Giáo viên được phép dạy thêm trong trường hợp nào?
Vấn đề dạy thêm, học thêm luôn là chủ đề nóng trong suốt thời gian qua và chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo quy định về dạy thêm và học thêm đang được thực hiện theo Thông tư 17/2012 do Bộ GD&ĐT ban hành, dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Những trường hợp giáo viên được phép dạy thêm
Để hoạt động học thêm, dạy thêm diễn ra đúng mục đích và mang lại hiệu quả, thông tư trên quy định trường hợp học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
Đồng thời, giáo viên không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.
Giáo viên không dạy thêm với học sinh được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
Đối với những giáo viên trường công lập, không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Ngoài ra, giáo viên trường công lập cũng không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh mình đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý.
Tương tự, giáo viên dạy tại trường tư hoặc trường quốc tế, nếu không dạy học sinh trong hệ thống của mình thì việc dạy thêm có thể được xem là hợp pháp, miễn không vi phạm hợp đồng lao động.
Yêu cầu đối với người dạy thêm
Để tham gia vào hoạt động dạy thêm, người dạy thêm cần đạt trình độ chuẩn đào tạo với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục và có đủ sức khoẻ. Ngoài ra, giáo viên phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân và các quy định của pháp luật; hoàn thành nhiệm vụ được giao tại cơ quan công tác.
Giáo viên tham gia hoạt động dạy thêm, không trong thời gian bị kỉ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.
Người dạy thêm cần được thủ trưởng cơ quan quản lý hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận các nội dung quy định tại khoản 3, khoản 4 điều này (đối với người dạy thêm ngoài nhà trường); được thủ trưởng cơ quan quản lý cho phép theo quy định tại điểm b, khoản 4, điều 4 quy định này (đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập).
Hiện, Bộ GD&ĐT đang tiến hành xây dựng, hoàn thiện dự thảo thông tư mới về quy định dạy thêm, học thêm. Sau khi dự thảo này thông qua và ban hành sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT về dạy thêm và học thêm đang thực hiện ở thời điểm này.