Gia đình 3 người ở Thủ đô với chi phí sinh hoạt 14,5 triệu/tháng, vừa chi tiêu đủ lại vẫn có thể tiết kiệm
Theo quan điểm chi tiêu của Thiên Lương thì tiết kiệm là đúng nhưng mọi thứ vẫn phải cân đối để phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế của gia đình.
Câu chuyện chi tiêu trong mỗi gia đình muôn thuở vẫn không hết hot vì đặc thù mỗi cây mỗi hoa, mỗi gia đình lại mỗi thu nhập.
Bởi thế việc cân đối chi tiêu hợp lý trong khoản ngân sách đang có là điều khó khăn. Đặc biệt với các gia đình sống ở Thủ đô, sinh hoạt phí đắt đỏ thì việc này càng được mọi người quan tâm hơn.
Gia đình của Thiên Lương (sinh năm 1992) có 3 thành viên, hiện đang sống tại Hà Nội cũng như vậy. Đây là bảng kế hoạch chi tiêu trong một tháng của gia đình cô.
Có thể thấy việc phân bổ chi tiêu trong 1 tháng của gia đình được Thiên Lương làm rất tốt. Trong đó, phần tiết kiệm được gửi vào tài khoản ngay khi nhận lương, số tiền còn lại sẽ dành cho chi tiêu cần thiết.
"Mình cũng căng não để tính toán sao cho chi tiêu phù hợp vì muốn cuộc sống tốt hơn. Phương châm sống của mình cũng là tích lũy dần dần. Mọi thứ phải phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế của gia đình nữa.
Cách của mình là sẽ tiết kiệm trước khi chi tiêu. Đặc biệt là không bao giờ động tới khoản tiết kiệm nếu không có việc gì lớn. Mình sẽ chia khoản tiền gửi tiết kiệm thành nhiều khoản nhỏ khác nhau. Chẳng hạn như gửi dài hạn 1 năm, trung hạn 6 tháng và khoản dự phòng rủi ro chỉ từ 2-3 tháng.
Dù tiết kiệm nhưng mình cũng để 1 khoản vừa đủ cho cả gia đình hưởng thụ. Cụ thể, 1 năm gia đình sẽ đi du lịch xa 1 lần trong 1 tuần. Còn nếu đi gần, loanh quanh Hà Nội từ 2-3 ngày thì 1 năm sẽ đi 2 lần, chi phí khoảng 5 triệu".
Chị em thì thường tốn kém nhất ở khoản chi tiêu cho mỹ phẩm và quần áo. Với Lương thì ngược lại. Các khoản này cô không chi tiêu quá nhiều tiền, vì môi trường làm việc không yêu cầu phải trang điểm. Khi mua quần áo cho cả gia đình, Lương sẽ mua 1 lần đủ cả. Ví dụ mùa hè Lương cần mua 5 chiếc váy mặc ở nhà thì sẽ mua đủ, không hơn. Còn tận dụng được thì để năm sau mặc, mỗi lần mua giá khoảng 200k-300k/chiếc.
Đồ đi chơi cũng một năm làm mới 1 lần bằng cách mua 3-4 chiếc, dịp gì cần thì đầu tư thêm. Giày dép cũng chỉ cần 1 đôi sandal, 1 đôi thể thao, 1 đôi cao gót, 1 đôi boots mùa đông.
Đồ của chồng và con cũng thế. Cô lên kế hoạch mua bao nhiêu cái, nếu sẵn tiền sẽ mua luôn trong 1 đợt đỡ tốn thời gian. Còn nếu không thì chia nhỏ ra là tháng mua quần, tháng mua áo. Giá tầm 500k-700k/sơ mi mặc bền đẹp. Khi mua đủ theo kế hoạch thì sẽ tạm ngưng không mua thêm bất kỳ thứ gì nữa.
Đồ gia dụng gia đình cần mua thì Lương sẽ có kế hoạch sớm để tiết kiệm. Cách mua của Lương sẽ là chọn đồ chuẩn, dù đắt hơn 1 chút nhưng bền, an toàn và tiết kiệm điện.
Nếu không dư dả và sẵn tiền thì bạn cũng có thể học theo cách chi tiêu của Thiên Lương sẽ giúp giảm áp lực tài chính hơn hẳn.
"Ví dụ như mua nồi cơm cao tần giá 5 triệu, thay vì nhận lương sẽ mua luôn mình tiết kiệm trong 5 tháng. Máy rửa bát mình cũng lên kế hoạch trước cả năm tới khi tiết kiệm đủ tiền mới rinh về để không bị thâm hụt tài chính".
Bằng cách mua đồ điện tử chất lượng và tiết kiệm điện thì tháng mùa hè gia đình tốn khoảng 600k-700k, còn vào mùa đông thì khoảng 300k-400k cho hóa đơn. Nếu không dư dả và sẵn tiền thì bạn cũng có thể học theo cách của Thiên Lương sẽ giúp giảm áp lực tài chính hơn hẳn.
"Theo mình thấy mọi thứ đều cần phải phù hợp là tốt nhất. Ví dụ người thu nhập 5 triệu không thể so sánh với người thu nhập 50 triệu được. Cân đối và hài lòng nhưng luôn phấn đấu thì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy, kế hoạch dài hạn và ngắn hạn sẽ đạt được thôi. May mắn là mình tiêu pha không vung tay quá trán, không nợ để đầu tư vì không dám vượt khỏi vòng an toàn nên lúc nào tài chính cũng trong tầm kiểm soát", Thiên Lương chia sẻ thêm.
Ghi theo lời kể của nhân vật - Ảnh: NVCC