Giữa lòng Hà Nội, có 1 khu tập thể "nghệ sĩ" cổ xưa mà "đẹp lạ" ít người biết đến
Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi không ở đó... nhưng lại có những góc sân và khoảng trời thật đẹp, thật lạ, đầy vẻ cũ kỹ xa xăm, chỉ ở khu tập thể này mới có.
Sau những ngày mùa hè bất tử, tôi cảm thấy hạnh phúc đến từng tế bào khi được cảm nhận cái lạnh tái tê đọng trên da thịt, trên chiếc áo dạ xù tôi đang khoác, trên phố ảm đạm một buổi trưa cuối tuần. Lạnh, nên chẳng mấy ai ra ngoài. Lạnh, nên người ta trở nên lười biếng. Lạnh, khiến ta bâng khuâng, nhớ về một điều gì đó xa xôi trong tiềm thức. Chẳng biết nữa. Tôi lao ra đường lang thang.
Hà Nội của tôi vẫn rộng lớn và ồn ào. Giữa những cái xa hoa phồn thịnh khiến người ta choáng ngợp, tôi thích đi tìm vài góc nhỏ bé khác lạ để cân bằng lại trái tim hiếu động luôn muốn nhảy nhót không ngừng. Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi không ở đó. Nhưng vô tình tôi lại bắt gặp một nơi vừa lạ lẫm vừa thân quen, lọt thỏm trong một không gian hoàn toàn khác lạ. Đó là khu tập thể cũ đi từ phố Hai Bà Trưng, với nhiều dãy nhà thấp le te tường vàng cửa xanh đậm hơi thở thập kỷ 70 - 80, mấy quán cafe, khách sạn cổ... đan xen nhau theo cách riêng nấp dưới bóng cây hoàng lan cổ thụ. Thật không ngờ, giữa chốn đô thành vẫn còn một nơi cổ điển trùm lên mình rêu phong của một thời xa ngái.
Lối đi nhỏ mà to để vào khu tập thể nằm lẫn giữa những ki ốt bán hàng nhộn nhịp đầu phố Hai Bà Trưng
Bước vào con ngõ là một thế giới biệt lập khác hẳn sự ồn ào náo nhiệt ngoài kia, cái gì cũng cũ xưa, làm bạn hồi hộp, tò mò
Chầm chậm nhìn ngắm những căn nhà nhỏ san sát, chồng lên nhau như mô hình lego đủ màu sắc, tôi bị cuốn theo tiếng piano vang lên đầy mê hoặc từ góc nào đó. Kéo chặt vạt áo, tôi lần theo âm thanh dịu ngọt. "Em ơi, hãy sống như loài mèo...". Giọng của một cô gái dễ thương quá! Đứng trước khung cửa sổ đã ngả màu, tôi đưa tay chạm vào những viền gỗ đã tróc sơn. Hình như là một lớp dạy nhạc tại gia.
Một căn nhà có kiến trúc lạ tôi chưa từng nhìn thấy bao giờ, mất cả tiếng đồng hồ để đứng ngắm
Tôi thấy một chiếc giá vẽ tranh gỗ treo trên tường. Đám dây điện cũ nhằng nhịt, đọng đầy sương. Tôi tưởng mình hoa mắt, hình như cả bức tường toàn giá vẽ khổng lồ? Lại gần, ngắm kỹ hơn, thì ra là tường gạch còn nguyên khung gỗ, có lẽ từ lâu lắm rồi. Chẳng ai biết khu tập thể này tồn tại bao nhiêu năm rồi, một thế kỷ, 70 năm, hay ít hơn? Tôi tò mò lắm, nhưng thôi, không biết lại hay, cứ khám phá, ngắm nghía, và cảm nhận hương vị cũ xưa thôi. Nghe chú giữ xe đầu ngõ bảo, chỗ này là tập thể nghệ sĩ, rất nhiều người yêu nghệ thuật sống ở đây, có gia đình đã vài thế hệ.
Tuy nhiên, điều buồn nhất tôi vừa mới biết, là nơi này sắp bị dỡ bỏ để xây trung tâm thương mại, nó quá già nua rồi. Tự nhiên tôi nghe trong lòng có cái gì đó rớt "bịch" một phát. Vừa gặp gỡ đã cảm thấy lưu luyến nôn nao, chẳng thể ngờ sắp phải chia tay con ngõ này vĩnh viễn. Nếu biết sớm hơn, tôi đã thường xuyên tới đây để tìm hiểu hết mọi ngóc ngách. Nơi này, quả thực rất hợp với những người có tâm hồn phóng khoáng, yêu sự khác lạ, cổ điển, yên tĩnh.
Một dãy nhà vừa sơn lại cách đây không lâu, thâm thấp, san sát, tỏa sáng giữa trời đông ảm đạm
Khung cảnh quen thuộc, chật chội, ngổn ngang, như nhiều tập thể cũ khác khắp Hà Nội
Mọi lối đi trong khu tập thể đều nhỏ hẹp, nhưng cao vút, ngước lên có thể nhìn thấy bầu trời xam xám, vẽ những tán cây xanh, vàng và những dây phơi quần áo sặc sỡ. Điều đặc biệt mà tôi nhận ra là nơi này có nhiều cây cổ thụ khá lạ, mọc lên từ kẽ tường, mái nhà, cửa sổ, có cây to đùng, bộ rễ to khỏe lan khắp nơi trên tường, nhưng không ai chặt bỏ, cũng chẳng phàn nàn kêu ca. Dường như, chúng đã trở thành một phần máu thịt, gắn bó với cuộc sống lâu năm ở đây.
Người dân trong khu tập thể khá đông, nhưng buổi trưa thật vắng lặng. Chỉ thỉnh thoảng có người xách nước, bê đồ lạch xạch qua ngõ. Cụ già râu tóc bạc phơ mặc áo bông chần kiểu từ thời bao cấp, xanh bộ đội, run rẩy đi bộ từ dãy nhà này sang dãy nhà khác, đôi mắt mờ đục xa xăm, khiến tôi cảm giác như cả một đời người thu gọn trong ấy.
Những cái cây đầy rễ to đùng, bí hiểm, mọc đầy trên những bức tường rêu cũ kỹ
Một cánh cổng ở ngay trung tâm khu tập thể, trong khoảng sân này là quán cafe, rạp chiếu phim nhỏ và một khách sạn rất đẹp, với các cầu thang gạch quanh co nối với nhau thành hình vuông, rất thú vị. Kiến trúc nơi đây hầu như không thay đổi gì, mọi người đều cố gắng gìn giữ những nét cổ xưa truyền thống nhất. Bức mành hoa cỏ tự nhiên khiến không gian nơi này thật khiến lòng người lưu luyến.
Có rất nhiều thế hệ người Hà Nội, cả người nơi khác, như cô Hạnh (60 tuổi) bán hàng rong từ Văn Giang ( Hưng Yên) lên thủ đô, đã gắn bó với khu tập thể này từ rất lâu rồi. Vừa dọn hàng, bán hàng cho khách, vừa hồ hởi kể chuyện, người phụ nữ có làn da đen sạm và nụ cười móm mém ấy làm một góc ngõ trở nên ấm áp vô cùng.
“Cô bán hàng trên này cũng được hơn 30 năm rồi. Ngày xưa cô và mọi người trong làng chỉ đi bộ thôi, vượt hơn 20 cây số, từ Văn Giang đến Chợ Mơ, chợ Hôm, rồi vòng lên phố cổ. Cứ một gánh một người, từ bán lá sen cho người ta gói đồ, như túi nilon bây giờ đó, đến bán gạo mậu dịch, rồi gà qué, đậu đỗ từ quê lên”.
Cô bảo, thời còn trẻ, còn sức, 1 tháng cô đi bán đủ 30 ngày. Giờ già yếu, cô vẫn tự đi được xe máy, mang hàng lên đây bán, nhưng chỉ vài buổi 1 tuần, các con cô đã lớn cả, sống và làm ở Hà Nội luôn, chúng không muốn mẹ phải vất vả thêm nữa. Nhưng cô hóm hỉnh bảo, quen rồi, không đi không chịu được, cái góc ngồi xổm bán trứng với hành tỏi mà tôi đang ngồi cùng là cô đã mòn mông cả thập kỷ rồi. Chẳng biết cô tìm ra nơi này từ bao giờ, chắc vô tình biết sau những lần lang thang bán rong quanh phố cổ. Người dân trong khu tập thể đã quen với hình dáng của cô, người phụ nữ nhỏ nhắn gần như trưa nào cũng tranh thủ vào bán hàng một lát rồi đi.
Cô Hạnh đã bán hàng rong trong khu tập thể được hơn chục năm, còn thâm niên mòn gót đất Hà Nội cũng ngót nghét ba chục
Đây là một quán cơm nằm sâu trong ngách khiến tôi tò mò về những vị khách đến ăn
Chú Hiệp, 42 tuổi, mới chuyển đến sống ở tập thể nghệ sĩ được vài năm, nhưng anh chị ruột của chú thì gắn bó với nơi này đã rất lâu rồi
Chú bán hàng lặt vặt nước nôi ở đầu ngõ, ngoài mặt đường sầm uất, trưa về, chú cho mấy con mèo nhỏ ăn trong căn bếp tuềnh toàng đặt ngoài cửa. Chú bảo, thích không gian yên tĩnh biệt lập ở đây, người dân hiền lành, quý mến nhau lắm. Chỉ có cuối tuần là ở đây đông, khách du lịch quá bộ vào chơi, xem phim, nghe nhạc, hoặc có người đi lạc, giống như tôi.
Một góc nhỏ đậm chất nghệ sĩ của khu tập thể mang cái tên nghệ thuật
Những nếp nhà đơn sơ mộc mạc, với giàn gấc chưa chín, vấn vương hơi ấm như gia đình của ta
Cảm giác thật lạ lẫm, thích thú khi giữa thành phố chật chội bon chen, lại có một góc trầm lắng, thoáng đãng như thế này
Nơi này, có lẽ từng là trung tâm văn hóa nào đó, gỗ đã rơi rụng hết, nhưng người dân vẫn giữ đó như dấu tích mà họ yêu thương...