Cấm dạy thêm, học thêm và những biến tướng - Bài 1: Nghịch lí dạy thêm
Việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh học sinh thì bị cấm, trong khi dạy thêm dưới dạng liên kết lại ngang nhiên tồn tại. Nhiều giáo viên sử dụng “quyền lực mềm” ép học sinh phải học thêm ở các điểm ngoài trường học gây bất bình cho phụ huynh và xã hội. Cần những giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này?
Trong khi giáo viên gặp bất lợi khi dạy thêm trong trường, các trường lại được phép tổ chức đào tạo liên kết ngoại ngữ với trung tâm bên ngoài. Các lớp học liên kết được nhà trường sắp lịch theo kiểu “cài răng lược” khiến gần như không lọt bất kỳ học sinh nào.
Núp bóng liên kết
Chị Nguyễn Phương Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, con trai đang học lớp 10 tại một trường THPT trên địa bàn quận. Trước khi vào chương trình học chính thức (sau ngày 5/9), nhà trường thông báo các tổ hợp môn tự chọn để phụ huynh và học sinh quyết định. Chị Phương Anh thấy lạ là lớp có tổ hợp Vật lí, Hóa, Sinh chỉ dành cho những học sinh lựa chọn học IELTS do nhà trường liên kết với bên ngoài. Muốn vào 2 lớp này học sinh phải trải qua một bài kiểm tra đánh giá của trung tâm tổ chức liên kết với trường. Những tổ hợp còn lại dành cho những học sinh không lựa chọn mô hình liên kết luyện IELTS.
Nhà trường còn kèm thêm một thông báo khi họp phụ huynh đầu năm: Tổ chức học tiếng Anh có người nước ngoài giảng dạy 1 tiết/tuần ở tất cả các lớp không luyện thi IELTS. Nói là chương trình tự nguyện theo nhu cầu của phụ huynh, học sinh nhưng thực tế tiết học lại được trường bố trí theo kiểu “cài răng lược” vào chương trình học chính khóa. Học sinh nào không học tiết tiếng Anh này sẽ phải ra khỏi lớp. Dù muốn con được học tổ hợp tự chọn Vật lí, Hóa học, Sinh học nhưng chị Phương Anh không được đáp ứng vì nhà chị không đủ điều kiện để vào lớp luyện thi IELTS liên kết với mức học phí 1,8 triệu/tháng.
Về tiết tiếng Anh có giáo viên nước ngoài, chị Phương Anh băn khoăn, cùng là dạy thêm trong trường nhưng tiết học này phụ huynh đóng học phí là 50 nghìn đồng trong khi những tiết học bổ trợ (một hình thức dạy thêm) của thầy cô trong trường dạy các môn văn hóa khác chỉ được thu 15 nghìn đồng theo quy định. Sự vô lí của 2 mức học phí này là do tiết học bổ trợ phải thực hiện theo quy định thu chi của ngành giáo dục Hà Nội, còn tiết dạy tiếng Anh liên kết với trung tâm ngoại ngữ là do thỏa thuận giữa nhà trường và trung tâm.
Nắm bắt được nhu cầu luyện thi chứng chỉ tiếng Anh của phụ huynh và học sinh để xét tuyển ĐH, gần như tất cả các trường THPT tại các quận nội thành của Hà Nội đều tổ chức liên kết dạy IELTS. Mức học phí dao động từ 1,8 - 2 triệu đồng/tháng (đối với các trường THPT công lập). Theo phản ánh của các phụ huynh, những lớp liên kết luyện chứng chỉ thường có “nhóm các giáo viên” dạy các môn văn hóa tốt đi kèm. Chính vì vậy, đây là những lớp học thường được các phụ huynh có điều kiện về kinh tế lựa chọn ở trong trường công lập.
Khi giáo viên thi triển “ quyền lực mềm ”
Năm 2012, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư quy định về dạy thêm học thêm (Thông tư 17). Thông tư quy định rất rõ: Không dạy thêm học thêm với trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày, trường tiểu học. Nhưng thực tế khác xa so với quy định của văn bản. Trước ngày kiểm tra giữa học kì I vừa qua, bé Hoàng Ngân (học sinh một trường tiểu học tại Hà Nội) hốt hoảng về nói với mẹ hôm trước cô cho đề cương ôn tập. Có một đề Hoàng Ngân không biết làm. Lên lớp, Ngân hỏi một số bạn được biết nếu tham gia lớp học thêm của cô chủ nhiệm và được cô hướng dẫn thì biết làm. Ngân lo lắng, về đề nghị mẹ cho đi học thêm ở lớp của cô chủ nhiệm.
Chị Phương Lê, mẹ của Hoàng Ngân chia sẻ, hằng ngày vợ chồng chị di chuyển từ ngoại thành vào nội thành để buôn bán nên các con phải theo bố mẹ học trường xa nhà. Do đó, gia đình không sắp xếp được thời gian đưa đón con học thêm các lớp ngoài giờ chính khóa của cô giáo chủ nhiệm. Dù có chút ấm ức nhưng chị Lê cũng không đáp ứng được mong mỏi của con.
Ghi nhận trên các diễn đàn có nhiều phụ huynh cho thấy, phần lớn phụ huynh đều bức xúc chuyện học thêm dạy thêm không phải vì lo tốn kém mà vì bị ép đăng kí học thêm dưới danh nghĩa “tự nguyện”. Nếu không học, giáo viên bằng cách nào đó sẽ cô lập hoặc gây khó dễ với học sinh. Chính việc học thêm “không trong sáng” đang khiến phụ huynh, dư luận xã hội phản ứng.
Anh Hà Tuấn có con học lớp 5 tại Hà Nội không ít lần bị giáo viên chủ nhiệm gọi tên trong nhóm Zalo của lớp phản ánh, phàn nàn tình trạng con học không tập trung, lực học ngày càng sa sút. Khi biết con có nguyện vọng thi vào trường chất lượng cao, giáo viên này còn không ít lần dè bửu con trên lớp: Học như này làm sao thi được vào trường chất lượng cao. Cực chẳng đã, từ đầu tháng 11, anh Tuấn đăng kí cho con học thêm lớp của cô chủ nhiệm vào sáng thứ 7 và tối thứ 4 hằng tuần. Gần 1 tháng nay, tên anh và con không còn xuất hiện trong nhóm Zalo của lớp. “Trong mối quan hệ giáo viên - học sinh ở trường, học sinh luôn yếu thế. Để đạt được mục đích dạy thêm, giáo viên không thiếu cách để ép phụ huynh, học sinh bằng quyền lực mềm”, anh Tuấn nhìn nhận.
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh việc học thêm, dạy thêm chỉ trở nên méo mó và mất đi giá trị khi bị chi phối và lạm dụng, biến tướng. Ngành nghề nào cũng phải thỏa mãn quy luật “cung - cầu” mới tồn tại và phát triển, giáo dục không ngoại lệ. Khách quan mà nói, dù có những giáo viên không dạy ở trường nào nhưng vẫn có học sinh theo học. Điều đó chứng tỏ họ có năng lực sư phạm tốt.
Điều mà dư luận quan tâm là làm sao ngăn chặn được việc dạy thêm do giáo viên ép buộc học sinh? Không có bất cứ lí do gì để biện minh cho việc dạy thêm tiêu cực, cho dù vin vào lí do lương không đủ sống.