Gạo đen: Loại gạo từng chỉ dành cho vua chúa, giờ được săn đón vì những lợi ích tuyệt vời này

MINH VÕ,
Chia sẻ

Với nhiều khả năng trong việc đẩy lùi bách bệnh và đặc biệt là ung thư, giới hoàng tộc ngày xưa đã coi loại gạo đen này như một bảo vật.

Loại gạo thượng hạng, từng chỉ dành cho vua chúa

Nhiều người nghĩ rằng gạo chỉ có mỗi màu trắng nhưng thực tế là gạo cũng có nhiều loại và màu sắc như gạo đỏ, gạo nâu… Tuy nhiên, gạo đen mới chính là loại gạo thượng hạng nhất. Nó được mệnh danh như "ông hoàng của thế giới gạo" và là một loại ngũ cốc cao cấp có thành phần dinh dưỡng không thua kém bất kỳ thực phẩm nào.

Gạo đen: Loại gạo từng chỉ dành cho vua chúa, giờ được săn đón vì những lợi ích tuyệt vời này - Ảnh 1.

Gạo đen là một trong những cao lương mỹ vị của Trung Quốc cổ xưa.

Xuôi theo lịch sử, gạo đen từng được gọi là "gạo cấm" hay "gạo của hoàng đế" ở Trung Quốc cổ, bởi ngày xưa nó không được ban phát cho dân thường ăn. Có thông tin rằng ban đầu gạo đen chỉ được phục vụ riêng cho các chức sắc và lãnh đạo ở vùng Viễn Đông, nhằm bồi bổ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

Nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy gạo đen có cùng nguồn gốc với các loại gạo màu khác khoảng 10.000 năm trước. Nhưng đặc biệt ở chỗ gạo đen rất hiếm bởi chỉ thỉnh thoảng mọc lên dưới dạng đột biến gen, nó khiến cây gạo sản xuất ra lượng lớn chất anthocyanin – một hợp chất chống oxy hóa. Từ đó người nông dân phát hiện được sự bổ dưỡng của nó và bắt đầu tìm cách trồng đại trà.

Tốt cho sức khỏe tim và não

Theo Devon Andre – cử nhân khoa học pháp y của Đại học Windsor (Canada) và Bác sĩ Juris của Đại học Pittsburgh cho biết, hợp chất anthocyanin chính là "quyền lực ngầm" của gạo đen. Mặc dù nó cũng được tìm thấy trong quả việt quất, quả mâm xôi, quả acai hay cà tím… nhưng ở gạo đen thì anthocyanin lại nhiều gấp bội.

Gạo đen: Loại gạo từng chỉ dành cho vua chúa, giờ được săn đón vì những lợi ích tuyệt vời này - Ảnh 2.

Anthocyanin - Cội nguồn sức mạnh của gạo đen.

"Anthocyanin có khả năng bảo vệ sức khỏe tim và não bằng cách hạn chế viêm nhiễm, giảm cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và chứng mất trí nhớ. Hơn thế nữa gạo đen còn chứa ít đường, nhiều Vitamin E cùng chất xơ hơn so với gạo lứt nguyên hạt. Nó thật sự là thần dược giúp thúc đẩy tiêu hóa cùng một trái tim khỏe mạnh" – Devon và Juris đưa ra lời khuyên.

Một số tác dụng của loại gạo này đối với sức khoẻ bao gồm:

Gạo đen tốt cho gan

Năm 2012, tạp chí Nutrition & Metabolism đã công bố 1 nghiên cứu về tác dụng của gạo đen lên bệnh gan nhiễm mỡ không cồn (gan nhiễm mỡ do rượu bia là do cồn, được xét riêng).

Các nhà nghiên cứu chia những con chuột bị bệnh gan nhiễm mỡ thành 3 nhóm: Ăn theo chế độ béo bình thường, chế độ nhiều béo và chế độ nhiều béo bổ sung chiết xuất gạo đen. 7 tuần sau, họ nhận thấy những con chuột ăn chế độ gạo đen đã cải thiện được mức độ máu trong mỡ, giảm đáng kể lượng trilyceride chất béo từ dầu thực vật và mỡ động vật) và cholesterol hơn những nhóm còn lại. Từ đây, các nhà nghiên cứu có thể khẳng định rằng gạo đen đóng một vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh gan nhiễm mỡ.

Gạo đen giúp giảm sưng viêm

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Suwon – Hàn Quốc đã tiến hành nghiên cứu hiệu quả chống viêm da của cám gạo đen và cám gạo lứt trên động vật đã chỉ ra rằng: Trong khi gạo lứt không hề có tác dụng trong việc chống viêm nhiễm thì gạo đen lại là một thực phẩm vô cùng hữu dụng giúp phòng ngừa các bệnh liên quan đến viêm nhiễm mãn tính.

Gạo đen có đặc tính chống ung thư

Đặc biệt, Hiệp hội Ung thư Mỹ đã khẳng định anthocyanin trong gạo đen còn có đặc tính chống khối u cực mạnh. Cụ thể, nó ngăn chặn di căn của bệnh ung thư vú hay ung thư đại trực tràng trong một vài trường hợp nhất định.


Tóm lại, các nhà nghiên cứu tin rằng chất anthocyanin chống oxy hóa có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư, bệnh tim và các vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ bằng chứng cho thấy anthocyanin có khả năng loại bỏ các tế bào lão hóa được hình thành trong cơ thể.

Hiện nay, sản lượng của gạo đen chỉ khoảng 10% so với gạo trắng nên giá cả vẫn có phần cao hơn mặt bằng chung. Tuy nhiên, "đắt thì xắt ra miếng", đổi lại biết bao nhiêu lợi ích cơ mà.

Theo Theepochtimes

Chia sẻ