Giá nhà Hà Nội tăng bất chấp Covid-19, chuyên gia chỉ điểm khu vực tăng giá mạnh nhất
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng phân khúc căn hộ Hà Nội vẫn duy trì tốc độ tăng giá liên tục. Đặc biệt, giá chung cư khu vực vùng ven tại các đại đô thị vệ tinh được dự báo sẽ tiếp tục hút mạnh dòng tiền của người dân.
Giá căn hộ chung cư Hà Nội liên tục tăng
Theo thống kê của Savills, quý 2/2021 là quý ghi nhận cung mới thấp nhất trong vòng 5 năm. Nguồn cung hạn chế đẩy giá căn hộ tiếp tục tăng. Quý 2/2021 là quý thứ 10 liên tiếp giá bán sơ cấp chung cư Hà Nội tăng. Cụ thể, từ năm 2017, giá sơ cấp đã tăng 14% mỗi năm tại quận Cầu Giấy, nơi có các cơ sở chăm sóc sức khỏe và giáo dục có chất lượng. Giá bán sơ cấp tại quận Long Biên tăng 12%/năm do vị trí gần khu trung tâm và những cải thiện về cơ sở hạ tầng gần đây.
Theo thống kê của JLL, giá bán căn hộ sơ cấp bình quân tại Hà Nội đạt 1.555 USD/m2, tương đương 35,7 triệu đồng/m2. Giải thích về việc giá nhà tại Hà Nội liên tục gia tăng, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, đa phần, người mua nhà tại Hà Nội xuất phát từ nhu cầu nhà ở thật nên giá bán trên thị trường sơ và thứ cấp phản ánh nhu cầu hiện hữu.
"Việc giá nhà tăng lên do nguồn cung khan hiếm, các loại chi phí đầu vào gia tăng và nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng trở về Hà Nội tìm kiếm cơ hội. Đây là lực đẩy khiến thị trường căn hộ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới", ông Đính cho biết.
Những khu vực "được giá nhất" bất chấp dịch bệnh
Quan sát thị trường căn hộ chung cư trong 2 năm vừa qua, một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ trên thị trường căn hộ chung cư là sự mở rộng từ ra các khu vệ tinh, vùng ven đô thị. Năm 2017, các huyện Hoài Đức và Thanh Trì cung cấp 6% nguồn cung. Trong 6 tháng đầu năm 2021, 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh chiếm 32% thị phần.
Từ năm 2021 trở đi, các huyện ngoại thành sẽ cung cấp 27% nguồn cung. Cùng với việc cơ sở hạ tầng được cải thiện thì nhu cầu nhà ở tại các tỉnh khu vực quận, huyện lân cận cũng tăng lên.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn Savills Hà Nội sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng Hà Nội đang thu hẹp khoảng cách giá giữa các khu đô thị trung tâm và vùng ven. "Chúng ta có thể thấy rõ, nếu trước đây phân khúc căn hộ 30-40 triệu đồng/m2 chỉ xuất hiện từ vành đai 3 trở lại. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát đã thay đổi nhu cầu của người mua nhà. Ngày càng có nhiều người muốn sống trong những khu đô thị rộng lớn, có diện tích cây xanh lớn, khu công viên rộng. Họ chấp nhận đi xa hơn một chút nhưng được hưởng nhiều tiện ích hơn. Đây cũng là lý do các đại đô thị đang phát triển mạnh tại Hà Nội", bà Hằng cho biết.
Thực tế cho thấy, hiện nay quỹ đất trung tâm ngày càng eo hẹp, thiếu không gian xanh, chất lượng sống giảm sút do ô nhiễm không khí đã khiến nhiều người trẻ có xu hướng chuyển sang sinh sống ở khu trung tâm lân cận lân cận (suburban) thông thoáng và có môi trường sống trong lành hơn. Hai yếu tố quan trọng "vị trí" và "giá cả" dần được thay thế bằng "tính kết nối" và "tiện ích đồng bộ, vốn không còn xa lạ với các nước phát triển khác trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản,…
Đây cũng là lý do, trong 2 năm vừa qua thị trường xuất hiện hàng loạt đại đô thị vệ tinh tại khu vực phía Đông có thể kể đến Vinhomes Ocean Park, phía Tây là Vinhomes Smart City và một số đại đô thi ở khu vực phía Bắc và phía Nam đang trong kế hoạch xây dựng. Và có một điều đáng quan tâm là trong khi căn hộ khu trung tâm mở bán thanh khoản kém thì những đại đô thi vệ tinh với tính kết nối và tiện ích lại có tỷ lệ giao dịch cao đột biến.