“Giáo dục giới tính” từ thời châu Á cổ đại

,
Chia sẻ

Ngày nay khi nói tới văn hoá truyền thống Á Đông nhiều người vẫn thường cho rằng chuyện chăn gối luôn là điều cấm kỵ.

Thế nhưng Nếu bạn có dịp được xem những cổ vật của nền văn hoá Trung Hoa hay Ấn Độ, bạn sẽ nghĩ khác.

Hình ảnh từ cuốn Kamasutra nổi tiếng của Ấn Độ

Các cô gái Trung Quốc khi về nhà chồng thường được mẹ đặt trong rương quần áo, hay hộp của hồi môn những món quà quý giá nhất. Đó là những quyển sách dạy làm tình, có mô tả hoặc thường là hình vẽ dạy các tư thế làm tình sao cho cả hai vợ chồng đều đạt đến khoái cảm cao nhất.

Ở những gia đình giàu có thì có thể thay giấy in bằng những chất liệu khác đắt tiền hơn, như vàng bạc, đá quý, hay ngà voi và các vật phẩm gốm sứ tinh xảo để thể hiện những nghệ thuật ân ái đó, cho cô dâu biết đường mà cùng chồng hưởng thụ khoái cảm ái ân trong đêm tân hôn.
 
Như vậy sách báo hay phim ảnh sex ngày hôm nay của phương Tây chẳng qua chỉ là sự nối tiếp về văn hoá, tiếp biến cội nguồn văn hoá phương Đông bằng những chất liệu của thời hiện đại mà thôi.
 
Biết được điều đó, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được tại sao ở một nước đậm chất văn hoá Á Đông, ảnh hưởng nhiều từ Trung Hoa cổ đại như Nhật Bản lại cũng là nơi có rất nhiều sản phẩm văn hoá sex mà ngay cả các nước Âu – Mỹ cũng không theo kịp: phim sex, lịch khoả thân, truyện tranh manga tình dục.
 
Ngay cả phim hoạt hoạ cho trẻ em như Thuỷ thủ mặt trăng cũng có nhiều cảnh chân dài thay quần áo. Không phải là họ lai căng phương Tây, mà là họ duy trì, tiếp biến và phát triển văn hoá cổ truyền dân tộc.
 
Loại hình múa phồn thực – đàn ông và đàn bà đeo bộ phận sinh dục được cách hoạ khổ lớn trên người, vừa bước đi vừa đâm vào nhau – là một trong số những loại hình văn hoá cổ truyền được người Nhật gắng sức lưu giữ.
 
Loại hình văn hoá này cũng thấy được duy trì ở nhiều làng quê miền Bắc Việt Nam, khi hai bộ phận sinh dục nam nữ được trân trọng rước ra trình trong buổi hội làng, rồi thành kính đập vào nhau thật mạnh, thật vang, thật đẹp.
 
Một số ngôi chùa cổ ở đồng bằng sông Hồng vẫn còn lưu trữ các bức tranh mô tả cảnh trai gái làm tình. Nhiều món đồ vật từ xã hội Việt Nam hàng ngàn năm trước mà nay các nhà khảo cổ tìm được vẫn còn nguyên các nét miêu tả chuyện làm tình. Ví dụ như hoạ tiết trang trí, khắc hoạ cảnh người đàn ông đang nằm úp lên người đàn bà, cả hai khoả thân, nối giữa hai bộ phận sinh dục của họ là một thanh tròn thẳng.
 
 

Đồ mỹ nghệ cổ của Trung Quốc

Ảnh hưởng văn hoá cổ đại của Việt Nam không chỉ đến từ Trung Quốc, mà cả từ Ấn Độ, cũng là một nền văn minh lớn trên thế giới trước thời thực dân đế quốc làm đảo lộn bản đồ quyền lực quốc tế. Kamasutra hay nghệ thuật làm tình hoá thân thành tôn giáo chính là một trong những phát triển đỉnh cao của nền văn hoá này ở khoảng thế kỷ 17 – 18.

 
Nhưng xưa hơn nữa chính là tôn giáo mà nay hay được gọi là tín ngưỡng phồn thực, mà các tháp Chăm còn lưu giữ qua việc thờ cúng các cột linga – dương vật, cắm trên bệ yoni – âm hộ. Tất cả các vùng chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ cổ đại đều thờ cúng việc làm tình, tức là cặp biểu tượng linga – yoni, và tôn giáo đã coi như là bản địa này cũng xâm thực vào những nền văn hoá mới du nhập.
 
Tượng Phật ở vùng miền Đông Thái Lan như Phimai được đặt ngồi trên bệ linga – yoni này. Người Thái sùng bái đạo Phật nhưng cảm thấy rất bình thường trước những màn múa khoả thân trên sân khấu, ngay tại các vùng làng quê đậm truyền thống chứ không phải nơi thành phố, chịu ảnh hưởng du nhập của nền văn hoá ngoại lai phương Tây.
 
Ở Việt Nam ngay giữa mảnh đất trù phú miền đồng bằng sông Cửu Long, tháp chuông nhà thờ ở Long Xuyên – trông giống như một bệ linga – đứng chĩa thẳng lên trời.

Nếu nhìn những bức tranh sex cổ đại từ góc độ văn hoá, thì sẽ thấy đó chính là những giáo trình “giáo dục giới tính” như ngày nay chúng ta đang có trong trường phổ thông. Tín ngưỡng phồn thực cũng chính là những bài học dạy người ta biết cách sinh hoạt trong cuộc sống vợ chồng để giữ gìn hạnh phúc và đẻ ra những đứa con khoẻ mạnh, thông minh, rồi truyền tiếp bí quyết của cuộc sống đó cho thế hệ kế cận, cứ thế đã bao nhiêu đời qua.

 
Theo Kathy Nguyễn
SGTT
Chia sẻ