Gỏi lá Kon Tum - Sự mát lành của núi rừng Tây Nguyên

Kỳ Vân Dương,
Chia sẻ

Gỏi lá là món ngon đến từ tinh hoa núi rừng Tây Nguyên, dùng tới hơn 30 loại rau lá để thưởng thức.

Ngay từ tên món ăn, có lẽ thực khách đã nghĩ đến linh hồn của món gỏi này phải chăng toàn lá? Dân du lịch thường kháo nhau nếu có dịp đến Kon Tum, ghé bàn nhậu thì đừng quên thưởng thức gỏi lá. 

Gỏi lá Kon Tum - Sự mát lành của núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 1.

Gỏi lá - Đậm hương sắc núi rừng Tây Nguyên

Mang đậm hương sắc núi rừng Tây Nguyên, gỏi lá khắc ghi trong lòng người ta những vị nguyên sơ nhất của sương núi gió ngàn. Món cuốn là đặc sản của người Việt, nhưng mỗi vùng miền lại có sự kết hợp và phong cách thưởng thức khác nhau. 

Nếu gỏi nhệch của Kim Sơn (Ninh Bình) người ta chú trọng đến phần nước chẻo chấm gỏi giúp bật lên hương vị của thịt cá nhệch thì gỏi lá Kon Tum lại mang đến một "thiên đường" các loại rau lá.

Gỏi lá Kon Tum - Sự mát lành của núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 2.

Ngoài một số loại rau thơm, lá cơ bản vùng núi rừng nào cũng tìm được thì có những loại lá đặc sản chỉ thấy ở Tây Nguyên. Những triền đất đỏ bazan nuôi dưỡng các loại cây lá mang một hương vị khác lạ, như lá trâm, ngành ngạnh đỏ, mật gấu, lá bứa,... 

Hương vị "đặc sệt" núi rừng ấy kết hợp với hương vị quen thuộc như lá sung, ổi, lộc vừng, xoài non, đinh lăng, càng cua, tía tô, mơ,... sẽ đưa thực khách đi từ cung bậc này đến cung bậc kia một cách khoan khoái và tự nhiên.

Cách ăn gỏi lá hết sức giản dị

Phần chẻo chấm gỏi được làm khá đặc biệt khi dùng gạo nếp lên men ủ với tôm khô, thịt ba chỉ rồi mang xay nhuyễn cùng mẻ, sa tế và một vài loại hạt gia vị bản địa. Cũng giống như một số loại chẻo chấm ở vùng khác, chẻo chấm gỏi lá được thêm cả tinh bột nghệ để có màu vàng ươm, hấp dẫn.

Gỏi lá Kon Tum - Sự mát lành của núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 3.

Phần nhân ăn kèm gỏi lá là thịt ba chỉ luộc thái mỏng, tôm chẻ đôi, bì lợn thái sợi. Các bát nguyên liệu được bày biện với mâm lá kèm theo muối hột, hành tím thái lát, ớt xiêm và tiêu xanh.

Gỏi lá Kon Tum - Sự mát lành của núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 4.

Gỏi lá không cần đến các loại bánh đa nem hay bánh phở để cuốn. Gỏi lá được tận dụng ngay các loại lá to bản, cuốn thành hình phễu sau đó lót các loại rau lá khác vào. Đặt vào trong lòng thịt luộc thái mỏng, bì lợn, tôm rồi dội phần nước chấm lên. Phủ bên trên là ớt xanh, tiêu xanh hoặc chùm ruột.

Gỏi lá Kon Tum - Sự mát lành của núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 5.

Đưa miếng gỏi lá vào miệng, thưởng thức sự hòa quyện của các loại nguyên liệu. Để hương vị đầy đặn hơn, người ta sẽ ăn thêm các loại lá khác nữa như khế, xoài, chuối chát, rau má, đinh lăng,...

Thịt ba chỉ và tôm nơi nào cũng có, nhưng linh hồn đọng lại nơi vị giác chính là hương thơm của các loại lá từ núi rừng. Ngoài bốn vị cơ bản chua, cay, mặn, ngọt trong gỏi lá, thực khách sẽ cảm nhận được thêm vị ngon đặc trưng của các loại rau lá kết hợp mà thành.

Thật khó để xếp hạng gỏi lá trên bàn ăn, điều này còn phụ thuộc vào tinh thần thưởng thức của thực khách. Tuy nhiên, chỉ một lần thử nhắm với món gỏi lá đặc biệt này, rời phố núi Kon Tum rồi, nhiều khi lòng vẫn thổn thức nhớ về hương vị của núi rừng Tây Nguyên ấy thôi!

Gỏi lá Kon Tum - Sự mát lành của núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 6.

Chia sẻ