Con thi trượt cấp 3 trường điểm, cách hành xử của cha mẹ nhận về 'cơn mưa' tranh cãi

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Để mọi đứa trẻ có cả dũng khí đứng trên đỉnh cao và sự kiên cường khi rơi xuống vực sâu, chắc chắn không thể thiếu sự đồng hành và định hướng của cha mẹ.

Cách đây một thời gian, tin tức về một gia đình ở Phụ Dương (An Huy, Trung Quốc) đã nhanh chóng lọt vào top tìm kiếm thịnh hành. Một nam sinh đạt 523 điểm trong kỳ thi tuyển sinh cấp 3 nhưng lại không vào được trường cấp 3 trọng điểm của địa phương. Nghe kết quả, bà mẹ liền tức giận xé hết đống giấy khen của con treo trên tường. Người cha đi làm xa rất thất vọng khi biết điểm số, nói rằng nếu học hành không ra gì thì thà ra ngoài đi làm sớm. 

Dù đứa trẻ cho biết không hề tức giận với hành vi của bố mẹ nhưng cư dân mạng lại rất phẫn nộ.

Con thi trượt cấp 3 trường điểm, cách hành xử của cha mẹ nhận về "cơn mưa" tranh cãi - Ảnh 1.

Liệu việc xé giấy chứng nhận và phủ nhận hoàn toàn những nỗ lực, thành tích trong quá khứ của trẻ có thực sự khiến trẻ "biết xấu hổ và phấn đấu"? Giấy khen bị rách có thể làm lại được nhưng trái tim bị cha mẹ làm tổn thương liệu có thể hàn gắn lại? Những bậc cha mẹ không thể chịu được thất bại và không thể nhìn nhận đúng đắn chuyện được và mất thì làm sao có thể dạy con mình chiến thắng để có một cuộc sống tốt đẹp hơn?

Thái độ của cha mẹ đối với việc thắng và thua ảnh hưởng đến tương lai của trẻ

Khi con còn nhỏ, chúng không biết cách đối mặt với "được, mất, thắng, thua", thái độ của cha mẹ về cơ bản quyết định thái độ của con, đồng thời cũng quyết định cách đánh giá, nhận thức và hình mẫu tương lai của con về bản thân.

Có thể nhiều phụ huynh đã trải qua các tình huống sau:

Khi con được điểm cao, cha mẹ mừng rỡ, tâng bốc và khoe khắp nơi. Một khi kết quả không đạt yêu cầu, những đứa trẻ sẽ tha hồ hứng chịu mắng mỏ, thậm chí đánh đòn. Cho dù cố gắng thế nào, chỉ cần một kỳ thi không như mong muốn, những thành tích và nỗ lực của trẻ trước đó cơ bản đều bị phủ nhận. Áp lực tâm lý quá lớn khiến trẻ càng sợ thất bại và lo cha mẹ thất vọng, từ đó đẩy mình đến bờ vực của sự trầm cảm.

Ở câu chuyện bên trên, thực ra em học sinh cấp 2 khá hài lòng với điểm số của mình, nhưng rất tiếc điều đó không được như kỳ vọng của bố mẹ. Khi chứng kiến con đạt hàng loạt giải thưởng nhưng lại không đỗ vào trường cấp 3 trọng điểm, họ vô cùng thất vọng, cho rằng những giải thưởng trước đây "chẳng có nghĩa lý gì". Khi xé bỏ những thành tích của con, cha mẹ chẳng khác nào đã xát muối vào tim đứa trẻ, khiến con thấy tự ti về bản thân mình. 

Giáo sư Lý Mai Cẩn - chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực nuôi dưỡng, giáo dục trẻ của Trung Quốc từng nói trong một bài giảng: Cha mẹ nên có trí tuệ, đừng quan tâm đến những cái được và mất nhất thời của con cái. Mỗi đứa trẻ có những năng khiếu và thế mạnh khác nhau. Có người học hành thành tài nhưng cũng có người giỏi bóng đá, bóng rổ, bóng bàn, sau này trở thành huấn luyện viên thể thao và kiếm được rất nhiều tiền. Con cái không thể làm vừa lòng cha mẹ về mọi thứ. Là cha mẹ, chúng ta không thể định nghĩa con cái theo tiêu chuẩn của người lớn.

Ngay cả khi một đứa trẻ hiện tại không thể hiện tốt ở một khía cạnh nào đó cũng không có nghĩa là nó sẽ bế tắc trong tương lai. 

Cuộc đời có nhiều thứ quan trọng hơn thắng thua

Trong cuốn sách "Tại sao gia đình làm tổn thương con cái", một tác giả của Trung Quốc kể lại câu chuyện:  Khi anh đang học tại Đại học Bắc Kinh, một bạn cùng lớp trong khoa Toán bị tâm thần phân liệt vì thi trượt. Một lần, người bạn nửa đêm trần truồng chạy quanh tòa nhà ký túc xá, hét lên: "Tôi đến từ Đại học Bắc Kinh! Tôi đến từ Đại học Bắc Kinh!".

Những đứa trẻ không thể chịu được mất mát có xu hướng quá chú trọng vào được và mất mà bỏ qua những điều tốt đẹp và lợi ích khác trong cuộc sống, điều này liên quan nhiều đến sự hướng dẫn và ảnh hưởng của cha mẹ chúng.

Con thi trượt cấp 3 trường điểm, cách hành xử của cha mẹ nhận về "cơn mưa" tranh cãi - Ảnh 2.

Một nhà tâm lý từng nói: "Trẻ em không chỉ được dạy cách chiến thắng mà còn cả cách thua một cách đẹp mắt". Ngô Tôn, nam ca sĩ, diễn viên nổi tiếng của làng giải trí Hoa ngữ, từng tiết lộ triết lý giáo dục của mình khi cô con gái Neinei tham gia một cuộc thi múa ba lê đầu tiên trong đời và kết quả không mấy khả quan. 

Sau cuộc thi, cô bé suy sụp và khóc, Ngô Tôn cũng rất đau lòng. Nhưng anh đăng trên Weibo rằng để trẻ trải nghiệm và cảm nhận thất bại không phải là điều xấu, điều đó sẽ khiến trẻ dần hiểu rằng quá trình quan trọng hơn kết quả. Trong mắt Ngô Tôn, sự khổ luyện của đứa trẻ cho cuộc thi này đã rất đáng để anh tự hào.

Tám tháng sau, Neinei thi đấu trở lại, nhưng kết quả vẫn không lọt được vào chung kết. Tuy nhiên, ông bố nhận thấy thái độ của Neinei đối với vấn đề này đã thay đổi rất nhiều, cô bé viết trên mạng xã hội: "Đôi khi chúng ta chiến thắng, đôi khi chúng ta học được những điều mới". Từ việc không thể chấp nhận và khóc lóc thảm thiết lúc đầu, cô bé đã trở nên bình tĩnh hơn, đây là một lợi ích có khi còn lớn hơn so với việc giành chiến thắng.

Nick Vujic, người đàn ông sinh ra đã không có tứ chi nhưng vẫn kiên cường sống, truyền cảm hứng cho hàng triệu người đã viết trong cuốn sách "Life Without Limits" (Cuộc sống không có giới hạn): Bạn thất bại, tôi thất bại, những người giỏi nhất trong chúng ta thất bại, và những người khác cũng vậy. Những người không thể đứng lên từ thất bại thường coi thất bại là dấu chấm hết.

Thật ra, khi một đứa trẻ tham gia bất kỳ cuộc thi hay kỳ thi nào, việc thua cuộc không có gì đáng sợ, nhưng điều khủng khiếp nhất là mất đi sự tự tin và nhiệt huyết để chiến đấu trở lại. Để mọi đứa trẻ đều có cả dũng khí đứng trên đỉnh cao và sự kiên cường khi rơi xuống vực sâu, điều này chắc chắn không thể thiếu sự đồng hành và định hướng của cha mẹ.

Chia sẻ