Giá nhà ở xã hội tăng như “lên đồng”, có nơi gấp 4 lần dù đã sử dụng hơn chục năm
Các căn nhà ở xã hội dùng đã sử dụng được khoảng 10 năm nhưng đang được rao bán với mức giá gấp nhiều lần so với thời điểm mở bán.
Hiện nay, sức cầu về nhà ở trên thị trường ngày càng lớn, nhất là phân khúc bình dân và nhà ở xã hội. Song phân khúc này ngày càng hiếm, gần như không còn xuất hiện giỏ hàng mới. Thay vào đó, trên thị trường hiện tại sản phẩm đều thuộc phân khúc trung cấp và cao cấp, giá rất cao. Vì vậy, sức ép về nguồn cung đã khiến những căn nhà ở xã hội dù đã qua nhiều năm sử dụng giá vẫn tăng nhiều lần.
Theo khảo sát của chúng tôi, dự án nhà ở xã hội Ecohome (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được bàn giao từ năm 2020, giá bàn từ chủ đầu tư khoảng 16,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện nay nhiều căn nhà ở xã hội tại dự án này đang được rao bán lại với mức giá dao động từ 40 - 43 triệu đồng/m2, tăng gần gấp 3 lần so với trước.
Đơn cử, một căn nhà tại tòa N03 có diện tích gần 60m2 được thiết kế 2 phòng ngủ đang được rao bán với mức giá 2,55 tỷ đồng, tương đương 43 triệu đồng/m2. Người bán cho biết, chủ nhà cần tiền nên cần bán gấp mới có mức giá này, hiện căn nhà đã có sổ. Nếu thiện chí mua chủ nhà sẽ để lại hết đồ đạc sử dụng.
Dự án nhà ở Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) được mở bán từ 2016 với giá 14 triệu đồng/m2. Dự án được bàn giao và đi vào sử dụng từ năm 2017 tới nay, giá bán thứ cấp hiện tại ở mức giá từ 32 - 35 triệu đồng/m2.
Dự án Rice City Sông Hồng (Long Biên, Hà Nội) cách đây 6 năm được mở bán với giá hơn 13 triệu đồng, nhưng đến nay giá bán thứ cấp cũng được đẩy lên 33 - 36 triệu đồng/m2.
Hay tại dự án nhà ở xã hội tại Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) được bàn giao năm 2016 với giá bán hơn 13 triệu đồng/m2, thế nhưng đến nay giá căn hộ tại đây lên quanh mức 40 triệu đồng/m2, tức gấp gần 3 lần.
Đáng chú ý, dự án nhà ở xã hội Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) là một trong những dự án nhà ở xã hội lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội với hơn 300 căn giá hơn 8 triệu đồng/m2 cách đây hơn 10 năm. Đến nay giá bán tại dự án này dao động từ 35 - 37 triệu đồng/m2, tăng gấp hơn 4 lần so với trước.
Có thể thấy, trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, giá nhà ở xã hội thứ cấp thậm chí đã bị đẩy ngang ngửa so với chung cư thương mại. Song, xu hướng tăng giá nhà ở tại Hà Nội được dự báo sẽ tiếp tục đi lên.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc PropertyGuru Việt Nam cho rằng có 2 nguyên nhân chính khiến giá chung cư Hà Nội tăng mạnh.
Thứ nhất, nguồn cung chung cư ở Hà Nội hạn chế. Mặc dù đã có các biện pháp tháo gỡ pháp lý cho chủ đầu tư nhưng những dự án mới gần đây chỉ đóng góp khoảng 20.000 - 30.000 căn hộ mỗi năm, trong khi nhu cầu thông thường lên đến 70.000 - 80.000 căn hộ/năm.
Nguyên nhân thứ hai là nhu cầu tìm mua chung cư Hà Nội vẫn cao. Đáng chú ý, lực cầu này không chỉ đến từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc mà còn đến từ miền Nam. Dữ liệu lớn của PropertyGuru Việt Nam tiết lộ thông tin đầy bất ngờ, lượng quan tâm chung cư Hà Nội của người tìm kiếm bất động sản đến từ TP.HCM tăng 7,5 lần từ quý 1/2021 đến thời điểm hiện tại. Trong cùng khoảng thời gian, lượng tìm kiếm chung cư TP.HCM của người ở TP.HCM chỉ tăng 2 lần.
Đưa ra dự báo về giá chung cư, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết, giá bán căn hộ Hà Nội tiếp tục đà tăng mạnh trong khi mặt bằng giá tại TP.HCM tăng nhẹ. Tại Hà Nội, giá bán căn hộ thứ cấp tăng 1% theo quý và giảm 3% theo năm. Tại TP.HCM, giá bán căn hộ thứ cấp tăng 6% theo quý và tăng 16% theo năm.
Bà Dung đưa ra dự báo, giá căn hộ trên thị trường mua đi bán lại tại Hà Nội vẫn sẽ tiếp diễn tăng giá, mức tăng từ 16 - 20%.
Lý giải về nguyên nhân, đại diện CBRE cho biết, tốc độ tăng trưởng dân số, đô thị hoá cao khi lượng người về Hà Nội học và làm việc gia tăng. Trong khi đó, nguồn cung và thị trường đang rất là thấp. Riêng năm 2023, tổng nguồn cung chào bán mới tại thị trường Hà Nội khoảng 10.000 căn, bằng 1/4 so với thời điểm bình thường.
"Sở dĩ đầu năm nay, giá chung cư Hà Nội "sốt nóng" bởi lãi suất tiết kiệm "xuống đáy", dòng tiền chuyển sang bất động sản, đặc biệt phân khúc chung cư", bà Dung cho hay.
Cũng đưa ra ý kiến, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo, trong ngắn hạn, giá căn hộ tại trung tâm các thành phố lớn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng, nhất là tại phân khúc bình dân, trung cấp. Trong khi giá mua đi, bán lại của các dự án cao cấp, hạng sang có thể ghi nhận mức giảm nhẹ.
Ông Đính kỳ vọng, cùng với nền tảng của hàng loạt các yếu tố tích cực của thị trường hiện tại, đến giữa năm 2025, khi các bộ Luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản mới được thông qua với các quy định mới theo hướng gỡ khó cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chính thức có hiệu lực. Nguồn cung nhà ở xã hội sẽ bật tăng, mặt bằng giá căn hộ sẽ xuống mức phù hợp hơn với người dân có nhu cầu ở thực.