Gặp CEO 9x điển trai, sở hữu chuỗi cửa hàng ăn siêu "hot" ở Hà Nội
23 tuổi và có trong tay cả một chuỗi hệ thống ẩm thực thức ăn tiện lợi với 13 cửa hàng, cộng thêm máu liều và sự tự tin - Lê Thái Sơn thực sự là một chàng trai "không phải dạng vừa"!
Đối với những người trẻ dám nghĩ, dám làm thì đúng là... "không có gì là không thể". Lê Thái Sơn - CEO của Food Center - một hệ thống ẩm thực được cực nhiều bạn trẻ yêu thích chính là ví dụ. 23 tuổi, sau khi tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc tại một trường ĐH ở Thụy Sĩ, chàng trai đầy nhiệt huyết này đã về nước và bắt tay vào khởi nghiệp với những cộng sự của mình.
Để có được nguồn vốn xoay chuyển, Sơn đã phải vay bố mẹ kèm theo lời hứa sau 2 năm nếu không hoàn trả sẽ tự cuốn gói ra khỏi nhà. Có lẽ chính bản lĩnh, tài năng và cả đôi chút máu liều ấy đã khiến Sơn có trong tay một sự nghiệp khá vững vàng như hiện tại. Trò chuyện với chúng tôi, Sơn đã chia sẻ rất nhiều về quan điểm thành công, về những bí quyết và về cả chuyện người ta nói "con nhà có điều kiện" thì làm gì cũng dễ dàng hơn...
Họ và tên: Lê Thái Sơn Ngày sinh: 19/10/1992 Tốt nghiệp THPT Chu Văn An – Hà Nội Tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị khách sạn và chuyên ngành Quản trị và tổ chức sự kiện tại Swiss Hotel Management School tại Thuỵ Sĩ (năm 2013) Doanh nhân trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2015 do Bộ Công Thương bình chọn. |
Chào Sơn! Rất nhiều ngưỡi ngưỡng mộ khi biết CEO của Food Center mới chỉ 23 tuổi thôi đấy! Công việc của bạn dạo này có bận rộn lắm không?
Chào bạn! Hiện tại Food Center đang nằm trong giai đoạn phát triển rất quan trọng, các cửa hàng tại các tỉnh thành trên cả nước đang liên tục thi công và khai trương, nên không chỉ mình mà toàn thể công ty đều phải tập trung hết sức cao độ. Những tháng cuối năm này, mình đang gấp rút hoàn thành mục tiêu ban đầu của Food Center trong năm đầu tiên sẽ phát triển được 15 cửa hàng trên toàn quốc, hiện tại sau 7 tháng mới được 13 cửa hàng, do đó còn một chặng đường nữa mình mới hoàn thành được chỉ tiêu.
Bạn biết đấy, tuổi trẻ là thời điểm mà chúng ta có nhiều thời gian, sức khoẻ, sự nhanh nhạy để tập trung toàn bộ tâm sức cho công việc, đây là giai đoạn Sơn đã lên kế hoạch kĩ lưỡng để có thể bứt phá mặc dù bận rộn 1 chút nhưng mình rất vui.
23 tuổi và nắm trong tay 1 thương hiệu có tiếng, trong lúc đó bằng tuổi bạn, nhiều người vẫn đang loay hoay tìm hướng đi cho riêng mình, thậm chí còn thất nghiệp, với Sơn liệu đây đã phải là thành công?
Kinh doanh thành công là 1 con đường dài mà các bậc tiền bối thường nói “Đường dài mới biết ngựa hay”, vì thế câu chuyện “thành công” hãy để tương lai xa hơn mới có thể nói được. Sơn mới bắt tay vào thực hiện những kế hoạch của mình được 1 năm, bản thân tự nhận thấy mình cũng chưa làm được gì nhiều ngoài một vài dấu mốc nhỏ.
Công ty cũng còn rất nhiều thứ cần hoàn thiện trước khi nhận được bất kỳ sự công nhận nào của khách hàng. Hiện tại, Sơn vẫn cần phải tập trung và kiên trì theo đuổi kế hoạch của mình, hy vọng rằng có thể đưa Food Center trở thành thương hiệu yêu thích hàng đầu của khách hàng cả nước.
Sơn có thể kể lại quá trình từ khi mới bắt tay vào khởi nghiệp cho đến hiện giờ không? Về những thứ mà bạn đã làm.
Ngay từ khi học cấp 3, Sơn đã ý thức được việc đi làm thêm nhiều công việc khác nhau để giao lưu, học hỏi những người đi trước và rèn luyện những kỹ năng sống cần thiết. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, việc mình du học tại Thuỵ Sĩ là một dấu mốc quan trọng khi mình được tiếp xúc với những thương hiệu nổi tiếng, những mô hình kinh doanh mới mẻ. Cũng chính trong giai đoạn này, mình bắt đầu tìm hiểu cũng như ấp ủ những kế hoạch và ý tưởng về ngành dịch vụ khi trở về nước.
Năm 2013 mình về Việt Nam. Sau một thời gian loay hoay với vài dự định ban đầu không thành nhưng học được khá nhiều kinh nghiệm thực tế, mình tình cờ gặp 1 người anh và cùng sáng lập ra Food Center. Chỉ riêng công việc lập dự án, xây dựng chiến lược phát triển dài hạn cho thương hiệu cũng đã mất gần 1 năm. Và như bạn biết đó, đến nay Food Center đã được 7 tháng tuổi và tương đối “cứng cáp” rồi.
Theo bạn thì đâu là điều khó khăn nhất trong suốt quá trình ấy? Và cả thứ khiến Sơn hài lòng nhất đến bây giờ nữa?
Khó khăn nhất có lẽ là việc rèn luyện bản lĩnh và sự tỉnh táo khi bước chân vào con đường kinh doanh này. Bởi lẽ đây là công việc đòi hỏi sự tính toán chiến lược, chứa đựng rất nhiều thách thức, rủi ro, bao nhiêu công sức bạn gây dựng cũng có thể ra sông ra biển bất kỳ lúc nào vì một bước đi sai lầm. Việc khiến Sơn hài lòng nhất chính là được sát cánh cùng mọi người xây dựng Food Center và nhìn thấy đứa con của mình phát triển và đạt được các kế hoạch theo đúng mục tiêu chiến lược đã đề ra trong thời gian qua.
Thành công ngay từ phi vụ làm ăn đầu tiên của mình, nhiều người nói Sơn gặp may?
Một người anh thường nói với mình rằng “May mắn là 1 yếu tố khách quan khá cần thiết trong kinh doanh, nhưng chỉ có sự nỗ lực của bản thân mới quyết định sự thành công bền vững”.
Vậy nên để có thể “gặp may” như ngày hôm nay, mình đã phải làm việc cật lực, lên kế hoạch và chuẩn bị rất kĩ càng, cùng sự tư vấn và những bước đi chiến lược của “tiền bối”. Có lẽ điều may mắn nhất mình có được là gặp được những con người đang ngày đêm sát cùng mình xây dựng Food Center. Nếu nói đây là gặp may, thì mình hy vọng sẽ còn gặp may rất nhiều với sự bùng nổ của công ty trong thời gian tới (Cười)
2 năm nếu không hoàn trả số tiền vay bố mẹ, Sơn sẽ cuốn gói ra khỏi nhà - lời hứa này... liều đấy chứ? Vậy bạn thực hiện nó đến đâu rồi?
Như bạn đã biết, chỉ sau 7 tháng hoạt động, Food Center đã phát triển hệ thống 13 cửa hàng trên 8 tỉnh thành cả nước, với 9 cừa hàng đang hoạt động và 4 cửa hàng đang gấp rút thi công, hoàn thiện để chuẩn bị khai trương.
Tuỳ vào từng địa điểm và tại các thành phố khác nhau, doanh thu của các cửa hàng trung bình 15-25tr/ngày, cao điểm lên tới 40-45tr/ngày. Với tốc độ phát triển và doanh thu như vậy, nên chỉ sau 3 tháng Food Center đi vào hoạt động, mình đã hoàn toàn trả lại khoản vay ban đầu từ gia đình để khởi nghiệp, vui nhất là đã hoàn thành lời hứa với bố mẹ trước thời hạn nữa chứ (Cười)
"Con nhà có điều kiện" thì làm gì cũng sẽ dễ dàng hơn, từ việc du học, đến khởi nghiệp... - Sơn có nghĩ thế?
Nói như vậy nhưng mình nghĩ rằng “có điều kiện” cũng vấp phải những áp lực, khó khăn riêng mà chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu được. Mình là người sống thực tế, bất kỳ ai cũng vậy, nếu có điều kiện và cơ sở tốt để phát triển nhưng không biết tận dụng và lấy đó làm bàn đạp thì dù nhà bạn có giàu đến đâu cũng chẳng thể nào phát triển hay thành công được.
Với lại cá nhân mình thấy để vay vốn được từ gia đình, góp vốn thành lập một công ty nhỏ như Food Center, thì Việt Nam bây giờ cũng nhiều gia đình “có điều kiện” lắm (Cười).
Là 1 trong những người về nước và thành công, Sơn muốn nói gì với những du học sinh đang băn khoăn không biết ở hay về vì sợ "ở Việt Nam không phát triển được"?
Cá nhân Sơn nghĩ mình chưa phải là 1 người thành công sau khi trở về nước đâu. Từng là 1 du học sinh, mình cũng hiểu tâm lý của các bạn du học sinh khi đã tiếp xúc với môi trường sống, học tập cũng như làm việc tại các nước phát triển hơn, nhìn thấy rất nhiều cơ sở hay điều kiện công việc, sinh hoạt hay dân trí tốt hơn Việt Nam rất nhiều, điều này thực sự rất hấp dẫn. Việc họ “về hay ở lại” là lựa chọn của mỗi người.
Mình cũng đồng ý rằng Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, rào cản, dễ gây tâm lý nản chí đặc biệt với những bạn trẻ mới ra trường tìm kiếm một việc làm tốt và muốn tự do tìm tòi, xây dựng những thứ mới mẻ. Tuy nhiên, chính trong một môi trường “khắc nghiệt” như vậy, cơ hội để các bạn rèn luyện và khẳng định được bản thân cũng không hề ít.
Trên thực tế, có rất nhiều bạn trẻ đã và đang đạt được thành công nhất định, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, vì vậy nếu nói rằng “Ở Việt Nam không phát triển được” là vô lý. Mình tin rằng, cơ hội sẽ chỉ đến với những người có đam mê, nhiệt huyết, có kế hoạch và chấp nhận thách thức. Sau khi về nước và làm việc một thời gian tại đây, bản thân Sơn không hề thấy hối hận về lựa chọn của mình.
Và cả những bạn đang muốn khởi nghiệp nữa, Sơn có lời khuyên gì cho các bạn ấy không?
Hãy ước mơ, tìm kiếm những con người có chung lý tưởng và lên kế hoạch cho mọi thứ bạn định làm, cuối cùng là bắt tay vào thực hiện từ những việc nhỏ nhất. Đó chính là những viên gạch đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng khi bạn khởi nghiệp. Ngoài ra còn một điều nữa, hãy tỉnh táo và “lì đòn” nếu muốn khởi nghiệp thành công.
Sơn chia sẻ thêm về những dự định trong tương lai của mình nữa nhé!
Mình cùng các đối tác đầu tư có rất nhiều kế hoạch phát triển thêm các thương hiệu, dịch vụ cũng như mô hình kinh doanh mới ở Việt Nam. Tuy nhiên để làm được những điều này còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố và thời điểm, vì thế trước mắt mình sẽ chỉ tập trung vào việc xây dựng nền móng, tiếp tục mở rộng hệ thống Food Center thành một thương hiệu có ảnh hưởng và phát triển bền vững, đặc biệt là trong năm 2016 tới.