Ghé thăm CARA - trung tâm dạy kỹ năng sống cho trẻ ở Hà Nội: Nơi các em nhỏ được học toàn điều thiết thực
Có điều gì ở buổi học khiến những đứa trẻ thích thú, say mê đến vậy?
Rèn luyện kỹ năng sống là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Nó giúp trẻ nhanh chóng hoà nhập và khẳng định vị trí của mình trong tập thể, xa hơn là trong cộng đồng, xã hội. Dù trẻ tài giỏi, thông minh đến đâu nhưng thiếu kỹ năng sống, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận môi trường, hòa nhập cộng đồng.
Thấu hiểu điều đó, ngày nay nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng chi số tiền không nhỏ để con tham gia các khóa đào tạo kỹ năng sống, giúp con nâng cao khả năng thích nghi trước mọi hoàn cảnh. Vì thế, không ít trung tâm giáo dục ngoại khóa được thành lập, trong đó có hệ thống Giáo dục kỹ năng sống CARA – một địa chỉ nhận được nhiều tin tưởng từ phụ huynh.
CƠ SỞ VẬT CHẤT ĐẠT CHUẨN HOA KỲ CÙNG TRIẾT LÝ GIÁO DỤC NHÂN VĂN
CARA là hệ thống Giáo dục kỹ năng sống dành cho trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau. Một số khóa học tổ chức tại CARA được phụ huynh đánh giá cao như: Khóa học trại hè, khóa học phát triển các kỹ năng thế kỷ 21 và tâm thế của nhà lãnh đạo, khóa trại thủ lĩnh sinh tồn, khóa phát triển kiến thức Robots,… Thông qua các buổi học, các em biết cách khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm; biết đối mặt và vượt qua khó khăn theo từng độ tuổi; tự tin thiết lập và thực hiện mục tiêu học tập, mục tiêu cuộc sống trong thời đại toàn cầu hóa.
Hệ thống Giáo dục kỹ năng sống CARA gồm 3 cơ sở: CARA Trung Kính, CARA Thanh Xuân và CARA Mỹ Đình. Hệ thống các trung tâm được xây dựng đồng bộ theo tiêu chuẩn FasTracKids Hoa Kỳ đảm bảo tối ưu hoạt động học tập.
"Học tập – Suy nghĩ – Hành động" là triết lý giáo dục được CARA chú trọng hoàn thiện và phát triển không ngừng. Không chỉ trang bị cho học sinh suy nghĩ, hướng dẫn phương pháp tư duy hiệu quả và cách thức ứng dụng các kiến thức, kỹ năng vào cuộc sống, thầy cô tại CARA còn tạo cơ hội để các em được thực hành. Chỉ thông qua rèn luyện mới có thể hình thành thói quen tích cực, hoàn thiện tính cách, giúp các em có cơ hội thành công trong tương lai.
Để tìm hiểu về Trung tâm, chúng tôi (PV) đã ghé thăm cơ sở CARA tại Thanh Xuân (Tầng 1, tòa B, khu A, tòa nhà Imperia Garden, 143 Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội), dự buổi học bồi dưỡng kỹ năng phòng chống lừa đảo và dụ dỗ sử dụng ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện.
Ghé thăm CARA - Trung tâm dạy kỹ năng sống cho trẻ.
Buổi học do CARA phối hợp với Trung tâm phòng chống tai nạn thương tích trẻ em CAIP tổ chức nhằm đào tạo kỹ năng sống cho trẻ từ 8 – 15 tuổi. Lớp học tại CARA hạn chế số lượng học viên nhằm đảm bảo chất lượng, giúp các em không chỉ được tiếp thu kiến thức mà còn có cơ hội tương tác, tham gia các hoạt động có giá trị thực tiễn.
Ngoài ra, còn một điều đặc biệt tại CARA là các phòng học đều được trang bị bảng thông minh, phần mềm giảng dạy hiện đại. Trung tâm có hệ thống camera và cabin trong phòng giúp phụ huynh có thể theo dõi các hoạt động diễn ra trong lớp học. CARA còn có khu vui chơi, phòng đọc sách, phòng trải nghiệm STEAM,… giúp các em có những giây phút "vừa học, vừa chơi" thích thú.
HỌC VIÊN NHÍ HÁO HỨC TRƯỚC NỘI DUNG BÀI PHONG PHÚ
Mở đầu buổi học, giáo viên chia 7 học sinh thành 2 nhóm để các em dễ dàng thảo luận. Mỗi nhóm lần lượt được phát giáo cụ mô phỏng. Đón nhận giáo cụ trên tay, các em vô cùng háo hức, bàn luận rôm rả rồi hý hoáy ghi chép ra giấy. Dù chưa được giáo viên cung cấp kiến thức nhưng các em đều nhận biết được một số dạng ma túy cơ bản như: Cần sa, bùa lưỡi, tem giấy, heroin, bóng cười,…
Sau 10 phút ngắn ngủi, cả 2 nhóm đã liệt kê được hàng loạt tên gọi của các chất cấm khiến giáo viên không khỏi bất ngờ. Những chất cấm đó đều là nguồn cơn dẫn đến hệ lụy đau lòng. Nhiều trẻ vị thành niên sử dụng trong thời gian dài khiến sức khỏe giảm sút, tương lai lỡ dở, gia đình ly tán.
Để trẻ hiểu rõ hơn về tác hại của chất cấm, phía CARA đặc biệt mời một cán bộ công an tới giảng giải, trả lời những câu hỏi, thắc mắc của các em.
Phần tiếp theo của buổi học, Th.S Nguyễn Thu Hiền – Chuyên gia huấn luyện tại Trung tâm Phòng chống Tai nạn Thương tích Trẻ em CAIP, cũng là giáo viên trực tiếp giảng dạy hướng dẫn học viên cách xử lý trong trường hợp bị kẻ xấu nhờ vận chuyển hay giữ hộ chất cấm.
Để bài học thêm sinh động, gần gũi, giáo viên đã mời 2 học viên vào vai diễn "nặng ký" để các em biết cách xử lý trước tình huống nguy hiểm. Theo đó, giáo viên đã đóng vai kẻ xấu, nắm chặt tay học viên, khẩn thiết nhờ chuyển đồ giúp. "Diễn viên" nhí thấy vậy liền gào thét, vùng vẫy: "Tôi không biết cô nên tôi sẽ không chuyển giúp đồ, đề nghị cô buông tay". Các bạn học sinh phía dưới được trận cười ngả nghiêng, không quên vỗ tay cổ vũ bạn.
Vậy trong trường hợp bị người xấu uy hiếp, đe dọa thì phải làm sao? Một "diễn viên" nhí khác đưa ra cách xử lý cực nhanh nhạy: "Làm ơn giúp cháu với, có kẻ xấu ạ! Chú áo xanh, cô áo vàng xin hãy giúp cháu!". Sau đó, em học sinh cho biết bản thân sẽ vùng vằng thoát thân, chạy đến nơi đông người, nhờ người lớn liên lạc với bố mẹ. Tình huống cụ thể đã "mềm hóa" kiến thức khô khan, giúp các em hiểu bài dễ hơn, biết vận dụng vào đời sống.
Cuối buổi học, các học viên đều nhất trí lời khuyên của giáo viên: Tập trung học tập thật tốt để bố mẹ vui lòng và tuyệt đối tránh xa ma túy độc hại cùng các chất cấm.
GIÁO ÁN DÀY CÔNG, GIÁO CỤ CHÂN THỰC KHIẾN BÀI HỌC THÊM PHẦN LÔI CUỐN
Nhằm giúp học sinh nắm vững kiến thức bài học, Th.S Nguyễn Thu Hiền – Giáo viên trực tiếp giảng dạy đã dày công chuẩn bị giáo án từ nhiều tháng trước. Toàn bộ giáo án được xây dựng và kiểm định bởi Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam. Chị Thu Hiền chia sẻ, vì nội dung bài học có phần nhạy cảm, khô khan nên chị mất nhiều thời gian, công sức xây dựng nhằm đảm bảo truyền tải đủ nội dung và có những phần mở rộng thú vị để các em không cảm thấy nhàm chán.
Thực tế, các em có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin qua Internet, mạng xã hội hay đơn giản là các bộ phim truyền hình thường ngày. Tuy nhiên, điều này chỉ giúp các em nắm được lượng ít kiến thức, thông tin còn hạn chế. Vì vậy, buổi học mở ra với mong muốn các em sẽ hiểu rõ, hiểu đúng tác hại của ma túy, chất gây nghiện, chất kích thích. Từ đó có biện pháp bảo vệ bản thân cũng như tuyên truyền kiến thức chính xác đến mọi người xung quanh.
Đặc biệt, điều mà chị Thu Hiền trăn trở nhất là việc chuẩn bị giáo cụ trực quan đảm bảo mô phỏng chính xác, chân thực. Để có được giáo cụ giống thật nhất, chị đã bỏ tâm huyết nghiên cứu, tự tay tỉ mỉ chuẩn bị từ những phần nhỏ nhất.
"Hình ảnh, video hay giáo cụ trực quan đều phải thực hiện chỉn chu, không thể làm hời hợt mới giúp học viên hiểu rõ vấn đề, nhìn ra hiểm họa khôn lường. Các em bây giờ rất thông minh, chúng ta không thể đánh lừa bằng những giáo cụ vô tri vô giác. Bên cạnh đó, nhằm giúp buổi học sôi động, tôi đã chia nhóm để các em có cơ hội phát triển kỹ năng "team work" (làm việc nhóm). Các em đã có những giây phút thảo luận sôi nổi tìm cách giải quyết vấn đề và học được cách kiềm chế cảm xúc", chị Thu Hiền cho biết.
Kết thúc buổi học, các em nhỏ phấn khích chạy ùa ra khỏi lớp, hứng khởi kể cho bố mẹ nghe bao điều thú vị. Em Nguyễn Đức Long, 9 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội thích nhất phần học cách xử lý trong trường hợp bị kẻ xấu nhờ vận chuyển hay giữ hộ chất cấm. Em hào hứng chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên con được lắng nghe những điều quan trọng như vậy. Con sẽ kể lại cho các bạn vào ngày mai khi đến trường".
Còn em Lương Mạnh Vinh, 10 tuổi, Hà Nội lại tỏ ra bất ngờ và hứng thú với phần nhận biết các dạng chất cấm. Trước buổi học, em đã tìm hiểu thông tin và chuẩn bị một số câu hỏi dành cho cô giáo cùng diễn giả. "Qua bài học, con đã biết cách phòng tránh những điều xấu xa. Con cũng rất vui khi được chú công an giải đáp thắc mắc", Mạnh Vinh cho biết.
Bà Trần Thị Thanh Thủy - Giám đốc Trung tâm Phòng chống Tai nạn Thương tích Trẻ em CAIP, Giám đốc Marketing hệ thống Giáo dục Kỹ năng sống CARA cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức các khóa học bồi dưỡng kỹ năng phòng chống lừa đảo và dụ dỗ sử dụng ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện.
Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai các khóa học kỹ năng sống quan trọng không kém khác như: Giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại tình dục, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực học đường,…