Giữa phố đồ ăn Tây hiện đại đông đúc, vẫn tồn tại một hàng cháo ruốc truyền thống cực ngon
Nhắc đến ngõ Huyện thì nhiều người biết đó là một con phố náo nhiệt với những dãy nhà hàng ẩm thực Tây Tàu hiện đại. Tuy nhiên, con ngõ có cái tên cổ xưa ấy cũng tồn tại một gánh cháo không tên vừa ngon vừa lâu đời.
"Bao giờ cho đến tháng Ba, hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn". Nhưng tháng Ba rồi trời lại càng lạnh thêm, chẳng ai dám cất chăn vì ban ngày còn buốt cóng. Ai cũng ngại ra đường, và chỉ thích nhấm nháp những thứ ngon lành ấm nóng.
Xế chiều thường hay đói bụng, rét thế này thì ăn gì cho ngon? Thay vì những món ăn vặt như bánh khoai bánh chuối, chè lạnh, thịt xiên... thì có vẻ như cháo là một gợi ý không tồi. Món này thì khắp Hà Nội đâu đâu cũng có chỗ bán, song nếu thích đóng vai một người ưa khám phá, thích nếm những hương vị cũ xưa đặc trưng Hà thành, thì hãy thử ghé hàng cháo sườn không tên ngay đầu ngõ Huyện, đoạn giao với phố Nhà Chung, cách Nhà Thờ Lớn vài chục mét, để cảm nhận nét truyền thống trong bát cháo được lưu giữ cách nấu suốt gần 20 năm.
Góc phố thân thuộc với hàng cháo lề đường gắn bó với nhiều thế hệ
Quán mở cả ngày từ sáng sớm đến tận chiều tối, hoặc đến khi hết hàng là dọn, nhưng ngày cuối tuần trời mưa rét như thế này thì cô chủ quán tạm nghỉ nửa buổi. Nhiều người ra ngõ ăn cháo, không biết quán nghỉ nên lại chưng hửng đi về. Tôi cũng ngẩn người nhìn cái chỗ tường sơn cũ xỉn thường ngày có nồi cháo to đùng nghi ngút khói, hôm nay cô chủ quán không bán ư? Đang tần ngần nghĩ xem nên ăn gì để đỡ phí công ra đường, thì may quá, gánh cháo quen thuộc xuất hiện từ cuối ngõ. Một đứa trẻ đứng cạnh tôi reo ầm lên: "Bố ơi bác ấy ra rồi, con muốn ăn thật nhiều quẩy". Người đàn ông trung niên xoa đầu bé, gật gật hiền hoà.
Cô Luyến - em dâu cô Mai chủ quán cháo với dáng vẻ quen thuộc bên nồi cháo.
Vị cháo sườn ruốc ngon lành giản đơn nơi này đã theo suốt tuổi thơ nhiều người.
Nói là đặc biệt thì tôi khó có thể chỉ cho bạn biết được món cháo ngõ Huyện đặc biệt ở đâu, nhưng nếu bảo bình thường thì lại là thiếu sót lớn. Tôi chỉ biết là rất nhiều thế hệ người Hà Nội đến ăn ở gánh cháo cũ này, bức tường nơi có dãy ghế nhựa chiếc lồi chiếc lõm cho khách ngồi ăn đã thay biết bao màu sơn, nắng mưa đi qua nơi đây đã gần 2 thập kỷ, chỉ duy nhất hương vị cháo thì ngày càng in sâu trong lòng người. Cô Mai (57 tuổi) chủ quán cháo không tên ngồi yên lặng bên vỉa hè, con phố Nhà Chung đoạn giao ngõ Huyện hôm nay hơi vắng, chỉ có những đoàn khách Tây dắt díu nhau ngó nghiêng qua đường.
"Quán này cô mở cách đây cũng 17, 18 năm rồi. Ngày nào cũng dậy từ 4h sáng để nấu, ninh xương luộc thịt làm ruốc. Cô làm bình thường thôi, từ gạo đến thịt đều rất đơn giản và truyền thống, không hề khác lạ hay pha trộn thứ gì mới vào cả. Nhiều người thích ăn kiểu như thế, ví dụ trẻ con và các cụ già ăn mỗi cháo không thôi". Bao năm nay cô Mai chỉ bán duy nhất 2 món là cháo ruốc quẩy và cháo trai. Ruốc có thể cất đi, riêng trai thì cô chỉ làm trong ngày, vì thịt trai xào sẵn để lâu không ngon, sẽ bị tanh và chảy nước. Cái nào cô cũng làm rất sạch sẽ gọn gàng, mang từ nhà ra bán, nhà cô ngay trong ngõ nên cũng tiện.
Cứ đi qua đầu ngõ Huyện - Nhà Chung rất dễ thấy hàng cháo sườn lâu đời này.
Ngày nào cũng có khách du lịch đi qua, tò mò với món ăn bình dân của mùa đông Hà Nội.
Gần 20 năm nay thực khách đều biết tiếng, người nọ rủ người kia, tuy ngồi ở hàng cháo ấy chẳng có bàn ghế sang chảnh gì, đến chiếc mái che còn không có, nhưng cái thú vị mà mọi người thích nhất là được bưng bát cháo giữa không gian thoáng đãng, ngồi ngắm phố xá, hoa nở lá rụng, thong thả hít khí trời và rùng mình khi có gió lạnh thổi qua. Ngõ Huyện ngắn tí nhưng lại có khá đông nhà hàng, quán ăn, món Tây món Tàu sơn hào hải vị đủ cả. Song, khác biệt hẳn với những nơi sang chảnh rực rỡ đèn nến ấy, gánh cháo không tên lâu đời nhất nhì đoạn quanh khu Nhà Thờ vẫn nhộn nhịp mỗi ngày với cả trăm người ghé qua ăn.
Góc phố nhỏ xinh với những chiếc rổ to nhỏ, quẩy, sườn, hành, ruốc.
Một muôi cháo ngọt lịm vị gạo nguyên chất...
... thêm vài miếng sườn sụn non giòn giòn hấp dẫn
... chục miếng quẩy nóng thơm lừng
... là đủ đầy cho một buổi chiều đông lạnh giá, nhấm nháp bình yên giữa phố xá ồn ào.
Có gì cầu kỳ hoa mỹ đâu, nồi cháo trắng ninh nhuyễn như bột, được băm thêm ít thịt nạc vai, nêm gia vị nhàn nhạt, khách thích ăn mặn thì cho nhiều ruốc vào bát, ăn lạt thì để không, thêm vài miếng quẩy cắt nhỏ, rắc lớp hạt tiêu nóng hổi cay nồng là đủ để xì xụp ăn mãi không chán. Thìa cháo vào miệng tan ngay nơi đầu lưỡi, ban đầu hơi nóng, sau cảm nhận được vị ngọt của gạo, ruốc. Cháo ruốc quẩy còn được cho thêm cả sườn sụn non, nếu bạn thích nhai thứ gì đó dai giòn sần sật thì đó là lựa chọn hợp lý để ăn chung với cháo.
Một bát tô cháo đầy ú ụ có giá từ 20- 25 nghìn đồng, tuỳ vào khách yêu cầu ăn nhiều hay ít. Ai đến ăn lần đầu cũng nghĩ là hơi đắt, nhưng nếu biết được cách cô Mai nấu cháo, biết được hương vị món ăn quen thuộc này đã duy trì qua hàng chục năm, sẽ thấy cái giá ấy là quá rẻ để mua được một trải nghiệm ẩm thực truyền thống.
17 năm, 17 mùa mưa nắng, với hàng chục nghìn người từng ngồi đây, bao thế hệ người Hà Nội, du khách khắp thế giới ghé qua ăn cháo sườn.
Hai cô gái xinh đẹp Ngọc Anh và Trang (Hàng Bông) vô tình biết đến hàng cháo sườn ngõ Huyện, nhưng ăn 1 lần rồi thành thích mê.
Trang chia sẻ: "Cháo ở đây ngon lắm, vừa quen vừa lạ, không giống ở đâu cả, ruốc ngọt hơn những nơi mình từng ăn. Lần nào mình cũng ăn 2 - 3 bát, còn thêm cả sườn mà vẫn chưa hết thèm, chưa no".
Khoảnh khắc hạnh phúc ấm lòng giữa trời đông giá lạnh.
Bát cháo giản dị mang theo bao kỉ niệm, vui thích, nhớ nhung, nghĩ đến là thèm.
Có thể nhiều người không xếp món cháo ngõ Huyện vào hàng tinh hoa, nhưng hãy suy nghĩ đơn giản thôi. Một bát cháo nhỏ ấy chứa đựng sự tần tảo chịu khó của người phụ nữ sống cả đời nơi phố cổ Hà Nội, chứa đựng niềm vui của bà chủ hàng cháo là mỗi sớm chiều có lũ trẻ ríu rít ghé ăn, rồi biết bao nụ cười của khách du lịch tò mò đi qua hỏi han xem món gì, ăn có ngon không, nấu ra làm sao... Đôi khi, thưởng thức đồ ăn dân dã vỉa hè cũng là nghệ thuật cuộc sống, nhẹ nhàng, hợp thời điểm. Chỉ vậy thôi.