"Gia đình hoàn hảo là gia đình... có nhiều bất mãn"
Những gia đình hoàn hảo là những gia đình mà người trong cuộc luôn phải làm những điều người khác muốn và luôn bất mãn, hối hận về những điều mình và những người khác làm.
Là một người phụ nữ thiếu may mắn khi đã trải qua hôn nhân đổ vỡ, chị Nguyễn Lam Huyền (32 tuổi, Hà Đông - Hà Nội) đã chiêm nghiệm: Chẳng có gia đình nào hoàn hảo thực sự.
Với những gia đình người ngoài nhìn vào cho là hoàn hảo thì đó chẳng qua chỉ là sự hoàn hảo ở lớp vỏ bọc mà thôi. Chính người sống trong các gia đình hoàn hảo đó mới biết gia đình mình nhiều mâu thuẫn, bất mãn hơn bất cứ tổ ấm nào khác.
Cuộc sống mỗi khi có vấn đề đều rất mệt mỏi. Tôi cũng muốn có một câu chuyện nhẹ nhàng về cuộc sống gia đình, nhưng có vẻ chuyện gia đình hình như không thể nhẹ nhàng được. Chị là một người phụ nữ không trọn vẹn trong cuộc sống gia đình, chị nghĩ sao?
Cuộc sống gia đình chỉ nhẹ nhàng khi chúng ta đã buông mọi tham vọng về một gia đình hoàn hảo. Tôi nói không phải vì tôi có một gia đình không tròn trĩnh mà đưa ra quan điểm như vậy. Đó là những kiểm chứng của bản thân tôi về chuyện gia đình.
Tôi nghĩ, trong cuộc sống, được làm điều mình thích mới giải phóng được tư duy và cảm xúc tự do; thích những điều mình làm sẽ mang lại hạnh phúc. Những gia đình hoàn hảo là những gia đình mà người trong cuộc luôn phải làm những điều người khác muốn và luôn bất mãn, hối hận về những điều mình và những người khác làm. Nhưng họ lại không thể nói với nhau thẳng thắn những việc đó. Họ tránh những mâu thuẫn.
Có nhiều gia đình người ngoài nhìn vào rất toàn vẹn (Ảnh minh họa)
Câu chuyện có vẻ nặng nề hơn tôi tưởng rồi. Chuyện tránh những mâu thuẫn theo chị giải quyết được vấn đề gì trong cuộc sống hôn nhân? Nó lợi hại như thế nào?
Hôm trước tôi có nói chuyện với một anh bạn thân của mình. Gia đình anh ấy nhìn vào toàn vẹn, ai cũng mừng cho anh ấy. Tôi với vợ chồng anh là bạn thân từ thời phổ thông. Trước đây, thỉnh thoảng vợ anh ca thán với tôi về chuyện chồng con. Tôi không quan tâm và mắng át đi: Đừng sướng quá hóa điên khi ca thán về một gia đình hoàn hảo.
Thế rồi ông chồng cũng không kìm nổi lòng, đã nói với tôi về những bí bách của cuộc sống hôn nhân. Nó không phải chuyện mâu thuẫn một chút rồi bỏ qua cho nhau được. Đó là sự chịu đựng nhau hơn 10 năm hôn nhân rồi. Tôi không nghĩ vợ chồng bạn tôi đưa ra những lời ca thán đơn thuần mà hình như họ cũng tìm sự giải thoát nhưng không dám làm.
Người ta càng tránh những mâu thuẫn thì càng làm cho người sống với mình xa lạ với mình. Người ta sẽ tìm cách không động chạm vào những góc sâu trong cuộc sống của nhau. Và chúng ta cứ nhìn nhau trong một góc phiến diện, hiểu người khác theo cách mình nghĩ chứ không phải theo bản chất con người họ. Chúng ta sẽ đối xử tàn nhẫn với nhau trong một vỏ bọc hoàn hảo.
Về góc nhìn cho cái lợi, tất nhiên chúng ta sẽ không nghe thấy nhiều sự cãi vã, tranh luận, một sự yên bình đấy chứ. Nhưng nói thế nào nhỉ, mỗi người vợ hay người chồng sống với hạnh phúc riêng của họ chứ có phải sống vì vỏ bọc hoàn hảo đâu? Việc tránh mâu thuẫn giống như việc bạn rút từng thanh củi trong cái bếp nóng hạnh phúc gia đình.
Nhưng nếu mâu thuẫn quá, nó sẽ gây hậu quả xấu cho hạnh phúc gia đình, như người ta đun quá lửa cho món canh ngon ấy…
Đúng thế! Vậy mới nói, kỹ năng ứng xử với mâu thuẫn, nhất là mâu thuẫn gia đình của chúng ta cực kỳ kém. Vì chúng ta kém nên chúng ta cũng không dạy được con cái cách ứng xử quan trọng này. Chúng ta cứ dạy nhau cách đeo mặt nạ trong hạnh phúc hôn nhân nên nhiều người còn khổ.
Nếu chị hiểu về cách ứng xử mâu thuẫn trong hôn nhân, tại sao chị lại ly hôn? Tôi rất xin lỗi nếu câu hỏi của tôi là quá động chạm, nhưng tôi cần hỏi đến nơi như thế.
Tôi thích câu hỏi này, mặc dù nó là thứ được coi như “chặn họng” hiệu quả khi tôi đang nói chuyện. Tôi nói từ đầu, khi con người ta không còn ảo tưởng về một cuộc sống hôn nhân hoàn hảo, người ta sẽ nhẹ nhàng. Ý tôi là nếu ngày xưa tôi không nghĩ rằng mình sẽ có một cuộc sống viên mãn và nếu tôi được dạy phải đối diện với mâu thuẫn như thế nào thì tôi không như ngày hôm nay.
Tôi từng là một người phụ nữ cả nghĩ và được dạy rất nhiều về việc nhường nhịn, chăm sóc cho đàn ông, nghĩa là chồng mình. Tôi làm rất tốt, tức là tôi quên mất mình cần cái gì. Rồi đến một ngày, tôi nhận ra: Chồng mình thấy việc đó là tầm thường, nhỏ nhặt. Anh ấy cần một thứ gì đó hơn thế trong nhu cầu. Nhưng anh ấy lại động viên tôi làm tốt việc hy sinh tầm thường để trong suy nghĩ của anh ấy hình thành một suy nghĩ kinh hoàng với tôi: Vợ mình là một thứ cây leo ăn bám.
Những gia đình hoàn hảo là những gia đình mà người trong cuộc luôn phải làm những điều người khác muốn và luôn bất mãn (Ảnh minh họa).
Tôi đi làm ở cơ quan, về nhà tưởng tượng niềm vui của chồng khi thấy mình làm thật tốt công việc gia đình, con cái. Anh ấy cũng biểu hiện như thế. Một người phụ nữ khác trẻ, đẹp đến đập thẳng mặt tôi với câu chuyện: Chị là một người phụ nữ chăm chỉ như con ong cái kiến, nhưng chị không thể hiểu nổi chồng chị nghĩ gì. Thứ anh ấy cần là một người phụ nữ như em. Anh ấy nói, sự hiền lành quá đáng của chị làm anh ấy không dám mở lời chia tay với chị.
Ban đầu tôi nghĩ cô ta là một cô gái trơ tráo. Tuy nhiên, cô ấy cho tôi xem những bằng chứng chồng tôi cưng chiều cô gái như thế nào. Đó là việc chồng không làm cho tôi. Một thứ cảm giác uất hận dâng trào. Đó là lần duy nhất chúng tôi xảy ra mâu thuẫn. Anh ấy đổ tại tôi không hiểu gì anh ấy.
Phải rất lâu tôi mới chấp nhận được sự thật người phụ nữ kia nói và sự thật người đàn ông là chồng mình đối xử với mình. Tôi đã suy nghĩ đến bạc cả tóc: Nên lờ đi coi như không biết gì hay làm ầm ĩ lên? Cuối cùng, tôi không chọn giải pháp nào trong suy nghĩ của mình cả.
Tôi ly hôn trong yên lặng, không giải thích, không đôi co. Tôi hiểu rằng, nếu nghe hứa hẹn, nếu bị thuyết phục vì con cái, tôi sẽ lại giữ gia đình hoàn hảo và sống một cuộc sống thực vật, không tư duy nữa. Tôi cũng ngộ ra rằng, nếu tôi giữ chồng tôi lại cũng chỉ là giữ cái vỏ bọc của anh ấy. Để anh ta đi làm những việc anh ta cảm thấy phù hợp. Anh ta như thế nào tôi cũng không quan tâm nữa.
Tôi xin lỗi gợi ra chuyện này của chị. Dù sao, tôi cũng chỉ muốn biết rõ tại sao một người hiểu rõ những mâu thuẫn trong hôn nhân, gia đình như chị lại lyhôn trong khi đáng lẽ chị phải có cái gì đó trọn vẹn hơn…
Tôi hiểu ý cô. Tôi cũng không lấy việc cô hỏi để phiền lòng. Cuộc sống vốn không toàn vẹn và chúng ta không nên cầu toàn việc tròn trịa.
Cảm ơn chị! Tôi sẽ nhớ câu nói cuối cùng của chị: Chúng ta không nên cầu toàn việc tròn trịa.