Ghen đến trình độ "thượng thừa" như người đàn bà này: Từng bước đều cao ngạo và đánh thẳng mục tiêu, người đời sau đọc xong chỉ biết "tấm tắc"
Chắc hẳn không cô vợ nào táo bạo đến mức "nuôi" tình nhân của chồng trong nhà mình để chứng kiến anh ta đau khổ vật vã với nỗi nhớ thương rồi cho họ "đoàn tụ" trong 1 hoàn cảnh không thể ê chề hơn.
"Máu Hoạn Thư"- cụm từ xa xưa đến nay như trở thành thương hiệu đối với những phụ nữ hay ghen. Có lẽ ai không đọc tác phẩm kinh điển của cụ Nguyễn Du cũng sẽ nghĩ Hoạn Thư là người phụ nữ chắc tàn độc và ghen tuông kinh khủng lắm. Nhưng sự thật có phải như thế?
Biết thân phận cao quý nên chẳng dại gì mà mang tiếng ghen vào mình
Tìm hiểu kỹ hơn về cách đánh ghen của Hoạn tiểu thư trong Đoạn Trường Tân Thanh, chúng ta sẽ có cái nhìn toàn diện. Bởi ban đầu Hoạn Thư không hề thù ghét Kiều, nàng luôn vững 1 tâm niệm: "Dại gì chẳng giữ lấy nền/ Hay gì mà được tiếng ghen vào mình". Xuất thân cao quý lại danh giá, Hoạn Thư được miêu tả "Ở ăn thì nết cũng hay".
Nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ làm hài lòng người đàn ông đào hoa, yêu cái đẹp như Thúc Sinh. Chàng ta mê mẩn nàng Kiều nhưng lại không cho nàng một danh phận, chấp nhận quan hệ lén lút sau lưng vợ. Ngặt nỗi: "Từ khi vườn mới thêm hoa/ Miệng người đã lắm, tin nhà thì không". Thử hỏi có người vợ nào mà ngồi yên nổi khi ngày nào cũng nghe tin trăng gió của chồng?!
Biết rõ sự tình nhưng vẫn cho chồng cơ hội thanh minh
Ở cái xã hội thời bấy giờ, chuyện đàn ông năm thê bảy thiếp vốn là thường tình. Thế nhưng, Thúc Sinh lại không hề rõ ràng, dù được Kiều dặn dò kĩ lưỡng để về xin phép chính thất nhưng đến nhà là chàng ta quên sạch. Có lẽ nếu Thúc Sinh thẳng thắn hỏi ý bà cả cho đúng phép tắc, lễ nghi thì đã không có chuỗi ghen tuông đáng bàn sau này.
Điều đau đớn nhất với đàn bà là biết trước sự thật và chỉ chờ đợi chồng mình tự nói ra để mong muốn tha thứ được "hợp lý hóa". Song Thúc Sinh vẫn nhu nhược và hèn nhát: "Nghĩ đà bưng kín miệng bình/ Nào ai có khảo mà mình lại xưng?/ Những là e ấp dùng dằng/ Rút dây sợ nữa động rừng lại thôi".
Cứ dùng dằng như 1 trò đuổi bắt, mặc dù Hoạn Thư bóng gió, cho chồng cơ hội tự khai nhưng cuối cùng Thúc Sinh vẫn lảng tránh. Không chỉ 1 lần, thấy chồng ở nhà cả năm trời nhấp nhổm muốn ra đi, Hoạn Thư lại khéo léo "mở cửa": "Tình riêng chưa dám rỉ răng/ Tiểu thư trước đã liệu chừng nhủ qua/ Cách năm, mây bạc xa xa/ Lâm Truy cũng phải tính mà thần hôn.
Và bao nhiêu lời dặn dò của Thúy Kiều tan thành mây khói, mục đích về thông báo không được thực hiện nên Thúc Sinh khiến sự kiên nhẫn của Hoạn Thư đã vượt quá giới hạn cho phép,
Lên kế hoạch bài bản nhưng vẫn không triệt hẳn đường sống của tình địch
Người đời đánh giá hành động bắt cóc Thúy Kiều về làm người hầu rồi đốt nhà, lấy xác thế thân để Thúc Sinh nghĩ Kiều đã chết của Hoạn Thư là độc ác.
Thế nhưng, với quyền, với tiền trong tay, Hoạn Thư muốn diệt Thúy Kiều thật quá dễ dàng. Vậy mà nàng ta không làm thế. Nàng còn phải giữ thể diện cho chồng, bảo vệ danh tiếng cho gia đình.
Việc để Kiều về nhà mẹ đẻ (Hoạn bà) học phép tắc của 1 người hầu chính là cách để Hoạn Thư khẳng định vị trí độc tôn trong ngôi nhà ấy. Và kiểu trả thù thâm sâu của Hoạn Thư đánh thẳng vào tâm tư tình cảm - nó còn đau hơn cả nỗi đau thể xác.
"Nuôi quân 3 năm dùng 1 giờ" và chiêu dằn mặt cao tay dành cho chồng
Chắc hẳn không cô vợ nào táo bạo đến mức "nuôi" tình nhân của chồng trong nhà mình để chứng kiến anh ta đau khổ vật vã với nỗi nhớ thương rồi cho họ "đoàn tụ" trong 1 hoàn cảnh không thể ê chề hơn.
Khoảng 1 năm trời sau khi nghĩ Kiều đã chết Thúc Sinh mới nguôi ngoai. Đến lúc trở về nhà, hàn huyên với vợ, Hoạn Thư lại dành tặng chồng 1 điều bất ngờ khiến cả 2 "tá hỏa tam tinh".
Cuộc gặp 3 người nhưng 3 vị thế khác nhau. Hoạn Thư như quan trên đang trừng trị kẻ gây tội. Tiệc "tẩy trần" mà nàng bày ra tặng chồng lại do chính tay Kiều hầu rượu: "Vợ chồng chén tạc chén thù/ Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi/ Bắt khoan bắt nhặt đến lời/ Bắt quì tận mặt, bắt mời tận tay".
Không cho chồng từ chối, Thúc Sinh đành "chén mời phải ngậm bồ hòn ráo ngay". Nghe tiếng đàn của nàng Kiều "bốn dây như khóc như than", Thúc Sinh chỉ biết "gượng nói gượng cười cho qua". Đây là 1 màn "tra tấn tinh thần" cực đỉnh.
Hoạn Thư chọn cho mình vị trí khán giả trong cái vở bi hài kịch ấy. Vừa để xem tình nghĩa mà chồng mình dành cho cô nàng kia đến đâu, vừa để Kiều biết người đàn ông ấy chẳng hề xứng đáng để nàng hi sinh thân mình. Cay độc nhưng không hề tàn ác mà mức độ sát thương lại cực kì cao, đó là vết thương trong tim, trong thẳm sâu tâm hồn, của hi vọng về tình yêu sụp đổ.
Yêu ghét phân minh
Sau màn đánh ghen trí tuệ và cao tay của Hoạn Thư, Kiều vẫn ở đó với phận tì nữ, buồn tủi không dám tỏ cùng ai. Hoạn Thư động lòng hỏi Kiều nguyên do rồi chấp nhận chiều theo mong muốn đi tu của nàng. Đối với Hoạn Thư, yêu ghét phân minh, thậm chí nàng còn dành cho Kiều những lời khen ngợi như: "Hoa nô đủ mọi tài", "Khen rằng: Bút pháp đã tinh", "Nghìn vàng thực cũng nên mua lấy tài".
Dùng chiêu "lạt mềm buộc chặt"
Khi Kiều đã ra Quan Âm Các, Hoạn Thư lại cho chồng mình cơ hội xem chàng ta còn lưu luyến tình cũ hay không. "Thả" như giữ, giữ như "thả", Hoạn Thư chủ động về nhà cha mẹ để kiểm chứng lại lòng Thúc Sinh.
Lại một lần nữa ngồi vào hàng ghế khán giả để xem một cảnh bi kịch tình cảm, sau khi Thúc Sinh lạnh lùng tuyên bố với Thúy Kiều: "Ái ân ta có ngần này mà thôi" thì Hoạn Thư mới xuất hiện. Chỉ một câu khen chồng cùng thái độ mãn nguyện, vui vẻ, Hoạn Thư tự khẳng định mình là người chiến thắng.
Lúc bị dồn vào chân tường vẫn vững quan điểm
Sau này, trong cuộc báo ân báo oán của Kiều, Hoạn Thư đứng đầu "danh sách". Thế nhưng, nàng lại tha cho Hoạn Thư 1 cách dễ dàng sau khi nghe lý do không thể hợp lý hơn: "Rằng: Tôi chút dạ đàn bà/ Ghen tuông thì cũng người ta thường tình/ Nghĩ cho khi các viết kinh/ Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo/ Lòng riêng, riêng cũng kính yêu/ Chồng chung chưa dễ ai chiều được ai/ Trót lòng gây việc chông gai/Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?".
Hoạn Thư vẫn vững quan điểm mình làm thế để bảo vệ gia đình, để giữ chồng và nhắc lại những lần "nhân từ" của nàng dành cho Kiều, khôn khéo xin tha tội nhưng vẫn ở "cửa trên".
Nếu so với những màn đánh ghen hội đồng đầy bạo lực bây giờ thì đúng là Hoạn Thư quá "rảnh" khi ghen theo trình tự, giai đoạn, vừa ghen vừa thăm dò thái độ của đối phương chứ "nào dám" ra tay tàn độc.
Suy cho cùng, cả Kiều và Hoạn Thư chỉ là nạn nhân của Thúc Sinh - 1 gã đàn ông nhu nhược, đớn hèn. Thúc chỉ biết hưởng thụ rồi lảng tránh vấn đề và chọn cách lẩn trốn, không dám lên tiếng và cũng không dám bảo vệ người mình yêu.
Mặc dù chỉ là những nhân vật văn học sống động dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du nhưng Hoạn Thư là hình mẫu đáng để phụ nữ học hỏi. Và câu chuyện tình tay 3 ấy có thể xuất hiện ở mọi thời, phụ nữ chỉ cần thiếu tỉnh táo sẽ trở thành "kẻ xấu" trong mỗi câu chuyện của miệng đời.
Nguồn tham khảo: Truyện Kiều - Nguyễn Du