Khám phá Hà Giang theo cách của phóng viên New York Times

,
Chia sẻ

Lần đầu đến với mảnh đất địa đầu Việt Nam, Hà Giang, tác giả Jennifer Bleyer của New York Times đã vô cùng choáng ngợp trước phong cảnh hùng vĩ và sự đa dạng văn hóa nơi đây.

Dưới đây là bài viết của Jennifer Bleyer về Hà Giang trên NY Times:

Những hình ảnh đầu tiên của Hà Giang lần lượt hiện ra trước mắt chúng tôi trong một buổi chiều lộng gió khi chúng tôi đi dọc một con đường hẹp, ngoằn ngèo, bao quanh bởi những dãy tường đá vôi dựng đứng. Khi người lái xe rẽ vào một khúc quanh, tất cả mảnh đất chợt hiện ra với những triền dốc, đồi núi trập trùng và thung lũng sâu.

Khi đi qua vùng núi được gọi là Cổng Trời, Hoàng Tuấn Anh, hướng dẫn viên của gia đình tôi, yêu cầu dừng xe để chúng tôi có thể thấy toàn bộ khung cảnh bầu trời rực rỡ đang hiện ra trước mắt. Nhưng đây mới chỉ là bắt đầu, “chúng ta sẽ sánh ngang cùng những đám mây”, Tuấn Anh nói.
 
Con đường từ Đồng Văn tới Mèo Vạc, du khách có thể ngắm nhìn
nhiều đồng ruộng bậc thang và các dãy núi đá vôi trập trùng.


Tôi cùng chồng và con gái đã ở Việt Nam gần một tháng trước khi quyết định đến Hà Giang, địa đầu của đất nước Việt Nam. Tôi chưa từng nghe nói đến tỉnh miền núi này trước đây nhưng người dân Việt Nam lại rất hay nói đến vùng này như thể đây là mảnh đất xứ Oz vậy, mắt họ thường mở to mỗi khi nghe ai đó nhắc đến Hà Giang.
 
Giới trẻ Hà Nội thường nói rằng bạn không phải là người Việt Nam thực thụ nếu chưa từng đến Hà Giang. Nhiều người bạn của chúng tôi cho rằng tôi không nên lãng phí thời gian và tiền của để trải nghiệm một mảnh đất quá xa và dịch vụ du lịch chưa phát triển. Nhưng gia đình tôi không hề cảm thấy hối tiếc sau khi khám phá mảnh đất được ví là Cổng Trời này.
 

Khung cảnh của Hà Giang dần dần hiện ra trên tàu.
 
Sự “ngưỡng mộ” mà nhiều người trẻ Hà Nội giành cho Hà Giang không phải là không có cơ sở. Không chỉ có phong cảnh hùng vĩ, Hà Giang, với bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ nguyên vẹn và độc nhất, là một trong số hiếm nơi không bị sự hiện đại hay các dịch vụ đóng gói sẵn cho du khách “xâm chiếm”.
 
Trong suốt hai thập kỷ qua, khi những vùng đồng bằng và thành thị của Việt Nam trải qua quá trình phát triển kinh tế và toàn cầu hóa, thì mảnh đất rộng hơn 8.000 km2  này dường như vẫn đứng nguyên và “đóng băng” cùng quá khứ.

Sự thay đổi chỉ mới đến trong một vài năm trở lại đây, khi giới trung lưu Việt Nam chọn Hà Giang là điểm đến cùng những du khách nước ngoài đi tìm sự phiêu lưu, mạo hiểm. Năm ngoái, có 3.500 lượt khách nước ngoài đã chọn Hà Giang là điểm dừng chân.
 
Con số này đã cho thấy sự thay đổi kể từ khi cao nguyên Đồng Văn, nơi cực bắc của tỉnh, trở thành nơi đầu tiên của Việt Nam được UNESCO chỉ định trở thành công viên địa chất của thế giới nhờ sự phong phú về di sản văn hóa và địa chất.
 
Vùng cao nguyên rộng 1.500 km2  được hình thành từ địa hình đá vôi trên cao, bằng chứng của quá trình kiến tạo của trái đất xảy ra cách đây hơn 400 triệu năm.
 
Một số loại hình dịch vụ mới đã xuất hiện ở Hà Giang.

Tại thành phố Hà Giang yên ắng và trầm mặc, chúng tôi đã gặp Anh -một dân tộc Tày và sắp xếp một chuyến đi ba ngày, đầu tiên là tới Đồng Văn, một thị trấn nhỏ gần biên giới Trung Quốc, sau đó sẽ đi dọc đường núi tới thị trấn Mèo Vạc.
 
Anh dẫn chúng tôi tới trụ sở cảnh sát nhập cư để nộp 10 USD tiền giấy phép du lịch. Mặc dù yêu cầu này đã được bãi bỏ từ năm 1993 nhưng du khách khi đến Hà Giang vẫn phải “thông quan” trước khi bắt đầu chuyến đi.

Sau đó, chúng tôi đi khỏi thành phố Hà Giang để tới vùng đất rất đặc biệt. Anh, một người đàn ông hơn 30 tuổi, đã từng học ở Anh và sống ở Hà Nội trước khi quay về quê hương, nhớ lại, cha mẹ anh từng đi bộ mấy ngày trời qua những đoạn đường gập ghềnh, đồi núi để tới Đồng Văn trước khi hình thành con đường mới như bây giờ.

Người dân thu hoạch mùa màng. Trên mảnh đất miền núi như Hà Giang.
Lúa gạo không được trồng nhiều do dất thiếu màu mỡ.
 
Câu chuyện về Hà Giang, theo một cách nào đó, là câu chuyện về những người dân tộc Mông độc lập và đầy tự hào. Họ đã theo những người dân tộc Tày và nhiều dân tộc thiểu số khác đến sinh sống tại mảnh đất địa đầu này từ cuối thế kỷ 18. Ở Hà Giang, họ tìm thấy bầu không khí trên cao mà họ đã quen sống và đất kềm nơi những cánh đồng sẽ tươi tốt.

 
Những mảnh vải được thêu nhiều màu sắc rực rỡ được đem bán tại chợ Sà Phìn.
 
Anh kể về lịch sử Hà Giang khi chúng tôi cùng ngồi ăn tối trong khách sạn Rocky Plateau, đã từng là nhà khách chính phủ, nằm trên trục đường chính của Đồng Văn, mới đây đã được tận dụng và sửa chữa thành một khách sạn 16 phòng có đầy đủ tiện nghi cần thiết như nước nóng và cáp truyền hình.
 
Phòng của chúng tôi có ba giường cỡ lớn, rất thoải mái, phòng được trang bị các đồ dùng bằng gỗ và cửa sổ nhìn ra một bức tường đá tuyệt đẹp. Sự ấm áp này thật sự đối lập với ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về thị trấn. Khi tới Đồng Văn lúc đầu, không gian thật tĩnh lặng, nơi đây hầu như ô tô, điện thoại đều không tồn tại và điện vẫn còn rất hiếm.
 

Vẻ trầm mạc và tĩnh lặng của Đồng Văn.

Đồng Văn tỉnh giấc từ sớm tinh mơ, những người phụ nữ Mông mặc váy truyền thống đủ màu sắc đi bộ từ đỉnh đồi, trên vai địu những rổ tre chứa đầy bắp ngô và rau xuống chợ thị trấn, nơi những người đàn ông trong trang phục đen đến thưởng thức tô phở hoặc bún nóng hổi. Những người đi chợ thường bán thuốc lá, trà, thuốc nhân sâm tự làm, còn có cả những người nông dân dắt cả trâu đi bán.
 
Quán cà phê Phố Cổ trước đây là nhà của một thương nhân.
Chúng tôi nấn ná ở lại một ngôi nhà của một thương nhân đã được chuyển thành quán cà phê Phố Cổ, thưởng thức ly nước xoài và cà phê đen đặc trước khi quay trở lại chợ. Chúng tôi đã mua xôi đậu đen được gói trong lá cây thuốc lá để làm bữa sáng.
 
Phụ nữ Mông tại phiên chợ Sà Phìn
Sau khi quay trở về khách sạn, Sua, một người phụ nữ Mông trắng làm việc tại đây, đã lên kế hoạch dẫn chúng tôi đi khám phá mảnh đất này bằng đường bộ. Anh đã dịch lại câu nói của Sua với chúng tôi: “Tôi sẽ dẫn các bạn đi trên một đoạn đường nhỏ nhưng rất đẹp”.
 
Suốt 5 tiếng sau đó, chúng tôi theo chân Sua đi sâu vào đồi núi, đổ mồ hôi trên những đoạn đường vừa hẹp vừa dốc mà người dân địa phương vẫn hàng ngày đi qua từ thôn xóm đến cánh đồng và tới thị trấn để mua bán.
Cánh đồng lúa vàng gần thị trấn Đồng Văn.
 
Sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu chuyến khám phá Hà Giang cuối cùng từ sáng sớm, tới thị trấn Mèo Vạc, cách Đồng Văn hơn 20 km, con đường được cho là ngập nghềnh nhất của vùng đất. Được xây dựng từ năm 1959, con đường nối hai thị trấn không dành cho những người yếu bụng.
 
Anh lái xe chầm chậm để chúng tôi có thể ngắm quang cảnh. Con sông Nho Quế nằm dưới hẻm núi, trông không khác gì một sợi chỉ. Đường đi hết lên lại xuống dốc, xoắn rồi lắc liên tục.
Một nhóm đàn ông Hà Giang ngồi uống rượu ở chợ Sà Phìn.
 
Thị trấn Mèo Vạc có diện tích và đặc điểm khá giống với Đồng Văn. Tuấn Anh kể cho chúng tôi nghe về phiên “chợ tình”, họp vào tháng 3 hàng năm, nơi những người dân tộc thiểu số từ khắp nơi ở Hà Giang đổ đến để tìm kiếm một cuộc tình lãng mạn.
 
Khi quay trở lại, chúng tôi đi qua Lũng Phìn, một khu chợ khác được tổ chức 6 ngày một lần theo lịch mặt trăng. Anh kể cho chúng tôi hình ảnh các phiên chợ từ xưa khi người dân trao đổi yên ngựa, nấm khô, gừng, trâu nước, bạch đậu khấu, những đôi giày nhựa, dải ruy-băng và vải thêu hoa... tất cả đều được trao đổi sau những bữa ăn túy lúy với súp thịt ngựa và rượu dân tộc.

“Lần sau các bạn tới đây, tôi chắc chắn sẽ đưa mọi người tới xem tận mắt phiên chợ độc đáo này”, Anh nói.

Chúng tôi đồng tình và thích thú với ý tưởng sẽ quay trở lại Hà Giang một ngày nào đó. Còn bây giờ, thị trấn Mèo Vạc vẫn yên ả và trầm mặc, với một vài ông cụ ngồi hút thuốc bằng ống tre, một vài đứa trẻ đang chơi đùa trên đường phố. Chúng tôi quay lại nhìn, con đường như một đoạn dây thừng quấn lại đằng sau và dần dần khuất bóng sau những dãy núi đá thẳng đứng.
 
Theo Đất Việt
Chia sẻ