được hỏi thăm về thông tin dịch tễ và chùm ca bệnh. (Ảnh minh họa. Nguồn: AFP)

"Tất cả đều cần làm như vậy để hạn chế người có nguy cơ đi chỗ này chỗ kia phát tán dịch bệnh", bác sĩ Khanh nói.

Nếu bệnh nhân trả lời có đặc điểm chùm ca bệnh và có một số triệu chứng bất thường, bệnh viện nên đưa người này vào khu các ly riêng, sau đó mời các chuyên gia đến làm xét nghiệm.

 - Ảnh 1.

Chia sẻ