Giá trị của giáo dục
Không ít các bậc phụ huynh đã bất ngờ khi biết rằng, chi phí cho việc nuôi và đảm bảo việc học hành cho một đứa con lại chiếm phần không hề nhỏ trong quỹ tài chính của mình.
Từ giá cả
Với phép tính nhân cơ bản, giả sử ở Việt Nam nuôi một đứa trẻ trung bình hết 5 triệu/tháng (chi phí cho từng giai đoạn có thể biến động) và cần 18 năm chu cấp để đứa trẻ bước vào đại học (chưa kể chi phí hỗ trợ nếu con cái vẫn chưa thể tự lập sau 18 tuổi), thì mỗi gia đình tiêu tốn cho một đứa con khoảng:
5.000.000 VND x 12 tháng x 18 năm = 1.080.000.000 VND
Không ít bậc cha mẹ đã bất ngờ với phép tính này!
89% cha mẹ muốn con mình học tới Đại học
Một số cha mẹ đã nhận thức được mức độ “đắt đỏ” trong việc đầu tư cho con cái, một số chưa, nhưng hầu hết đồng tình chi phí dành cho con cái vượt quá kỳ vọng của họ. Mặc dù vậy, hầu hết các bậc cha mẹ vẫn mong muốn con cái có cơ hội hưởng một nền giáo dục tốt và sẵn sàng đầu tư phần lớn quỹ tài chính của mình. Các phụ huynh tin rằng một nền giáo dục tốt có thể giúp trang bị đầy đủ kỹ năng thiết yếu trong cuộc sống và đảm bảo tương lai nghề nghiệp vững chắc cho con cái.
Khảo sát của HSBC tại 15 quốc gia cho biết, 38% phụ huynh chia sẻ cảm thấy khó khăn trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến giáo dục. Có nhiều lựa chọn phải cân nhắc như chọn học trường nào, công lập hay dân lập, có nên du học nước ngoài không, có nên tự túc hay tìm học bổng… và kéo theo đó là những quyết định về tài chính.
Trong điều kiện lý tưởng, các bậc cha mẹ nên có từ 3 năm hoặc hơn để chuẩn bị cho việc học của con cái. Nhưng thực tế có tới 51% cha mẹ tiếc nuối về việc đã không lên kế hoạch sớm hơn.
Đến giá trị
Với mức “giá cả” không hề rẻ để đầu tư cho tương lai một đứa trẻ, các bậc cha mẹ mong muốn giáo dục cung cấp cho con cái mình điều gì?
Thực tế không có một câu trả lời duy nhất!
58% cha mẹ cho rằng đầu tư cho giáo dục là khoản đầu tư tốt nhất của họ.
Kỳ vọng của mỗi người, từ bậc tiểu học cho đến đại học đã khác nhau và cũng đa dạng hơn trên toàn thế giới.
Với 47% cha mẹ, tự tin là kỹ năng quan trọng nhất họ kỳ vọng giáo dục tiểu học có thể mang lại, bên cạnh đức tính kỷ luật và trải nghiệm về hạnh phúc. Các kỹ năng khác như các môn học cơ bản cũng là một ưu tiên, trong đó Toán, Khoa học và Ngoại ngữ là các ưu tiên hàng đầu.
Tới cấp trung học, các bậc cha mẹ kỳ vọng nền giáo dục tốt có thể giúp con cái bên cạnh các kiến thức chuyên môn có thể phát triển kỹ năng xử lý vấn đề, kỹ năng tư duy phê phán và tất nhiên là kỹ năng về tin học trong thời buổi công nghệ hiện tại.
Đến tuổi con cái bước vào đại học, chuẩn bị cho một nghề nghiệp thành công trở thành ưu tiên quan trọng hơn. 43% cha mẹ cho rằng khả năng cạnh tranh trong môi trường công sở là kỳ vọng chính về một môi trường đại học tốt.
Nguồn: Báo cáo toàn cầu HSBC 2014
Khi trình bày các phương án để hỗ trợ tài chính cho con cái, nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng dành 42% quỹ tài chính của mình cho giáo dục, nhiều hơn so với nghỉ hưu hay các kế hoạch dài hạn khác.
Con số này, hơn bất kỳ phân tích phức tạp nào, đủ chứng minh tầm quan trọng của giáo dục đối với hầu hết các bậc cha mẹ.
Đi tìm thế cân bằng
Làm thế nào để lúc nào cũng đảm bảo được kế hoạch học tập của con cái, và hơn nữa, đảm bảo sự đầu tư của mình có hiệu quả? Một lần nữa, không có câu trả lời duy nhất đối với tất cả các bậc phụ huynh, nhưng một vài bước chuẩn bị sau được coi là thiết thực để bắt đầu:
* Thực sự hiểu được lợi ích của giáo dục: Khi thực sự hiểu được giá trị của giáo dục và có được kỳ vọng của bản thân, các bậc cha mẹ sẽ lên được kế hoạch phù hợp với khả năng chi trả của mình
* Tham khảo các nguồn lực sẵn có: nguồn lực sẵn có được hiểu từ thông tin cho tới nguồn lực về tài chính.
* Cân nhắc các cơ hội: Việc cân nhắc nên được đặt trên hoàn cảnh thực tế và đôi khi cần chấp nhận đánh đổi.
* Tiến hành đánh giá các lựa chọn: Dựa trên nguồn lực có sẵn, nghiên cứu các phương án và lựa chọn phương án phù hợp nhất để tập trung đầu tư.
* Tiết kiệm sớm hơn: Điều này mặc dù cũ nhưng lúc nào cũng quan trọng: Quản lý tài chính đòi hỏi cam kết mang tính kỷ luật và nên được bắt đầu càng sớm càng tốt.
Và khi câu chuyện đã được bắt đầu, việc kết thúc ra sao đơn giản phụ thuộc vào chính con cái, hoặc cách chúng hấp thụ giáo dục như thế nào!
(Bài viết có sử dụng tư liệu Báo cáo Toàn cầu HSBC 2014 và thể hiện quan điểm của tác giả).