Cấm dạy thêm, học thêm và những biến tướng - Bài 2: Nhu cầu chính đáng
Ghi nhận của phóng viên tại một số trung tâm bồi dưỡng văn hóa ở Hà Nội cho thấy, nhu cầu học thêm của học sinh và phụ huynh là có thật và chính đáng.
Củng cố kiến thức
17h, tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa thuộc quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), nhiều phụ huynh từ các ngả đường đưa con em tới lớp học thêm. Các quán ăn xung quanh trung tâm dường như cũng nhộn nhịp hơn. Chị Nguyễn Thị Thanh Nga dúi vào tay con chiếc bánh mì và giục ăn nhanh để kịp giờ vào lớp.
Chị Nga cho biết, con gái chị đang học lớp 10 tại Trường THPT Trần Nhân Tông. Con học thêm môn Ngữ văn, môn Toán tại trung tâm. Sau thời gian tìm hiểu, chị Nga được biết ở trung tâm có nhiều giáo viên có tiếng đến từ các trường THPT trên toàn thành phố. Trong đó có thầy cô nổi tiếng luyện thi đại học từ trước tới nay.
Tại trung tâm này, đối tượng chủ yếu là học sinh THPT ôn luyện. Thời khóa biểu học tập diễn ra cả ngày với nhiều khung giờ phù hợp với học sinh chỉ học 1 buổi ở trường. Thầy Mạnh Hùng, giáo viên dạy Toán tại trung tâm cho biết, học sinh tìm đến trung tâm học xuất phát từ nhu cầu thực tế. Có học sinh muốn nâng cao trình độ để xét tuyển vào trường ĐH mong muốn, có học sinh muốn củng cố kiến thức.
“Học trên lớp, học sinh có học lực trung bình khó có thể tiếp thu hết kiến thức giáo viên truyền đạt. Các em tìm đến các lớp học thêm để nhờ giáo viên hỗ trợ”, thầy Hùng nói.
Vì nhu cầu tự thân nên các trung tâm bồi dưỡng văn hóa (nơi học thêm được cấp phép hợp pháp theo quy định của Bộ GD&ĐT) luôn được phụ huynh lựa chọn. Tại đây, phụ huynh được chọn học thầy cô mong muốn, học sinh được thoải mái vì thoát khỏi sự chi phối của “quyền lực mềm”.
Vấn đề nằm ở giáo viên?
Cứ đến 17h hằng ngày, Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa trên đường Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), tấp nập phụ huynh, học sinh. Đây là nơi học thêm của các học sinh tiểu học. Do học 2 buổi/ngày nên học sinh chỉ có thể học thêm ngoài giờ. Ca học thường kéo dài từ 17h30 đến 19h hằng ngày. Trung tâm bồi dưỡng 3 môn chính: Tiếng Việt , Toán và Tiếng Anh.
Chị Hải Yến, ở Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, 2 năm nữa con vào THCS, gia đình muốn con trúng tuyển vào Trường THCS chất lượng cao Chu Văn An của huyện Thanh Trì nên đầu tư cho con học thêm Toán. Trường THCS Chu Văn An hiện xét hồ sơ, nhưng theo chị Yến tìm hiểu, những học sinh trúng tuyển đều có học lực giỏi, cộng với rất nhiều giải thưởng tại các cuộc thi.
Để tăng cơ hội trúng tuyển vào trường, chị Yến đã cho con đi học thêm tại trung tâm, sau đó đăng kí tham gia các cuộc thi. “Để có suất vào học tại các trường THCS chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội, học sinh thường phải đạt giải ở một số cuộc thi nào đó. Nếu không, dù học bạ 5 năm toàn điểm 10 cũng khó có cơ hội”, chị Yến khẳng định.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực học thêm, dạy thêm sôi động nhất tại Hà Nội hiện nay là ở quận Cầu Giấy, Thanh Xuân. Tại đây, có nhiều trường THCS chất lượng cao như THCS Cầu Giấy, THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, THCS Ngôi Sao. Ngoài ra, có nhiều trường THPT chất lượng đào tạo tốt như THPT Yên Hòa, THPT Nhân Chính, THPT Cầu Giấy; có trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, THPT Chuyên Đại học Sư phạm, THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Đây là những khu vực được đánh giá có chất lượng giáo dục đồng đều từ tiểu học đến THPT. Không chỉ đáp ứng nhu cầu học ở quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, phụ huynh các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm cũng thường đưa con tới đây học thêm . Chính vì vậy, các trung tâm bồi dưỡng văn hóa luôn chật cứng học sinh học thêm với mong muốn tìm được cơ hội vào trường tốt.
Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa trên đường Nguyễn Khả Trạc (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) đón học sinh từ tiểu học đến THPT học hằng ngày. Nơi đây được giới thiệu là có nhiều giáo viên đến từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, giảng viên Trường ĐH Hà Nội… Ngoài tổ chức ôn luyện các môn văn hóa, trung tâm còn có các hội thảo, tọa đàm, tổ chức thi thử thu hút phụ huynh và học sinh quan tâm.
Về việc học thêm, dạy thêm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, nếu giáo viên đã giảng dạy nhiều lần mà học sinh không hiểu, hay ra đề kiểm tra mà phần đông học trò bị điểm thấp thì vấn đề nằm ở giáo viên. Cùng một chương trình học, cùng giáo viên trên lớp, mức độ tiếp thu của học sinh khác nhau. Thầy, cô giáo có thể chia làm 3 nhóm: nhóm đạt tiêu chuẩn (thường là 80%), nhóm vượt trội (chiếm 10%) và nhóm không theo kịp bạn bè (khoảng 10%).
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho hay, nhóm học lực yếu có nguyện vọng học thêm để theo kịp các bạn là cần thiết. Còn nhóm bình thường học để giỏi hơn và vào các trường tốt hơn.