Chuyện những ngày cuối của khu tập thể cũ sinh đôi "nghiêng nhất Hà thành"
Hàng trăm người dân tại khu tập thể "nghiêng nhất Hà Nội" đang cố gắng đi qua những ngày bình thường như gần nửa thế kỷ qua vẫn thế, nhưng thực ra, trong lòng ai cũng gợn sóng lăn tăn về một ngày mơ hồ nào đó trong tương lai, không còn được thức dậy ở mảnh đất cũ xưa này nữa...
Chuyện chung cư, tập thể cũ xuống cấp, thành “di tích lịch sử” tại Hà Nội không hề hiếm, bởi bên cạnh những công trình kiến trúc hiện đại hoành tráng, giữa lòng thủ đô vẫn tồn tại những khu nhà thuộc hàng “cao tuổi” xây dựng từ rất lâu rồi. Cuộc sống của người dân tại các khu tập thể cũ khắp Hà thành có muôn màu muôn vẻ, nhưng tất cả đều có một điểm chung là họ ước ao được “lột xác” nơi ở của mình.
Với hàng chục hộ dân tại khu tập thể Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội), thì cuộc sống của họ có phần đặc biệt đáng chú ý hơn, bởi dãy nhà sinh đôi xây dựng từ hàng chục năm trước đang… bị nghiêng, mỗi năm “xiêu vẹo” thêm một ít và tất cả đều nằm trong kế hoạch di dời của thành phố. Hàng trăm con người từ già trẻ lớn bé đều đồng lòng với dự án quy hoạch lại khu tập thể cũ, song bao năm trôi qua, họ vẫn sống với nỗi lo âu thấp thỏm, mông lung, không biết bao giờ mới có chỗ ở mới?...
Chẳng ai rõ khu tập thể Ngọc Khánh bao nhiêu tuổi, nhưng các cụ già sống lâu nhất ở đây cũng đã ngót nghét 80. Có lẽ vì quá già nua nên 2 dãy nhà sinh đôi sát nhau đang bị nghiêng hẳn sang 2 bên, ai cũng nhìn thấy rõ từ nhiều năm nay.
Bước vào trong khu tập thể, không khó để nhận ra những nét đặc trưng tại khắp các gầm cầu thang: đồ đạc chất ngổn ngang, chật hẹp, ẩm thấp, cũ mốc.
Cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây vẫn tiếp diễn bình thường từ ngày phát hiện bị nghiêng, nhưng chính vì thế nên lắm hộ dân chẳng buồn tu sửa nhà cửa, cứ để nguyên những vết tích của sự cũ kỹ.
Mặc những lo âu chồng chất, nhịp sống thường nhật tại khu tập thể xinh xắn này vẫn đang tiếp diễn, với rất nhiều điều thú vị. Nếu có dịp đi ngang qua đây, chỉ cần ghé vào vỉa hè, dựng xe xịch phát, kêu cô béo chủ quán nước ngay trước sân tập thể cho một ly chanh muối mát lạnh, ngồi ngắm nghía 5 tầng nhà cũ kỹ, nghe các bác trung niên vừa đánh cờ vừa tán gẫu, kiểu gì cũng bắt gặp những khoảnh khắc đời thường giản dị rất đỗi Hà thành, chẳng lẫn vào đâu cả.
Cả khối nhà to đùng tường quét ve vàng (giờ đã chuyển sang nâu xì), cửa thì màu xanh lá đúng kiểu Hà Nội cũ, ban công, cửa sổ nhà nào cũng đầy cây cối hoa cỏ, quần áo phơi đủ màu, những cánh cổng sắt hoa văn ngả màu thời gian, rèm cửa "chăn con công" gợi nhớ về một thời xưa... Tất cả hương vị thời gian đều có thể tìm thấy tại đây, khiến ai cũng bồi hồi xao xuyến.
Phía dưới sân khu tập thể là các hàng quán vỉa hè đầy màu sắc, cứ chiều chiều là lại đông vui, trở thành nét quen thuộc bình dị không thể thiếu với người dân sống tại đây.
Những cái ban công "thò" ra như thế này thường được dân cư trong tập thể tận dụng làm không gian nghỉ ngơi, thư giãn, giữa... chằng chịt dây điện, cáp, net và lồng sắt.
Khu tập thể Ngọc Khánh được xây theo lối kiến trúc khá lạ so với các nhà tập thể cũ khác, lắp ghép kiểu Liên Xô, độ bền 100 năm, nhiều mảng tường bao, vách ngăn, cửa sổ… có hoạ tiết rất ấn tượng. Và một điểm cộng khiến nhiều người thích sống ở đây, là mặt tiền khu nhà nhìn thẳng ra hồ Giảng Võ, lúc nào cũng thoáng, gió thổi mát rượi. Thành ra, mấy chục năm nay, từ người già đến trẻ con trong dãy nhà sinh đôi đều có thói quen ngắm nghía khung cảnh trước căn hộ mình ở, xen lẫn với đường phố tấp nập và hàng quán ồn ào, tạo thành bức tranh đặc biệt có cả màu sắc lẫn âm thanh không đâu giống được.
Chiều râm mát, các bà các mẹ bế con cháu ra chơi đùa ngoài ban công.
Lan can nhà nào cũng đầy hoa cỏ, tô điểm khắp toà nhà, phủ thêm sức sống cho cả mảng màu tối om cũ xỉn của những bức tường.
Bác Tích (79 tuổi) - tổ trưởng dân phố của cả dãy tập thể sinh đôi đã ở đây cùng gia đình được 30 năm. Nhà bác có tổng cộng 7 người, 3 thế hệ, sống ở đầu cầu thang tầng 4.
“2 dãy nhà thì mỗi dãy đều có 5 tầng, mỗi tầng lại có 5 căn hộ. Tuy hơi chật chội, đúng kiểu thời bao cấp, và ai cũng biết chỗ này mỗi ngày lại bị nghiêng thêm một tẹo, nhưng cuộc sống sinh hoạt vẫn tiếp diễn bình thường.
Tôi gắn bó với nơi này quá lâu rồi, cá nhân tôi yêu thích mọi thứ tại đây, từ bậc cầu thang đến chiếc loa phường ngay trước cửa ban công. Mọi nhu cầu thiết yếu ở xung quanh đây đều có cả, rất tiện lợi, không chỉ tôi mà nhiều người khác trong khu tập thể đều không muốn rời đi. Bất đắc dĩ vì cả toà nhà bị nghiêng nên chúng tôi nhất trí xây dựng lại, nhưng đến ngày nào đó phá dỡ đi rồi, chúng tôi không biết liệu có được đảm bảo cuộc sống mới tốt hơn không?...”. Bác Tích vừa chia sẻ vừa ngước nhìn ra phía hồ Giảng Võ.
Bác Tích là nhân chứng sống tại khu tập thể nghiêng sinh đôi, 3 thế hệ trong gia đình bác cùng chung sống đã hơn 30 năm.
Bác Tích và hàng trăm người dân khu tập thể Ngọc Khánh đều yêu thích nhịp sống chậm rãi, yên bình ở đây, đến một ngày khung cảnh quen thuộc này biến mất, chắc chắn ai cũng rất buồn và tiếc nuối.
Gần 80 “cái xuân xanh” rồi nhưng bác Tích vẫn rất khoẻ mạnh minh mẫn, như thể mới ngoài 50. Hàng sáng bác đi tập thể dục, đi chợ nấu cơm, đưa đón 2 cháu đi học, rồi ở nhà đọc sách, chăm sóc người vợ già bị tai biến liệt giường đã mấy tháng nay. Cái ban công trước nhà, mấy chậu cây đã nở đầy hoa. Hình như Hà Nội đã sang thu, nên gió thổi se se luồn qua tán cây già hơn cả tuổi khu tập thể. Bác ngồi tần ngần nhìn ra cửa, trên khuôn mặt đồi mồi sương gió ẩn hiện bao ký ức của ngày tháng đã qua. Bác nhớ nhiều chuyện về cuộc sống hàng ngày trong khu tập thể lắm, kể ra chắc mất vài tuần!
Nghĩ đến tương lai sắp tới, dù chưa biết rõ lúc nào phải rời đi nhưng nhiều người vẫn hay bâng khuâng, nhớ lại những kỷ niệm trong dãy tập thể già nua.
Từng bậc cầu thang mòn vẹt đã nghiêng hẳn sang 1 bên theo cả khối nhà, mang trên mình dấu tích của bao nhiêu thế hệ, con người qua lại.
Dù biết dãy nhà đang xuống cấp trầm trọng và ở trong tình trạng nguy hiểm, mọi người vẫn phó mặc số phận, chờ đợi ngày di dời không biết bao giờ mới thành hiện thực. Sáng sáng tối tối, các cụ già vẫn tập thể dục vòng quanh sân, lũ trẻ vẫn chơi đùa, đạp xe, đá bóng trên vỉa hè, trốn tìm trong những góc cầu thang cũ kỹ. Bao thế hệ sinh ra và lớn lên tại đây đã chứng kiến những thăng trầm, kỷ niệm của khu tập thể, và khi nhắc đến chuyện di dời, ánh mắt họ lại đượm vẻ tiếc nuối. Họ đang cố gắng sống những ngày bình thường như gần nửa thế kỷ qua vẫn thế, nhưng thực ra, trong lòng ai cũng gợn sóng lăn tăn về một ngày mơ hồ nào đó trong tương lai, không còn được thức dậy ở mảnh đất cũ xưa này nữa…