“Giá bảo hiểm y tế dù tăng cũng chỉ bằng 2-3 bữa nhậu”
Đó là ý kiến của TS Nguyễn Văn Tiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khi đề cập về việc tăng giá dịch vụ y tế cũng như bảo hiểm y tế trong năm 2016.
Vấn đề tăng viện phí đang là nỗi lo với nhiều người bệnh, đặc biệt là người nghèo. Mặc dù thời hạn tăng viện phí đã hoãn lại trong năm 2015 nhưng dự kiến sẽ được triển khai vào quý I năm 2016. Điều đó đồng nghĩa với 1.800 loại dịch vụ y tế sẽ tăng giá, viện phí nói chung sẽ tăng gấp 2-4 lần sau khi tính đủ các chi phí trực tiếp cộng thêm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và kết cấu tiền lương của nhân viên y tế.
Đề cập về lý do hoãn việc tăng viện phí sang năm 2016, PGS.TS Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Để việc triển khai có hiệu quả và đạt được mục tiêu đặt ra, Bộ Y tế đã báo cáo với Chính phủ để lùi lại đến quý I năm 2016. Chúng tôi thấy, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cần được chuẩn bị kỹ lưỡng bởi việc này ảnh hưởng tới cuộc sống của tất cả người dân, nhất là đối với người có thẻ bảo hiểm và người bệnh. Việc thay đổi cần được tuyên truyền một cách sâu rộng để người dân hiểu rõ rằng, giá dịch vụ chính là một phần mà cơ quan bảo hiểm sẽ thanh toán cho người có thẻ bảo hiểm y tế. Khi giá được điều chỉnh lên, người có thẻ sẽ được bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh hơn. Bên cạnh đó, thời hạn lùi lại sẽ giúp Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có thêm điều kiện thực hiện việc điều chỉnh, thành lập các quỹ khám, chữa bệnh hỗ trợ cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn”.
PGS.TS Phạm Lê Tuấn cũng lý giải: “Giá dịch vụ điều chỉnh do một phần nhu cầu bệnh viện phải có để chi phí cho việc cung cấp dịch vụ chất lượng. Trước đây, Nhà nước bao cấp cho các cơ sở khám, chữa bệnh để phục vụ người dân. Sau đó, Chính phủ và Quốc hội đã thống nhất chuyển sang cơ chế bảo hiểm y tế. Điều này có nghĩa cơ quan bảo hiểm y tế thay mặt cho người bệnh để thanh toán với cơ sở khám, chữa bệnh. Khi người dân đã đóng tiền để có thẻ bảo hiểm y tế, quyền lợi của họ đối với dịch vụ y tế cũng nằm trong đó. Nếu mức giá thấp hoặc Nhà nước không cấp đủ kinh phí cho bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh, tiền phí mới cần được thu thêm từ người bệnh để đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt”.
Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Tiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội lại cho rằng: “Nếu chúng ta có thể tiến hành tăng viện phí sớm hơn, trước quý I năm 2016 cũng sẽ tốt vì việc này đã được chuẩn bị suốt 1 năm qua. Việc điều chỉnh diễn ra chậm ngày nào, người bệnh bị thiệt thêm ngày đó, đồng thời chính sách bảo hiểm y tế của chúng ta yếu đi theo. Bởi điều này thuộc về quyền lợi của người bệnh, nếu cứ giữ quyền lợi của họ thì thiệt nhất vẫn là những người có bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, quá trình tiến hành chậm sẽ không khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế, họ trở nên chủ quan với vấn đề chăm lo sức khỏe. Tôi nghĩ rằng, bảo hiểm y tế dù tăng cũng chỉ bằng 2-3 bữa nhậu của người Việt Nam. Nếu chúng ta tiết kiệm hơn, tập trung cho vấn đề sức khỏe cũng sẽ không phải lo cuống cuồng chữa bệnh khi cần”.
“Quan điểm của Nhà nước, Quốc hội hiện nay là đầu tư chăm sóc sức khỏe nhân dân và phần khám, chữa bệnh cần phải được thông qua bảo hiểm y tế. Chúng ta đã xác định chắc chắn bảo hiểm y tế là bắt buộc. Vì thế, Nhà nước khi cung cấp bảo hiểm y tế thì sẽ không cấp tiền cho phần lớn các bệnh viện tuyến trung ương. Từ đó, các bệnh viện buộc phải đổi mới để nâng cao chất lượng, dịch vụ buộc phải nâng cấp để thu hút người đến khám, chữa bệnh. Bảo hiểm y tế đã được áp dụng ở nhiều nước và được chứng minh là một cơ chế nhân văn. Việc điều chỉnh giá là cần thiết để giúp người dân được nâng cao quyền lợi và đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt. Hơn nữa, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh linh hoạt theo giá thị trường nên tác động tới giá bảo hiểm”, TS Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh.
Do đó, theo TS Nguyễn Văn Tiên, việc khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế là điều cần thiết, đồng thời phải giúp người dân hiểu đúng hơn về lợi ích của việc có bảo hiểm y tế dù giá tăng lên.