Hà Nội cho phép rút khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vắc xin AstraZeneca
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản đồng ý với đề xuất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phương án rút khoảng cách giữa 2 mũi vắc xin AstraZeneca phòng COVID-19 về còn tối thiểu 4 tuần thay vì chờ tới 8 tuần trở lên mới tiêm mũi 2 như trước đó quy định.
CDC Hà Nội cho biết đề xuất này cũng dựa trên hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trong văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19. Cụ thể, đối với vắc xin AstraZeneca, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị triển khai tiêm trả mũi 2 sau mũi 1 từ 4 tuần trở lên.
Đồng thời với sự thay đổi này Hà Nội hướng tới hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân nhanh nhất, an toàn và hiệu quả, đáp ứng công tác phòng chống dịch, tạo miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.
Hà Nội đã được Bộ Y tế phân bố hơn 11,4 triệu liều vắc xin (số liệu từ cổng thông tin tiêm chủng quốc gia). Đến sáng 14/11, Hà Nội đã tiêm được 11,04 triệu liều cho hơn 6,11 triệu người, trong đó, 4,9 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi.
CDC Hà Nội cho biết, tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên đã đạt khoảng 93% tuy nhiên chỉ mới gần 70% số này được tiêm đủ 2 mũi. Đặc biệt, với nhóm người trên 50 tuổi tiêm vắc xin mũi 1 và mũi 2 lại thấp hơn các nhóm khác.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết hiện còn khoảng 1 triệu người trên 50 tuổi đang chờ đến thời hạn được tiêm mũi 2 bắt đầu từ ngày 15/11.
TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho rằng, nhà sản xuất khuyến cáo liều hai cách liều một của vắc xin AstraZeneca là 4-12 tuần thay vì 8-12 tuần.
Tuy nhiên, việc chọn khoảng cách giữa hai mũi tiêm từ 8-12 tuần bởi đây là khoảng thời gian vắc xin sẽ cho hiệu quả bảo vệ tối ưu, tức là miễn dịch tạo ra trong khoảng thời gian 8-12 tuần sẽ ở mức độ cao hơn thời điểm trước 8 tuần. Vấn đề là phải cân đối giữa việc chọn sớm có bảo vệ hay muốn bảo vệ ở mức độ cao.
Bác sĩ Thái nêu rõ, các nghiên cứu cho thấy, khoảng cách hai liều là 8-12 tuần thì hiệu quả vắc xin phòng nhiễm bệnh cao hơn, còn việc phòng bệnh nặng và nhập viện thì hai phương án này không chênh nhau nhiều, vẫn trên 90%.
"Nếu tiêm hai liều với khoảng cách này, vắc xin có thể đạt hiệu quả cao phòng nhiễm tới 83%, phòng thể nặng và nhập viện trên 90%, trong khi tiêm trước 8 tuần tỷ lệ bảo vệ phòng nhiễm chỉ khoảng 71%. Tuy nhiên, tỷ lệ phòng thể nặng và nhập viện không chênh nhiều, vẫn trên 90%".
Theo bác sĩ Thái, tại vùng có dịch nên tiêm sớm, còn những vùng không có dịch thì nên cố gắng chờ đến 8 tuần thì tiêm. Chung quan điểm này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn tại Khoa Nhiễm - Thần kinh thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, việc rút ngắn thời gian tiêm chủng lợi nhiều hơn hại. Bác sĩ thông tin thêm, theo hướng dẫn của nhà sản xuất, khoảng cách giữa 2 liều tiêm có thể là từ 4-12 tuần, đặc biệt trong mùa dịch cần tiêm sớm.
Liên quan đến vấn đề khoảng cách tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19, ngày 20/9, trong công văn trả lời đề xuất của tỉnh Long An và Sở Y tế TP HCM, Bộ Y tế cho hay theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vắc xin Astra Zeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22 hiệu lực bảo vệ của vắc xin đạt 69,2%; sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần đạt 55,1%, sau từ 6-8 tuần đạt 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%. Theo hướng dẫn của nhà sản xuất mũi 2 nên được tiêm trong khoảng từ 4-12 tuần sau mũi 1. Còn Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo khoảng cách giữa 2 mũi vắc xin này từ 8 - 12 tuần.
Hồi tháng 7, Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca hoặc vắc xin Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca là sau 8-12 tuần kể từ ngày được tiêm mũi 1.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố căn cứ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hướng dẫn của nhà sản xuất và hướng dẫn của Bộ Y tế về tiến độ tiêm chủng, hiệu lực của việc bảo vệ khi tiêm mũi 2 để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố về thời gian tiêm vắc xin mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca. Thời gian tối thiểu giữa hai mũi vắc xin phải do thành phố và tổ chức triển khai thực hiện.