Giáo dục đạo đức là cốt lõi của xã hội Nhật Bản: Học làm người mọi lúc, mọi nơi
Ở Nhật Bản, đạo đức không chỉ là một môn học mà còn đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ các khía cạnh trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Chương trình giáo dục đạo đức tại Nhật được xây dựng trên nền tảng pháp luật quốc gia với bộ tiêu chuẩn mà tất cả các trường học từ công lập đến tư thục đều phải thực hiện.
Đạo đức là bài học suốt đời về sự tự lập
Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể Thao và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) thống kê chương trình đạo đức tại các trường tiểu học bao gồm giảng dạy về hành vi trong đời sống, cảm nhận và phán đoán, phát triển nhân cách và thái độ sáng tạo, tầm quan trọng của việc ứng xử văn minh trong xây dựng đất nước.
Trang đầu tiên cuốn sách Đạo đức của học sinh Nhật Bản có một lời nhắn nhủ rất tâm huyết: "Bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào, bao nhiêu lần đi nữa, các em hãy mở cuốn sách đạo đức, để suy nghĩ xem trong cuộc sống, điều gì là quan trọng nhất đối với chúng ta và hãy phát huy nó trong đời sống của mình".
Ở trường học, ngay từ lớp 1 trẻ em đã được học cách chia sẻ suy nghĩa, thể hiện ý kiến cá nhân. Giáo viên chỉ đóng vai trò tổ chức lớp học, đưa ra câu hỏi chứ không dạy học theo kiểu đọc - chép.
Thực ra từ mẫu giáo, trẻ em Nhật đã được học các quy tắc ứng xử cơ bản, rèn luyện và thực hành đạo đức ngay trong sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ như, trẻ em được dạy việc chào hỏi cha mẹ khi thức dậy, trước khi đi học; trước khi ăn cơm phải nói câu "xin mời", rời khỏi nhà thì nói "con xin phép đi" hay "con đã về; gặp người quen biết đều phải chào hỏi.
Trẻ em Nhật Bản được giáo dục theo định hướng "đạo đức = tự lực cánh sinh". Mỗi cá nhân cần nỗ lực, làm chủ chính cuộc sống của mình để có thể hòa nhập vào môi trường đầy biến động của các giá trị văn hóa và tri thức.
Việc tự chủ, độc lập còn giúp học sinh có đời sống phong phú, có thể học tập mọi lúc, mọi nơi trong suốt cuộc đời và vận dụng hiệu quả, thích hợp những thành quả đó.
Đạo đức không đánh giá bằng điểm số
Người Nhật quan niệm, đạo đức hay nhân cách rất khó để đoán định, đánh giá thông qua học lực và hành vi tuân thủ hay không tuân thủ nội quy trường học.
Thay vào đó, giáo viên thường xuyên nhận xét và trao đổi với gia đình về các hoạt động cũng như tình trạng tâm, sinh lý của các học sinh. Giáo viên sẽ trực tiếp trao đổi và tư vấn định hướng với phụ huynh nếu có điều bất thường.
Và nhận xét của giáo viên sẽ không phải là "hạnh kiểm tốt/khá/trung bình/yếu kém" mà là "lạc quan, vui vẻ", "Cô đơn, không có bạn", "hướng nội" hay "hướng ngoại". Các thầy cô luôn cổ vũ học sinh tìm thêm các nguồn thông tin mới, phát hiện ra góc nhìn mới của vấn để.
Đó là một trong những lý do cốt yếu giúp người Nhật luôn là một trong những quốc gia có số lượng bằng sáng chế nhiều nhất thế giới với những sáng tạo lạ lùng và hữu ích không nơi nào có được.
Ở Nhật, không có thi học sinh giỏi và cũng không công bố công khai thành tích học tập. Thêm nữa, giáo viên có xu hướng chú trọng đánh giá những sản phẩm mà các em tự tạo ra trong quá trình học tập như tranh vẽ, tập san, sản phẩm thủ công...
Các kỳ thi có tính chất cạnh tranh ở trường là thi đấu thể thao, sáng tạo nghệ thuật hay nghiên cứu khoa học.
Ý thức tuân thủ kỷ luật tuyệt đối của người Nhật
Năm 2013, khi thảm họa động đất và sóng thần xảy ra ở vùng Đông Bắc Nhật bản, cả thế giới phải cảm phục hình ảnh của những đoàn người bình tĩnh xếp hàng nhận đồ tiếp tế và di chuyển trong im lặng chứ không phải cảnh tượng náo loạn, tranh giành thường thấy. Đó là kết quả của việc chú trọng giảng dạy đạo đức ở xứ sở hoa anh đào này.
Người Nhật luôn có ý thực trật tự, xếp hàng ngày cả trong những lúc khó khăn nhất.
Trong môn học đạo đức của người Nhật, có một triết lý giáo dục vô cùng sâu sắc về 4 hành động im lặng: Đọc sách trong im lặng, vệ sinh lớp học trong im lặng, suy nghĩ trong im lặng và di chuyển trong im lặng.
Học sinh Nhật sẽ dành 15 phút mỗi sáng để đọc sách trong không gian yên tĩnh. Các em có thể đọc những cuốn sách yêu thích tự mang đi, hoặc mượn từ thư viện. Đó cũng là cách người Nhật tập cho trẻ em thói quen đọc sách từ nhỏ.
Ở đất nước mặt trời mọc, các trường học không có người dọn vệ sinh, việc này sẽ do chính các học sinh đảm nhiệm. Đặc biệt, trong quá trình dọn vệ sinh tất cả đều giữ im lặng và tập trung vào phần việc được phân công. Đó là bài học để trẻ em "biết suy nghĩ đến người khác", rèn luyện sự nhẫn nại, tinh ý.
Sau đó, tất cả ngồi im lặng tĩnh tâm và suy nghĩ trong 1 - 2 phút.
Cuối cùng là bài học về "im lặng khi di chuyển". Trẻ em Nhật được dạy giữ im lặng, di chuyển nhẹ nhàng, trật tự tránh sự ồn ào và ảnh hưởng tới người xung quanh.
Khi trưởng thành, xã hội Nhật Bản đề cao lối sống dạo đức, có văn hóa, mỗi người dân luôn thể hiện trách nhiệm cao với chính bản thân và cộng đồng.
Bởi vậy, mặc dù phải tuần thủ rất nhiều quy tắc, lễ nghi trong giao tiếp, ứng xử nhưng người Nhật không hề cảm thấy gò bó hay áp lực. Bởi họ hiểu rằng, những quy tắc đó là điều giúp xây dựng một xã hội Nhật Bản văn minh, những con người Nhật Bản lịch sự và khác biệt.
Bài học đạo đức thể hiện trong từng ứng xử, sinh hoạt hàng ngày của người Nhật. Trẻ em không chỉ được rèn giũa ở trường, mà còn luôn được uốn nắn trong từng khía cạnh nhỏ nhất của cuộc sống. Đó là phần vô cùng quan trọng hình thành nên tính cách và phẩm chất của con người.
Mỗi người Nhật Bản đều hiểu được điều đó, tôn trọng những giá trị nhân văn và thực hiện lối sống đạo đức, văn minh trong từng việc nhỏ. Bởi vậy, cả thế giới vẫn luôn nể phục đất nước và con người Nhật Bản.