Góc khuất đài truyền hình sau vụ MC thời tiết để lại thư tuyệt mệnh

Ngọc Ánh,
Chia sẻ

Kênh truyền hình tổng hợp Channel A cho biết những dòng nhật ký cuối đời của MC thời tiết Oh Yoanna vừa được gia đình công bố. Cuốn nhật ký được viết vào tháng 2/2023, ghi lại những cuộc đấu tranh của cô với nạn bắt nạt ở đài MBC.

Nhật ký của MC bị bắt nạt

Hôm 19/2, kênh truyền hình tổng hợp Channel A cho biết những dòng nhật ký của MC thời tiết Oh Yoanna vừa được gia đình công bố. Cuốn nhật ký được viết vào tháng 2/2023, ghi lại cuộc đấu tranh của cô với nạn bắt nạt ở nơi làm việc.

Oh Yoanna cũng nhắc đến những chia sẻ trực tiếp của cô với các quan chức đài MBC - nơi cô làm việc vào thời điểm đó. Hai ngày trước khi viết nhật ký, cô đã gặp gỡ lãnh đạo đài để thảo luận về việc gia hạn hợp đồng.

Góc khuất đài truyền hình sau vụ MC thời tiết để lại thư tuyệt mệnh - Ảnh 1.

Oh Yoanna bị đồng nghiệp bắt nạt.

Oh Yoanna viết: "Các đồng nghiệp tiền bối tập hợp tất cả lỗi sai tôi mắc phải và nộp lên cấp trên. Họ liên tục chửi rủa tôi trong nhóm chat. Tôi rất đau lòng. Tôi đã tránh họ và uống rượu".

Một lãnh đạo của MBC biết chuyện và khuyên cô nên giải quyết tình hình nội bộ.

Liên quan đến chuyện gia hạn hợp đồng, MC Oh Yoanna cho biết cô phạm sai lầm lớn, căng thẳng đã xảy ra khi cô liên tục xin lỗi.

"Họ có vẻ càng tức giận hơn. Tôi không giỏi diễn đạt và cũng không phải kiểu người giao tiếp nhanh nhạy hay cư xử ngọt ngào, nên tôi nghĩ đã có nhiều hiểu lầm xảy ra", nữ MC viết trong nhật ký.

Oh Yoanna gia nhập MBC tháng 5/2021 và trở thành MC thời tiết chính vào tháng 10 cùng năm. Cô qua đời vào tháng 9/2024 nhưng đến đầu năm 2025, thư tuyệt mệnh mới được Maeil Newspaper công bố. Nhiều người cho rằng MBC thao túng dư luận, che đậy uẩn khúc về cái chết của nhân viên."MBC không tiến hành điều tra về vụ bắt nạt", Maeil Newspaper khẳng định.

Nữ MC từng tiết lộ thường bị đồng nghiệp giữ lại sau giờ làm để gây khó dễ. Khi gặp sai sót, một người trong số đó thường đổ lỗi cho cô, thậm chí cáo buộc cô vô lễ với tiền bối.

Góc khuất đài truyền hình sau vụ MC thời tiết để lại thư tuyệt mệnh - Ảnh 2.

Nữ MC từng tiết lộ thường bị đồng nghiệp giữ lại sau giờ làm để gây khó dễ.

Không chịu nổi áp lực, Oh Yoanna báo cáo sự việc lên cấp trên nhưng không được hỗ trợ. Park Ha Myung, Choi Ah Ri và Lee Hyun Seung là ba đồng nghiệp bị cáo buộc có hành vi bắt nạt Oh Yoanna. Tuy nhiên MBC vẫn để những cá nhân bị cáo buộc tiếp tục lên sóng, trong khi gia đình nạn nhân đã công khai lên tiếng.

Tiền bối chèn ép hậu bối là chuyện thường thấy

Sau vụ việc của Oh Yoanna, một phát thanh viên dự báo thời tiết tiết lộ với tờ Maeil: “Đó là những gì xảy ra khi các đài phát thanh không can thiệp vào văn hóa thâm niên phân cấp". Văn hóa này được hiểu như thực trạng "ma cũ bắt nạt ma mới" ở nơi công sở.

Ở đài phát thanh - truyền hình, sự cạnh tranh giữa các MC về thời lượng lên sóng, cơ hội lên sóng ở chương trình nổi tiếng là điều dễ thấy.

Ở Hàn Quốc, văn hóa kkondae khiến giới trẻ e dè. Kkondae là tên gọi tiếng lóng dành cho thế hệ “lão làng” tại Hàn Quốc. Theo đó, những người lớn tuổi hơn thường có tính cách cố chấp, nghiêm khắc quá mức. Họ luôn lấy tuổi tác và kinh nghiệm làm việc của mình để bắt nạt những người trẻ tuổi, buộc phải nhún nhường, hạ mình trước họ.

Góc khuất đài truyền hình sau vụ MC thời tiết để lại thư tuyệt mệnh - Ảnh 3.

Hiện tượng kkondae xuất hiện cả ở trường học.

Giáo sư tâm lý học Lim Myung Ho của Đại học Dankook nhấn mạnh, những kkondae không coi mọi người bình đẳng trong mối quan hệ xã hội. Họ luôn cho rằng những người lớn tuổi hơn có nhiều kinh nghiệm sống hơn, thời gian làm việc lâu hơn và hiểu biết nhiều hơn. Do đó, họ có quyền sai khiến và áp đặt quan điểm lên người khác.

Giáo sư Kwak Geum Joo của Đại học quốc gia Seoul nhận định: "Bất kỳ tổ chức nào tại Hàn Quốc hiện nay cũng có hiện tượng kkondae, kể cả trường học. Tại công sở, kkondae dựa trên số năm làm việc, còn ở trường học là số năm ngồi trên ghế nhà trường. Chỉ cần một chút xíu chênh lệch thôi cũng đủ để khiến một người có thái độ kkondae".

Theo các chuyên gia, nạn kkondae khó giải quyết hơn ở lớp trẻ. Những người già thực sự thường không sinh hoạt chung với lớp trẻ nên ít xung đột hơn. Những kkondae trẻ lại thường xuyên tiếp xúc với người cùng lứa tuổi, gây nên nhiều mâu thuẫn.

Chia sẻ