Ghé thăm 'nhà của Pao' tại Hà Giang

,
Chia sẻ

Đó là ngôi nhà trong bối cảnh bộ phim truyện nhựa Chuyện của Pao, đoạt giải Cánh diều vàng 2005. Một bức tranh thu nhỏ cuộc sống đồng bào Mông hoang sơ và đẹp lạ kỳ.

Sau Vợ chồng A Phủ, có lẽ khi Chuyện của Pao lên màn ảnh rộng, công chúng điện ảnh mới có dịp thấy lại những thước phim phản ánh đời sống đồng bào Mông, tộc người sống tập trung ở miền núi phía bắc Việt Nam.

Diễn xuất ấn tượng của Hải Yến trong vai Pao, cùng bối cảnh ngôi nhà Mông vừa gần gũi thân thuộc, vừa huyền bí đã mang lại cho bộ phim nhiều giải thưởng lớn cũng như sự đón nhận của khán giả. Thuộc xã Sủng Là trên cao nguyên đá Đồng Văn, “nhà của Pao” là nơi cư ngụ của một gia đình Mông tam đại đồng đường.
 
“Nhà của Pao” với hàng rào đá xếp quanh
 
Xe chúng tôi vừa tới ngõ, người lớn, người bé trong nhà đã ùa ra, vừa rụt rè bẽn lẽn lại vừa như háo hức, tò mò. Nhìn cảnh ấy, cảm như lời Pao nói vẫn vang vọng đâu đây: “Tôi là Pao, nhà tôi cách chợ chỉ nửa ngày đường đi bộ”. “Nhà Pao” mang vẻ đẹp nguyên sơ kiến trúc Mông, cánh cổng gỗ bên bờ rào đá như còn dìu dặt tiếng đàn môi gửi nỗi nhớ thương của chàng trai tên Chử.

Vẫn là không gian huyền bí như trong những thước phim của đạo diễn Đỗ Quang Hải, ngôi nhà hai tầng cửa đóng, cửa mở, cửa khép hờ. Các gian nhà vách đất thiếu ánh sáng như lên men thời gian. Đang giữa thu, từ phía ô cửa sổ nơi Pao vẫn ngồi như trong phim không thấy những bông hoa cải nở vàng rực rỡ nhưng thay vào đó mướt xanh cây cỏ.

Người lớn, người bé trong gia đình tươi cười ra cổng đón khách
 
 Không gian ngôi nhà nhìn từ ngoài cổng với tường trình, cửa gỗ, hiên đá, mái lớp ngói máng
 
 Kiến trúc ngôi nhà theo hướng nhìn từ trong ra ngoài
 

        Bậc thềm đá nối sân lên nhà

Những đứa trẻ quần áo nhem nhuốc nhưng đẹp trong trẻo, hoang dại như những bông hoa tam giác mạch trên sườn núi đá chênh vênh. Em lớn nhất vừa tròn 15, nhỏ nhất chỉ mới đầy năm. Cuộc sống thiếu thốn không đồ chơi, không búp bê, không sách truyện… nhưng tiếng cười đùa vẫn giòn vang giữa khoảng sân lát bằng đá xám.

Trong một buổi chiều đậm sương trên cao nguyên đá, cuộc ghé thăm của chúng tôi cùng những chiếc kẹo nhỏ nhoi cũng khiến ngôi nhà vui hơn như có hội. Trong đám trẻ, bé Sơ 10 tuổi nói tiếng Kinh khá thạo trở thành phiên dịch. Cô bé Sậu 4 tuổi thì khiến mọi người bật cười thích thú bởi cái đầu “sư cạo mốc” và lúc nào cũng lăm lăm trong tay con dao quắm, gãi đầu bằng dao, bóc kẹo cũng… bằng dao.

Ghé ngồi trên ngưỡng cửa nhà Pao, nhắm mắt lại để tâm trí đươc thảnh thơi, lắng tai nghe tiếng lục lạc bò từ xa xa vọng lại, tiếng vó ngựa lục cục trở về từ phiên chợ, tiếng gió động qua rèm lất phất… tất cả như những nốt nhạc hòa trong điệu khèn Mông trữ tình, trong trẻo.

 Con lăn gỗ dùng giã lanh dệt vải biến thành đồ chơi của các bé
 Cô bé Sơ xinh xắn học lớp 3 nói tiếng Kinh khá thạo giúp chúng tôi tiếp xúc thân thiện với mọi người
Tạm biệt ngôi nhà trong Chuyện của Pao, chúng tôi chào mọi người bằng câu tiếng Mông mới học lỏm được của cô bé Sơ “ Tai’u lung” - tôi quý bạn, và hẹn ngày trở lại.
 
Theo Tuổi trẻ Online
Chia sẻ