Giữ hồn trung thu: Chiêm ngưỡng "bảo tàng" diều sáo

Giang Hoàng - Nguồn ảnh afamily.vn,
Chia sẻ

Ba gian nhà của nghệ nhân Nguyễn Gia Đỗ ở làng Diều bá Dương Nội (Hà Nội) đều được treo những cánh diều tựa như một "bảo tàng" nho nhỏ về diều sáo.

Tuổi thơ tôi lớn lên theo những triền đê xanh và những cánh diều đã đi vào ký ức từ những buổi chiều cắt cỏ chăn trâu, những đêm trăng sáng vằng vặc nghe tiếng sáo diều vi vu trong gió. Tìm về nhà nghệ nhân diều Nguyễn Gia Đỗ, làng Bá Dương Nội (Đan Phượng, Hà Nội), chúng tôi không chỉ được chiêm ngưỡng những cánh diều sáo mà còn được nghe những câu chuyện truyền tích về một thú chơi đã có từ hàng trăm năm nay.

Làng Bá Dương Nội vốn được mệnh danh là làng diều, bởi lẽ phong trào chơi diều của làng đã có từ xa xưa. Theo những bậc tiền nhân, tướng Nguyễn Cả sau khi giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân đã từ quan về làng, dạy người dân biết dùng tre bánh tẻ phơi nắng, lấy nhựa sung, giấy bồi dán vào khung tre chơi trò thả diều. Còn Thần phả của làng lại cho rằng, nguồn gốc diều Bá Dương Nội có từ thời Thần Linh Châu Thổ hay còn gọi là thần Diều từ hàng nghìn năm trước.

Cho đến hôm nay, hội thi diều của làng vẫn đều đặn diễn ra vào rằm tháng ba âm lịch hàng năm. Ông Nguyễn Gia Đỗ đã chơi diều từ những ngày thơ bé và đến nay đã có thâm niên vài chục năm. Ông cũng là người đã dạy cách làm diều cho hàng nghìn bạn trẻ mỗi mùa trung thu ở bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Hàng chục năm làm diều truyền thống, dường như nghệ thuật chơi diều, thả diều đã ngấm vào máu thịt ông. Ba gian nhà ông đều được treo những cánh diều tựa như một "bảo tàng" nho nhỏ về diều sáo. Tổng cộng có đến hàng chục cánh diều với "bề dày thành tích", từng được đi dự các cuộc thi thả diều trong và ngoài nước.

Ông Đỗ cho biết, để làm được một chiếc diều sáo truyền thống thì cánh diều phải làm từ những thân tre bánh tẻ không mọt, phất bằng giấy gió. Cánh diều có hình vầng trăng khuyết bởi lẽ người Việt là cư dân nông nghiệp, mọi sinh hoạt đều theo sự đầy vơi của con trăng. Ngoài ra nó cũng đảm bảo về nguyên tắc khí động học cho cánh diều giữ được thăng bằng.


Nghệ nhân Nguyễn Gia Đỗ đã có thâm niên vài chục năm chơi diều, làm diều.


Cánh diều mô tả ba trích đoạn về sự ra đời của làng diều Bá Dương Nội: những đứa trẻ chăn trâu thả diều; thần diều trả đàn trâu của làng về trong cơn bão và sự ra đời của miếu thờ thần diều.

Cánh diều có bốn chữ: Cao-Diệu-Trường-Huy, theo ông Đỗ là ngụ ý cánh diều cao đẹp mãi mãi giữa trời đất.


Cánh diều chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với biểu tượng gác Khuê Văn.


Nghệ nhân Nguyễn Gia Đỗ đang lắp sáo cho cánh diều. Ông cho biết: "có người cả đời vẫn không làm được một tiếng sáo có "hồn". Cả đời ông làm hàng trăm bộ sáo nhưng cho đến nay chỉ có khoảng ba bộ ưng ý."


Có bộ sáo đã được trả đến 100 USD nhưng ông từ chối vì làm được bộ sáo hay là kỳ công và cơ may cả đời của người chơi diều.


Ông ít bán diều bởi lẽ không phải ai cũng chơi được diều. Có cánh diều hay nhưng vào tay người thường thì không thể thả được.


Cái độc đáo nhất của cánh diều Việt là tiếng sáo diều vi vu trong gió và khả năng bay cao vô cùng trong không trung.


Ông Đỗ cũng thử nghiệm làm một vài loại diều khác như diều hình chim phượng nhưng vẫn tâm đắc nhất với những cánh diều sáo.


Bây giờ, đa số chơi diều vải, diều Trung Quốc vì đẹp mắt và hầu như ai cũng có thể thả được nhưng những cánh diều sáo truyền thống vẫn có một vị trí riêng.
Chia sẻ