Giới trẻ Trung Quốc ngày càng "lười" kết hôn
Xã hội Trung Quốc đang thay đổi nhiều giá trị và quan niệm. Hôn nhân, theo đó, không còn là "nghĩa vụ" mà trở thành sự lựa chọn.
Chị Joanne Su đang làm việc cho một công ty thương mại tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc). Dù sở hữu mức thu nhập khá và có thể thoải mái chi tiêu cho những nhu cầu cá nhân, người phụ nữ này vẫn đau đáu một nỗi lo mang tên: Độc thân tuổi 30.
Nhưng đây chỉ là suy nghĩ của 2 năm về trước.
"Hồi đó, tôi cảm thấy 30 là ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời. Khi ấy, tôi rất áp lực trong việc tìm kiếm một nửa phù hợp để kết hôn. Bố mẹ cũng tạo ra khá nhiều áp lực cho tôi". Bước sang tuổi 32, chị Su vẫn độc thân, nhưng những lo lắng trước đây không còn nữa. "Cưới một người mà bạn không thích, rồi sau đó lại ly hôn ư? Thật là lãng phí thời gian" – chị chia sẻ.
Joanne Su và rất nhiều những người trẻ Trung Quốc khác đang có xu hướng trì hoãn hoặc trốn tránh hôn nhân. Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ trong vòng sáu năm, số người Trung Quốc lần đầu tiên kết hôn đã giảm 41%, từ 23,8 triệu người vào năm 2013 xuống chỉ còn 13,9 triệu người trong năm 2019.
Ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc có xu hướng trì hoãn hoặc trốn tránh hôn nhân (Nguồn: CNN)
Theo giới chức Trung Quốc, nguyên nhân của sự sụt giảm này một phần đến từ các chính sách hạn chế gia tăng dân số của nước này trong nhiều thập kỷ qua. Sự thay đổi quan điểm về hôn nhân, đặc biệt ở những phụ nữ trẻ tuổi, cũng là một trong những yếu tố tác động đến quyết định kết hôn.
Bất bình đẳng giới tại Trung Quốc cũng khiến phụ nữ đại lục dường như không còn đặt nhiều niềm tin vào hôn nhân. Chị Xiao Meili – một trong những nhà hoạt động bảo vệ nữ quyền hàng đầu Trung Quốc cho biết, một số người đàn ông thậm chí còn lên mạng xã hội và lăng mạ vợ mình là "một con lừa kết hôn" – một thuật ngữ đầy tính xúc phạm ám chỉ những người phụ nữ phải phục tùng theo những quy tắc khắt khe sau khi về nhà chồng.
"Kiểu công kích cá nhân này thật sự là một sai lầm. Nó cũng thể hiện thái độ sợ hãi hôn nhân của nhiều người phụ nữ. Hy vọng rằng họ có thể hiểu ra quan niệm bất công này để hành động." – chị Xiao, người từng đi bộ 2.000km kêu gọi cải cách luật lạm dụng tình dục trẻ em chia sẻ.
Tỷ lệ kết hôn giảm đang là vấn đề lớn đối với giới chức Bắc Kinh (Nguồn: CNN)
Tỷ lệ kết hôn giảm đang là vấn đề lớn đối với giới chức Bắc Kinh. Theo Yang Zongtao, một quan chức thuộc Bộ Nội vụ Trung Quốc, "Hôn nhân và sinh con có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Vấn đề này cần được đặt lên hàng đầu. Bộ Nội vụ sẽ cải thiện các chính sách xã hội liên quan và tăng cường tuyên truyền về những giá trị tích cực về tình yêu, hôn nhân và gia đình".
NHỮNG CON SỐ THỐNG KÊ ĐÁNG BÁO ĐỘNG
Năm 2019, tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc giảm 33% so với năm 2013, đánh dấu mức thấp kỷ lục trong 14 năm. Sự sụt giảm này một phần do chính sách một con được áp dụng vào năm 1979 nhằm kiểm soát dân số Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính sách này vô hình trung tạo ra một cuộc khủng hoảng dân số. Vào năm 2014, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm lần đầu tiên sau hơn ba thập kỷ. Một năm sau đó, chính phủ Trung Quốc tuyên bố chấm dứt chính sách một con, cho phép các cặp vợ chồng được sinh hai con. Dù chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2016, tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh tại quốc gia này vẫn tiếp tục giảm. Từ năm 2016 đến năm 2019, tỷ suất sinh giảm từ 13 con/1.000 phụ nữ xuống còn 10 con/1.000 phụ nữ.
Chính sách một con ảnh hưởng đến tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc. Quan niệm thích đẻ con trai tại các gia đình đại lục dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính, đặc biệt tại những vùng nông thôn. Hiện tại, Trung Quốc dư thừa 30 triệu nam giới – những người sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cô dâu.
Chính sách một con được áp dụng vào năm 1979 nhằm kiểm soát dân số Trung Quốc (Nguồn: CNN)
Trung Quốc không chỉ là quốc gia duy nhất có tỷ lệ kết hôn giảm. Trên toàn cầu, tỷ lệ kết hôn cũng giảm sau vài thập kỷ, đặc biệt tại các quốc gia phương Tây giàu có. Wei-Jun Jean Yeung, nhà xã hội học thuộc Đại học Quốc gia Singapore chuyên nghiên cứu các vấn đề về hôn nhân và gia đình tại châu Á cho biết, so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) hay Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc vẫn có tỷ lệ kết hôn cao nhất.
SỰ THAY ĐỔI VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI
Vào những năm 1990, chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh triển khai chính sách giáo dục bắt buộc, giúp những trẻ em gái tại các khu vực đói nghèo được đi học. Đến năm 2016, phần lớn các sinh viên đại học là nữ giới. Với trình độ học vấn được nâng cao, phụ nữ Trung Quốc ngày càng độc lập về tài chính. Hôn nhân, theo đó, không còn là điều cần thiết như trước đây. "Phụ nữ bây giờ muốn theo đuổi sự nghiệp và phát triển bản thân trước khi kết hôn" – Yeung chia sẻ.
Cả nam giới và nữ giới tại Trung Quốc đều đang trì hoãn hôn nhân (Nguồn: CNN)
Mặc dù vậy, những chuẩn mực trong truyền thống gia đình tại Trung Quốc là điều khó có thể thay đổi. Nhiều gia đình vẫn cho rằng, phụ nữ phải đảm đương toàn bộ việc nhà và chăm sóc con cái, ngay cả khi họ đang có công việc toàn thời gian. Yeung nói: "Một cuộc hôn nhân bao hàm quá nhiều thứ với rất nhiều trách nhiệm đi kèm". Bên cạnh đó, thực trạng bất bình đẳng giới cũng khiến phụ nữ khó có thể theo đuổi sự nghiệp của riêng mình.
Theo Li Xuan, trợ lý giáo sư tâm lý học thuộc Đại học New York Thượng Hải, bất bình đẳng giới khiến nhiều phụ nữ trẻ tại Trung Quốc do dự khi tiến tới hôn nhân. Hơn nữa, áp lực và sự mệt mỏi trong công việc khiến người trẻ không có nhiều thời gian và năng lượng để xây dựng các mối quan hệ mới và bắt đầu cuộc sống hôn nhân.
Thống kê cho thấy cả nam giới và nữ giới tại Trung Quốc đều đang trì hoãn hôn nhân. Theo Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, từ năm 1990 đến năm 2016, độ tuổi kết hôn trung bình ở nữ giới tăng từ 22 lên 25. Độ tuổi kết hôn trung bình ở nam giới cũng tăng từ 24 lên 27. Ở những thành phố lớn, ví dụ như Thượng Hải, vào năm 2015, độ tuổi kết hôn trung bình ở nam giới thậm chí lên tới 30, trong khi ở nữ giới là 28.
Phụ nữ Trung Quốc ngày càng có vị thế kinh tế và xã hội, tiêu chuẩn bạn đời cũng cao hơn (Nguồn: CNN)
Chị Su thường nghe những người bạn đã kết hôn chia sẻ về những gánh nặng trong cuộc sống hôn nhân. Chị cho rằng, một khi điều kiện kinh tế được cải thiện, phụ nữ có thể lựa chọn sống một mình. Kết hôn và sinh con sẽ khiến chất lượng cuộc sống của những người phụ nữ giảm sút.
Việc phụ nữ ngày càng có địa vị về kinh tế và xã hội khiến những yêu cầu tìm kiếm bạn đồng hành cũng cao hơn. "Theo truyền thống, phụ nữ Trung Quốc muốn 'kết hôn' - nghĩa là kết hôn với những người có học vấn và thu nhập cao hơn mình. Điều này vẫn tiếp tục được duy trì, ngay cả khi trình độ học vấn và thu nhập của người phụ nữ tăng lên" - Yeung chia sẻ.
Xã hội Trung Quốc đang thay đổi nhiều giá trị và quan niệm. Người trẻ Trung Quốc được hưởng nhiều sự tự do hơn thế hệ trước đây. Hôn nhân, theo đó, không còn là "nghĩa vụ" mà trở thành sự lựa chọn.
ÁP LỰC TÀI CHÍNH
Đối với người Trung Quốc, mua nhà là điều kiện tiên quyết để kết hôn. Vậy nên, người trẻ trì hoãn kết hôn đơn giản chỉ vì họ không đủ năng lực tài chính. Cha mẹ không phải lúc nào cũng đủ tiền dành dụm để hỗ trợ con cái.
Đối với người Trung Quốc, mua nhà là điều kiện tiên quyết để kết hôn (Nguồn: CNN)
Theo Li Xuan, hệ thống phúc lợi xã hội tại Trung Quốc khiến việc sở hữu một ngôi nhà gần như trở thành điều bắt buộc cho những cặp vợ chồng trẻ đang tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái của họ. Ví dụ, một ngôi nhà gần trường học sẽ giúp con cái họ dễ dàng tiếp cận một nền giáo dục tiên tiến. Và những cặp vợ chồng giàu có sẵn sàng trả giá rất cao cho những bất động sản đáng mơ ước này.
Áp lực tài chính không chỉ hiện hữu tại các thành phố lớn. Ở nông thôn, khi kết hôn, chú rể phải cho nhà gái một khoản tiền lớn, hoặc một căn nhà. Tục lệ này đã tồn tại trong nhiều thập kỉ tại Trung Quốc đại lục.
Joanna Wang, một sinh viên 24 tuổi đã quen bạn trai được ba năm. Dù dự định sẽ sống cùng nhau tại Thượng Hải ngay sau khi tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ, cô gái này vẫn chưa có ý định kết hôn. "Kết hôn tốn kém lắm. Tôi thì không thể kiếm tiền đủ nhanh để bù đắp những khoản phải chi".